Thứ năm, 21/11/2024
IMG-LOGO
Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Thuận Thành, Bắc Ninh (Lần 1) có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Thuận Thành, Bắc Ninh (Lần 1) có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Thuận Thành, Bắc Ninh (Lần 1) có đáp án

  • 950 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: 

Tôi rất thích hoa bồ công anh, không phải là đóa hoa vàng rực rỡ mà là đóa hoa bạc trắng đã sẵn  sàng cho chuyến phiêu lưu. Có lẽ không có loài hoa nào có vẻ ngoài mảnh mai, yếu đuối nhưng lại có cá tính  mạnh mẽ như bồ công anh. Chúng là những nhà thám hiểm bẩm sinh, những “phượt thủ” mang sinh mệnh  của mình trên đôi cánh. Đó không chỉ là sinh mệnh của một hạt giống đơn thuần mà còn là hy vọng và tương  lai của thế hệ kế cận. Nhựa sống của bồ công anh tích tụ trong những nhánh hoa nhỏ bé, chỉ đợi một cơn gió  nổi chúng sẽ tung mình bay đến những miền đất mới.... Nếu bồ công anh không can đảm gửi những thế hệ non nớt đến vùng đất mới, chúng có thể chết vì cạn kiệt nguồn nước, chất dinh dưỡng. Sống chen chúc trong  vùng an toàn chật hẹp sẽ khiến chúng bị hủy diệt vì không đủ không gian. Chỉ có cách phiêu lưu, sinh sôi và  tiếp tục mở rộng lãnh thổ thì mới có cơ hội duy trì sự tồn tại của giống loài. Vậy đó, cuộc sống đôi khi buộc  chúng ta phải mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm sự an toàn. Nhưng chúng ta đã được chuẩn bị gì  cho chuyến đi dài đó? Chúng ta có bạn đồng hành hay chỉ là một hạt cát đơn côi trong chuyến đi của cuộc  đời mình? 

(Trích Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống – Phạm Sỹ Thanh,

NXB Thế giới, 2019, tr. 235-236)

 Theo đoạn trích, cây bồ công anh có những đặc điểm như thế nào? 

Xem đáp án

Phương pháp: Đọc, tìm ý. 

Cách giải: 

Cây bồ công anh có những đặc điểm: màu vàng rực rỡ, bạc trắng; có vẻ ngoài mảnh mai, yếu đuối; có cá tính  mạnh mẽ; nhựa sống tích tụ trong những nhánh hoa nhỏ bé; đợi gió nổi lên sẽ tung mình bay đến những miền  đất mới. 


Câu 2:

Trong đoạn trích, tại sao bồ công anh lại lựa chọn phiêu lưu đến những vùng đất mới ?

Xem đáp án

Phương pháp: Đọc, tìm ý. 

Cách giải: 

Bồ công anh lựa chọn phiêu lưu đến những vùng đất mới để có cơ hội duy trì sự tồn tại của giống loài.


Câu 3:

Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong những câu văn sau: Nhưng chúng ta đã được  chuẩn bị gì cho chuyến đi dài đó ? Chúng ta có bạn đồng hành hay chỉ là một hạt cát đơn côi trong chuyến đi  của cuộc đời mình ? 

Xem đáp án

Phương pháp: Vận dụng các kiến thức đã học về biện pháp tu từ. 

Cách giải: 

Gợi ý: 

- HS chỉ ra 01 biện pháp tu từ, có thể là:  

+ Câu hỏi tu từ: Nhưng chúng ta đã được chuẩn bị gì cho chuyến đi dài đó ? Chúng ta có bạn đồng hành hay  chỉ là một hạt cát đơn côi trong chuyến đi của cuộc đời mình ?  

+ Ẩn dụ: chuyến đi, bạn đồng hành, hạt cát đơn côi. 

- Tác dụng:  

+ Khẳng định sự cần thiết của việc phải bước ra khỏi vùng an toàn và thôi thúc chúng ta thay đổi để tìm kiếm  cơ hội mới cho bản thân.  

+ Tạo tính hình tượng và tăng sức biểu cảm cho lời văn. 


Câu 4:

Thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị qua đoạn trích trên là gì? Vì sao?

Xem đáp án

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

Học sinh nêu được thông điệp có ý nghĩa, lí giải thuyết phục, hợp lí.  

(Gợi ý thông điệp có thể rút ra: cần phải học cách sống kiên cường, mạnh mẽ; dũng cảm lựa chọn đối mặt với  những khó khăn, thử thách để thay đổi bản thân; cần phải mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm  những cơ hội mới cho chính mình….)  


Câu 5:

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều bản thân cần làm để thoát ra khỏi vùng an toàn.

Xem đáp án

Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về cách làm một đoạn nghị luận xã hội.

Cách giải:3 

1. Giới thiệu vấn đề: 

- Giới thiệu vấn đề: Những điều bản thân cần làm để thoát ra khỏi vùng an toàn. 

2. Giải quyết vấn đề 

- Vùng an toàn là giới hạn, ranh giới con người tự đặt ra cho mình. Ở nơi đó ta có được trạng thái thoải mái,  bình yên mà không có bất kì sự thay đổi hay đột phá nào. Tuy nhiên, việc ở quá lâu trong vùng an toàn sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dần trở nên nhàm chán, trì trệ, thậm chí là thất bại. Vì vậy, ta cần phải học cách  để thoát ra khỏi vùng an toàn đó.  

- Để thoát ra khỏi vùng an toàn, chúng ta cần phải dũng cảm đối diện với những khó khăn, thách thức ở phía  trước; vượt qua nỗi sợ hãi thất bại; tự tin vào chính mình; thử thách bản thân ở một môi trường mới, một lĩnh  vực mới; thay đổi những thói quen cũ, hành động theo một cách thức mới; coi đó là cơ hội để trải nghiệm,  trưởng thành …  

- Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân.  

3. Tổng kết vấn đề. 


Câu 6:

Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh  đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách  liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm  có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc  qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều,  Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần  về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới  chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành  quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn  thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn  đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa  vàng, chiểu tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của  những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng  tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng  Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt  nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng  trung du bát ngát tiếng gà... 

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường). 

Phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về chất trữ tình của bút kí Hoàng  Phủ Ngọc Tường.

Xem đáp án

Phương pháp:  

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). 

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Cách giải: 

Yêu cầu hình thức: 

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không  mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

Yêu cầu nội dung: 

I. Giới thiệu chung 

- Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn am hiểu về Huế. Ông có sở trường về bút kí. Các sáng tác của ông  thể hiện sự tài hoa và uyên bác. 

- Ai đã đặt tên cho dòng sông được sáng tác sau đại thắng mùa xuân 1975 nên vẫn còn khí thế chủ nghĩa anh  hùng. Tác phẩm thể hiện tình yêu của tác giả với thành phố Huế thân thương. 

- Khái quát vấn đề: Phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông và nhận  xét về chất trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường. 

II. Phân tích 

1. Phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích. 

- Sông Hương mang vẻ đẹp kiều diễm, nữ tính của một người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại chờ người tình mong đợi đến đánh thức. Hình ảnh này gợi liên tưởng đến nàng công chúa  xinh đẹp ngủ trong rừng, chờ đợi hoàng tử đến hóa giải lời nguyền trong câu chuyện nhuốm màu cổ tích.

- Sông Hương mang vẻ đẹp thanh tân, tràn đầy sức sống của một thiếu nữ bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài.  Dòng sông bắt đầu về xuôi tựa như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai. Vì thế,  nó chuyển dòng liên tục, vòng giữa những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm,  vượt qua khá nhiều gian truân, thử thách và hàng loạt chướng ngại vật: điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, thềm  đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, đồi Thiên Mụ... Trong hành trình ấy, sông Hương lại có cơ hội thể hiện tất  cả vẻ đẹp gợi cảm của mình với những đường cong mềm mại như tấm lụa, với sắc nước xanh thẳm, với những mảng phản quang nhiều màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” trên nền trời thành phố. 

- Sông Hương mang vẻ đẹp trầm mặc, như triết lí, như cổ thi khi chảy qua những đám quần sơn lô xô, giữa  giấc ngủ nghìn năm, với những lăng tẩm đồ sộ của vua chúa thời Nguyễn được phong kín trong những rừng  thông u tịch và trong ngân vang của tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Vẻ đẹp ấy gợi nhớ và phảng phất bóng dáng  của những người cung nữ, những người con gái Huế ngày xưa. 

- Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương được thể hiện bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ; lối hành văn hướng  nội, mê đắm, tài hoa; nghệ thuật so sánh, nhân hóa, những liên tưởng độc đáo, sáng tạo… 

2. Nhận xét về chất trữ tình trong bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường. 

- Chất trữ tình được thể hiện trước hết qua việc khám phá vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương. Nhà văn không  chỉ tái hiện lại một cách chân thực dòng chảy địa lí tự nhiên của con sông mà quan trọng hơn là biến thủy trình  ấy thành “hành trình đi tìm người yêu” của một người con gái đẹp, duyên dáng và tình tứ.

- Chất trữ tình còn được thể hiện ở ngôn ngữ nghệ thuật gợi hình, gợi cảm, đậm màu sắc; lối hành văn súc  tích, hướng nội và cái tôi đầy cảm xúc của tác giả.  

III. Kết luận 

- Khái quát lại vấn đề. 

- Giá trị nội dung, nghệ thuật.


Bắt đầu thi ngay