IMG-LOGO
Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 4) có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 4) có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 4) có đáp án

  • 1028 lượt thi

  • 5 câu hỏi

  • 90 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đọc văn bản:

Tất cả chúng ta đều được sinh ra để làm những điều có ý nghĩa. Nhưng hành trình thực hiện điều đó không phải lúc nào cũng thênh thang rộng mở, mà luôn có những cá nhân và sự kiện xuất hiện cản đường chúng ta.

Hãy nhớ lại thời thơ ấu tươi đẹp. Chúng ta sống vui vẻ bên gia đình và bạn bè, cuộc đời của ta tràn ngập tình yêu thương và hạnh phúc. Nhưng khoảng thời gian vui vẻ này không kéo dài.

Chúng ta bị bạn bè nói xấu sau lưng, bị chọc ghẹo hoặc bị chỉ trích một cách bất công. Ai đó nói với chúng ta rằng có người đang giận ta và không còn thích ta nữa. Nhưng khi chúng ta hỏi lý do thì họ không đưa ra được câu trả lời hợp lý. Có vẻ như chúng ta chẳng thể làm gì để cải thiện tình hình. Ta cảm thấy bất lực.

Khi lớn lên, chúng ta hy vọng không còn nhiều người có khả năng khiến chúng ta cảm thấy tổn thương và giận dữ nữa, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Thật ra, ngày càng có nhiều người có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Hành vi tồi tệ của họ gây ra biết bao phiền toái và làm ta cảm thấy hết sức khó chịu.

Trong cuộc sống, chúng ta tác động đến người khác, đồng thời ta cũng bị người khác tác động. Khi một người sống tích cực, chúng ta nên quan sát và học hỏi họ. Tuy nhiên, khi hành vi của một người là tiêu cực, chúng ta đứng trước một quyết định liệu ta sẽ chấp nhận hành vi đó hay lựa chọn một cách phản ứng khác? May mắn là quyền quyết định nằm trong tay chúng ta. Đừng ngồi thụ động một chỗ và để thái độ của người khác ảnh hưởng đến mình. Chúng ta sống trên đời vì một mục đích to lớn hơn.

(Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác, David J. Pollay, NXB Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2022, tr. 6-7)          

Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của đoạn trích trên.

Xem đáp án
Phong cách chức năng ngôn ngữ: chính luận

Câu 2:

Anh/ chị hiểu câu nói: Chúng ta sống trên đời vì một mục đích to lớn hơn nghĩa là gì?

Xem đáp án
Có thể hiểu câu Chúng ta sống trên đời vì một mục đích to lớn hơn nghĩa là: chúng ta cần phải biết bỏ qua những điều vụn vặt, tiêu cực cản trở mình trên con đường hoàn thiện bản thân. Thay vào đó hãy tập trung trân trọng, vun đắp những điều tích cực, tốt đẹp. Đó chính là mục đích to lớn của mỗi con người trong cuộc sống cần phải có.

Câu 3:

Thông điệp ý nghĩa mà anh/ chị rút ra từ đoạn trích trên là gì?

Xem đáp án

Học sinh có thể rút ra những thông điệp khác nhau miễn hợp lý, sau đây là một vài gợi ý:

- Cần phải biết bỏ qua những điều tiêu cực và hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống.  

- Mỗi người đều có quyền quyết định sự lựa chọn thái độ của mình khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống.


Câu 4:

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về cách thức bỏ qua những điều tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
Xem đáp án
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cách thức bỏ qua những điều tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề cách thức bỏ qua những điều tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
Có thể theo hướng:
- Không nên quá chú tâm vào những điều tiêu cực, không nên bận lòng suy nghĩ nhiều mà hãy tập trung vào những điều tốt đẹp hiện hữu xung quanh. Hãy tập trung vào những điều tốt đẹp ở người khác và bỏ qua những điều chưa hay của họ.
- Khi gặp điều tiêu cực tác động trực tiếp đến bản thân hãy bình tĩnh tìm cách xử lý vấn đề. Hoặc tâm sự với người thân, bạn bè, người có kinh nghiệm để đề ra giải pháp.
- Ngừng lo lắng, bi quan về những chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, hoặc những điều tiêu cực đã lỡ xảy ra. Tìm những niềm vui của hiện tại và lập ra kế hoạch và hành động cho tương lai.
- Rèn cho mình thái độ biết trân trọng, biết ơn những điều tốt đẹp, biết tha thứ cho người khác, biết nhận ra sai lầm của bản thân và khắc phục.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 5:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
.

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12,Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.88)

Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về bút pháp lãng mạn được Quang Dũng sử dụng trong đoạn thơ.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích đoạn thơ; nhận xét về bút pháp lãng mạn được Quang Dũng sử dụng trong đoạn thơ.   

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, tác phẩm “Tây Tiến” và đoạn thơ.
* Phân tích đoạn thơ:
- Khái quát nội dung đoạn thơ: Khung cảnh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội. Những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến.
- Hai câu đầu: Khơi gợi mạch cảm xúc chủ đạo của khổ thơ nói riêng và toàn bộ bài thơ nói chung là nỗi nhớ:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi,
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.
+ Nỗi nhớ đơn vị cũ trào dâng, không kìm nén nổi, bật lên thành tiếng gọi tha thiết “Tây Tiến ơi”.
+ Từ láy “chơi vơi”: có khả năng gợi cảm, diễn tả nỗi nhớ da diết, khôn nguôi. Vần “ơi” được sử dụng ba lần như ngân dài vô tận. Nhớ về sông Mã là nhớ về rừng núi Tây Bắc, nhớ về quãng đời chiến đấu gian khổ ở đoàn quân Tây Tiến.
- Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc:
+ Thơ mộng, trữ tình: Hình ảnh sương lấp đoàn quân, hoa về trong đêm hơi -> có sự hài hòa giữa nét thực và ảo vừa mông lung vừa gợi cảm về cảnh và người. Câu thơ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi toàn vần bằng, âm điệu nhẹ nhàng-> những ngôi nhà thấp thoáng trong không gian mịt mùng sương rừng, mưa núi như đang bồng bềnh trôi giữa biển khơi -> mở ra một không gian xa rộng, huyền ảo, thơ mộng, tươi mát của núi rừng Tây Bắc.
+ Hùng vĩ, dữ dội:
. Các địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu -> Gợi cảm giác xa lạ về những miền đất xa xôi, hoang dã.
. Những từ ngữ giàu giá trị tạo hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, cồn mây, súng ngửi trời -> gợi lên sự hiểm trở, trùng điệp, độ cao ngất trời của núi đèo Tây Bắc.
. Câu thơ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm sử dụng nhiều thanh trắc, điệp từ dốc gợi lên đường đèo dốc dường như dài vô tận.
. Hình ảnh súng ngửi trời vừa hồn nhiên, vừa ngộ nghĩnh gợi lên hình ảnh núi cao dường như chạm mây.
. Câu thơ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống như bẻ đôi, với từ ngàn thước kết hợp với lên, xuống như tạo nên cảm giác nhìn lên cao chót vót, nhìn xuống sâu thăm thẳm.
. Vẻ dữ dội, hoang dại, chứa đầy bí mật ghê gớm của núi rừng miền Tây còn được khám phá ở chiều thời gian – mối đe dọa khủng khiếp đối với con người:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
- Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến:
+ Thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội của núi rừng Tây Bắc càng tô đậm hơn sự gian khổ trên những chặng đường hành quân và ý chí vượt qua gian khổ của người lính Tây Tiến.
+ Hình ảnh người lính Tây Tiến không bước nữa, gục lên súng mũ bỏ quên đời vừa diễn tả sự gian khổ khắc nghiệt, người lính kiệt sức ngay trên đường hành quân, vừa thể hiện bản chất cứng rắn, ngang tàng của người lính Tây Tiến – cái chết nhẹ nhàng thanh thản như một cuộc dừng chân của họ.
+ Hai câu cuối:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Người lính Tây Tiến có những kỉ niệm đẹp trên những chặng đường hành quân gian khổ - điểm dừng chân của họ là những bản làng với hương vị đầm ấm, ngọt ngào và tình cảm quân dân.
- Đánh giá: Thông qua việc sử dụng các từ ngữ giàu chất tạo hình, hình ảnh sáng tạo, âm điệu độc đáo, đoạn thơ cho thấy sự hùng vĩ, hiểm trở nhưng cũng thơ mộng, trữ tình của núi rừng miền Tây Bắc. Thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội làm nổi bật khí phách hào hùng và tính chất bi tráng của người lính Tây Tiến. Đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, hình ảnh đẹp hiếm có của tuổi trẻ Việt Nam. 
*Nhận xét bút pháp lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng.
- Bằng bút pháp lãng mạn, nghệ thuật miêu tả tài tình, Quang Dũng đã tạc một tượng đài về người lính Tây Tiến mang phẩm chất anh hùng, lãng mạn hào hoa.
- Bút pháp lãng mạn giúp ta nhận ra một tinh thần chịu đựng gian khổ đáng quý của người lính Tây Tiến. Họ vừa mang dáng dấp của những tráng sĩ ra đi vì đại nghĩa; vừa mang tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của thời đại mới.
- Bút pháp lãng mạn và tinh thần bi tráng đã hòa quyện ở đoạn thơ này làm nên phong cách nghệ thuật riêng của Quang Dũng. 
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

Bắt đầu thi ngay