(2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Hàm Long, Bắc Ninh (Lần 1) có đáp án
(2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Hàm Long, Bắc Ninh (Lần 1) có đáp án
-
3604 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
90 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
(1) Mỗi người trên thế giới này đều có một cuộc đời riêng và duy nhất, với những ngoại hình và hoàn cảnh khác nhau không bao giờ trùng lặp. Hãy gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim - những bộ phim cuộc đời con người. Ai cũng có bộ phim cuộc đời của riêng mình, bất kể đó là kẻ hành khất hay một vị vua. (2)Trong bộ phim cuộc đời ấy, chúng ta vừa là người viết kịch bản, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí kiêm khán giả nữa. Nhưng có mội sự thật đáng tiếc, thay vì làm đạo diễn điều khiển cuộc đời mình, dường như chúng ta lại thích thú hơn với việc làm khán giả cho bộ phim của người khác, từ người thân quen, người trong các mối quan hệ xã giao hay thậm chí là người hoàn toàn xa lạ. Việc tình nguyện làm khán giả cho người khác là một thói quen nguy hiểm. Nó không chỉ làm bạn hao phí nhiều thời gian, sinh lực mà còn khiến bạn quen với thế bị động, bị động theo dõi người khác và rồi bị động luôn với chính cuộc đời mình. Mỗi ngày, nhờ internet bạn biết được bao nhiêu chuyện “hay hay” trên thế giới, từ cô nàng minh tinh màn bạc Hollywood lộ hàng khi dạo phố cho đến anh nhà quê tung clip âm nhạc mới, từ hotgirl khoe đường cong cho tới anh chàng trẻ tuổi công khai làm lành với vợ... Thừa nhận đi, một ngày bạn đọc bao nhiêu tin tức kiểu này, theo dõi bao nhiêu người xa lạ kiểu này? Tình nguyện làm khán giả vô hình cho những thứ vô bổ, những người xa lạ ở tận đâu đâu như vậy, bạn sẽ mãi đóng vai quần chúng trong cuộc đời người khác. Cứ như vậy, cuộc đời bạn ai sẽ đóng thay đây hay nói đúng hơn, cuộc đời bạn ai sẽ sống thay?
(Sống như ngày mai sẽ chết, Phi Tuyết, Nxb Thế giới, tr. 10 - 11)
Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên
Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2:
Phương pháp: Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Nêu tác dụng biện pháp tu từ so sánh trong đoạn văn (1).
- Chỉ ra câu văn có biện pháp tu từ so sánh: Hãy gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim - những bộ phim cuộc đời con người. Mỗi cuộc đời so sánh với một bộ phim.
- Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, dễ hiểu trong diễn đạt. Qua đó, người đọc nhận thức được sự phong phú, đa đạng và phức tạp khi bàn về cuộc đời con người.
Câu 3:
Vì sao tác giả bài viết lại cho rằng: Việc tình nguyện làm khán giả cho người khác là một thói quen nguy hiểm?
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Tác giả bài viết lại cho rằng: việc tình nguyện làm khán giả cho người khác là mội thói quen nguy hiểm là vì việc đó:
- Làm hao phí nhiều thời gian và sinh lực của bạn, những thứ vốn rất quý giá nhưng lại hữu hạn của cuộc đời mỗi người.
- Khiến bạn quen với thế bị động, bị động theo dõi cuộc đời người khác và bị động với cả cuộc đời mình.
Câu 4:
Theo anh /chị, vì sao nhiều bạn trẻ ngày nay có xu hướng hứng thú với vai trò khán giả trong bộ phim cuộc đời của người khác hơn là làm đạo diễn của bộ phim cuộc đời mình?
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Gợi ý:
- Nhiều bạn trẻ ngày nay cỏ xu hướng hứng thú với vai trò khán giả trong bộ phim cuộc đời của người khác hơn là làm đạo diễn của bộ phim cuộc đời mình.
Đây là một câu hỏi mở, học sinh có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời. Miễn là các lựa chọn đều có giải thích, biện luận thuyết phục. Có thể trả lời bằng một số lí do sau:
-Một trong những yếu tố thuộc về bản chất của con người là tò mò, bị thu hút mạnh mẽ bởi những chuyện xảy ra xung quanh ta.
-Sự phát triển mạnh mẽ và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông khiến những thông tin về cuộc đời của người khác có thể đến với chúng ta một cách dễ dàng.
-Ảnh hưởng của truyền thông khi báo chí và các phương tiện truyền thông khác có xu hướng khai thác toàn lan các thông tin đời tư để phục vụ thị hiếu, đáp ứng sự hiếu kỳ của một bộ phận khán / thính / độc giả. - Việc làm khán giả bao giờ cũng dễ dàng và tốn ít sinh lực hơn làm đạo diễn hay diễn viên chính. - Các nhu cầu cuộc sống ngày càng được đáp ứng đầy đủ hơn nên một bộ phận người trẻ không cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều trong cuộc sống. Họ dành thời gian và sinh lực quan tâm đến những thứ yô bổ xung quanh.
Câu 5:
Từ nội dung phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời cho câu hỏi: Bạn đã sống cuộc đời của chính mình chưa?
Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về cách làm một đoạn nghị luận xã hội.
Cách giải:
* Xác định vấn đề nghị luận: Bạn đã sống cuộc đời của chính mình chưa?
* Bàn luận:
- Giải thích: Sống cuộc đời chính mình là việc con người sống với những khát vọng, mong muốn của bản thân mình. Sống có mục đích rõ ràng và cố gắng phát triển bản thân vì chính mình.
- Bàn luận: Học sinh trình bày quan điểm, bày tỏ thái độ trước câu hỏi được đề ra ở đầu bài. Có thể tham khảo những câu hỏi gợi ý sau:
+ Bạn có đang dành thời gian, tâm huyết để hoàn thiện bản thân, khám phá chính mình hay mãi quan tâm, lãng phí tiềm lực của mình vào những việc vô bổ?
+ Bạn có đang suy nghĩ, hành động từng bước thực hiện ước mơ, khát vọng cuộc đời mình hay bị động đi theo những đường ray người khác vạch ra cho bạn?
+ Mỗi ngày trôi qua bạn có thực sự cảm thấy hạnh phúc?
+ Những việc bạn đang làm có giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn không?
- Rút ra bài học cho bản thân.
Khi nhận thức được cuộc sống của mình rồi, bạn phải làm gì?
Câu 6:
Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản của ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. (Trích Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh)
Anh/chị hãy cảm nhận đoạn văn trên, từ đó nhận xét về phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh
Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
I. Giới thiệu chung
- Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hoá của thế giới, Người còn được biết đến là một nhà văn, nhà thơ lớn.
- Bản tuyên ngôn ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang ở trong tình thế vô cùng cấp bách: khi nền độc lập mới giành được bị đe dọa, tình thế đất nước đang nghìn cân treo sợi tóc. Đối tượng hướng tới là: Quốc dân đồng bào và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm một lần nữa nô dịch đất nước ta, đặc biệt là bọn thực dân.
- Khái quát vấn đề: Đoạn văn đã vạch trần tội ác của thực dân pháp bằng những lý lẽ đanh thép và vô cùng sắc bén, từ đó cho thấy phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh.
II. Phân tích
1. Giá trị nội dung đoạn trích:
- Đoạn văn khẳng định một cách thuyết phục quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do dân tộc ta cũng như các dân tộc khác trên thế giới tạo cơ sở, nguyên lí chính nghĩa cho bản Tuyên ngôn. Hồ Chí Minh đồng tình với tư tưởng tiến bộ của các bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp. Bác đã đặt ngang hàng ba cuộc cách mạng, ba bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau nhằm quốc tế hóa vấn đề độc lập của dân tộc ta.
- Đoạn văn gợi niềm tự hào cao cả của lịch sử dân tộc Việt Nam (So sánh với tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo). - Không chỉ trích dẫn người còn suy rộng, bình luận và nâng cao: Từ vấn đề quyền cá nhân đến quyền của dân tộc, đưa vấn đề độc lập của dân tộc Việt nam thành vấn đề tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
- Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép với tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, đặc biệt chúng đã đi ngược lại tư tưởng tiến bộ của tổ tiên họ, trong 80 năm qua chúng đã đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Người đã mạnh mẽ vạch trần bản chất lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Đó là hành động phi nghĩa, phi nhân đạo. Người đã nêu lên một cách toàn diện tội ác của thực dân Pháp đối với đất nước ta trong gần 100 năm.
+ Bóc lột về kinh tế; Chúng bóc lột nhân dân ta tới tận xương tủy, cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu, độc quyền in giấy bạc và xuất nhập cảng, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, không cho các nhà tư sản của ta ngóc đầu dậy...
+Về chính trị: Chúng tuyệt đối không cho chúng ta một chút quyền tự do nào, chúng thi hành luật pháp dã man, chia đất nước ta làm ba kì để dễ cai trị, chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu... + Về văn hóa: Chúng lập nhà tù nhiều hơn trường học, thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm suy nhược giống nòi...
=> Tội ác của chúng gây ra ở mọi mặt đời sống, ở mọi đối tượng nông dân, công nhân, thợ thủ công. Đó là tội ác chồng chất, tội ác khủng khiếp, dã man vô nhân đạo.
2. Giá trị nghệ thuật của đoạn trích:
- Hồ Chí Minh đã sử dụng dẫn chứng chính xác, trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Pháp và của Mỹ để tạo nên hành lang pháp lý vững chắc, dùng lời nói của đối phương để so sánh, phản bác âm mưu và hành động trái với công lý của chúng, đó là nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông, dùng miệng kẻ thù khóa miệng kẻ thù”.
- Đoạn văn sử dụng nhiều câu văn khẳng định, lời văn mạnh mẽ, trong sáng, dễ hiểu làm tăng sức thuyết phục cho lập luận.
- Tác giả sử dụng điệp ngữ, điệp cấu trúc câu, những hình ảnh ẩn dụ, so sánh được vận dụng khéo léo để tô đậm những tội các dã man của thực dân Pháp.
- Giọng điệu đanh thép, liên hoàn, trùng điệp, các ý được táchthành đoạn văn ngắn tạo điểm nhấn gây nên ấn tượng về tội ác liên hoàn, tội ác nào cũng to lớn khủng khiếp của quân giặc.
3. Nhận xét về phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh.
- Văn chính luận của Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích; lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, bằng chứng đầy thuyết phục, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp.
- Văn chính luận mà vẫn thấm đượm tình cảm, giàu hình ảnh.
- Giọng văn đa dạng: khi ôn tồn, thấu tình, đạt lí; khi đanh thép, mạnh mẽ, hùng hồn.
III. Kết luận
- Khái quát lại vấn đề.
- Giá trị nội dung, nghệ thuật.