(2024) Đề minh họa tham khảo BGD môn Văn có đáp án (Đề 29)
-
166 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
Theo tác giả, một trong những giá trị bị chúng ta lãng quên nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày chính là gì?
Theo tác giả, một trong những giá trị bị chúng ta lãng quên nhiều nhất trong cuộc sống hằng ngày chính là sự cảm kích, trân trọng.
Câu 3:
Anh/ chị hiểu như thế nào về câu văn sau: Trong tất cả quan hệ giữa người với người, chúng ta luôn nhớ rằng mọi người hợp tác với mình cũng đều là những con người và họ đều khao khát nhận được sự công nhận, đánh giá cao và trân trọng vì những gì họ làm.
Câu văn: Trong tất cả quan hệ giữa người với người, chúng ta luôn nhớ rằng mọi người hợp tác với mình cũng đều là những con người và họ đều khao khát nhận được sự công nhận, đánh giá cao và trân trọng vì những gì họ làm có thể hiểu:
- Câu nói nhấn mạnh trong mối quan hệ hợp tác giữa chúng ta với người khác cần nhận thức đúng đắn về đối tác từ đó biết công nhận, đánh giá cao và trân trọng những giá trị họ đã làm được.
- Câu nói là lời khuyên đúng đắn về nền tảng căn bản của mối quan hệ hợp tác bất kì mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống này chính là sự trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao đối đối tác - người đang hợp tác với chúng ta.
Câu 4:
Từ nội dung đoạn trích, anh/ chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.
Từ nội dung đoạn trích thí sinh rút ra bài học về lẽ sống.
Gợi ý:
- Nội dung đoạn trích: Giá trị của sự cảm kích, trân trọng và sự thấu hiểu đối với người khác.
- Bài học: Hãy công nhận, trân trọng, thấu hiểu và đánh giá cao những gì người khác đã làm cho ta bởi đó chính là mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho đối tác từ phía đối tác.
Câu 5:
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Ý nghĩa của việc hiểu mình, hiểu người.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề ý nghĩa của việc hiểu mình, hiểu người. Có thể theo hướng:
- Hiểu mình, hiêu người giúp bản thân chúng ta tự nhận thức và hiểu rõ về mình cũng như người khác từ đó có thêm nhiều bài học về lẽ sống, cách
làm người.
- Hiểu mình, hiểu người giúp khơi gợi tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời còn gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta.
- Hiểu mình, hiểu người giúp công việc được thuận lợi, suôn sẻ từ đó dễ dàng đạt được kết quả như mong muốn.
- Hiểu mình, hiểu người giúp duy trì được mối quan hệ hợp tác lâu dài, hữu ích, góp phần thúc đẩy công việc và xã hội phát triển...
Câu 6:
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Trong “Tuyên ngôn độc lập”, tác gia Hồ Chí Minh viết:
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông - Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
(Trích Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.31)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về giá trị lịch sử của tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” được gợi ra từ đoạn trích.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích đoạn trích trong “Tuyên ngôn độc lập”. Từ đó, nhận xét về giá trị lịch sử được gợi ra từ đoạn trích.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận: tác giả Hồ Chí Minh, tác phẩm Tuyên ngôn độc lập và đoạn trích.
* Phân tích đoạn trích:
- Đoạn trích thuộc phần thứ hai của tác phẩ, “Tuyên ngôn độc lập”. Qua đoạn trích, tác gia Hồ Chí Minh đã đưa ra bản cáo trạng nhằm tố cáo tội ác của thực dân Pháp một cách chân thực, đầy đủ nhất.
- Câu mở đầu đoạn:
“Thế mà hơn 80 năm nay... đồng bào ta”
-> Mang ý chuyển tiếp, nhấn mạnh nội dung thực dân Pháp đã phản bội lại tuyên ngôn trước đó của tổ tiên chúng, phản bội lại tinh thần dân quyền và nhân quyền đã được nhân loại công nhận. Pháp kể công “khai hóa”, Hồ Chí Minh đã kể tội chúng trên mọi phương diện:
+ Về chính trị: Pháp không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào, thi hành những luật pháp dã man, chia rẽ dân tộc, tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu
+ Về kinh tế: Pháp cướp không ruộng đất, hầm mỏ; độc quyền in giấy bạc, xuất cảng, nhập cảng; đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí.
+ Về văn hóa, xã hội, giáo dục: Pháp lập ra nhà tù nhiều hơn trường học và thi hành chính sách ngu dân, đầu độc dân ta bằng rượu cồn, thuốc phiện => Tội ác của thực dân pháp là toàn diện, thâm độc, chồng chất, đó là những tội ác có thật không thể chối cãi.
- Pháp kể công “bảo hộ”, bản tuyên ngôn lên án chúng:
+ “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thực dân Pháp “quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật."
+ “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đâu hàng."
-> Trong 5 năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật.
-> Hậu quả: Làm cho “hơn hai triệu đồng bào ta chết đói”.
=> Pháp không “bảo hộ” Việt Nam như luận điệu xảo trá trước đó đã tuyên bố với nhân dân thế giới, thực chất, Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam nhằm biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Tệ hơn Pháp “bán” nước ta hai lần cho Nhật vì thế thực dân Pháp không xứng đáng với danh nghĩa người “bảo hộ”.
- Pháp nhân danh Đồng minh tuyên bố Đồng minh đã thắng Nhật, chúng có quyền lấy lại Đông Dương, “Tuyên ngôn độc lập” chỉ rõ:
+ Thực dân Pháp đã phản bội lại Đồng minh, hai lần dâng Đông Dương cho Nhật.
+ Mặt khác, thực dân Pháp không hợp tác với Việt Minh chống Nhật mà trước khi thua chạy, còn “nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.
=> Với những lí lẽ và sự thật lịch sử không thể chối cãi, tác gia Hồ Chí Minh đã chỉ ra thực dân Pháp là kẻ phản bội và chà đạp lên chính nguyên lí mà tổ tiên gây dựng, đồng thời bác bỏ luận điệu xảo trá về công “khai hóa”, “bảo hộ” của Pháp, từ đó khẳng định nền độc lập của nước Việt Nam là kết quả tất yếu của lịch sử do nhân dân Việt Nam đấu tranh giành lại từ tay người Pháp.
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Đoạn trích sử dụng biệp pháp liệt kê kết hợp với các biện pháp điệp từ “chúng”, phép lặp cú pháp, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng văn hùng hồn góp phần tố cáo nhiều tội ác Pháp đã gây rất tàn bạo, dã man, chồng chất.
+ Lí lẽ thuyết phục, bằng chứng xác thực... giúp lời cáo trạng trở nên hùng hồn, đanh thép.
* Đánh giá chung
- Thông qua nghệ thuật lập luận sắc bén, thuyết phục, tác giả Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác man rợ, tàn bạo của thực dân Pháp. Đó là căn cứ thực tiễn giàu tính chân thực của tuyên ngôn mà Pháp không thể chối bỏ.
Đoạn trích gửi gắm lòng căm thù giặc và tình cảm yêu nước sâu sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Nhận xét về giá trị lịch sử được gợi ra từ đoạn trích.
- Giá trị lịch sử của đoạn trích thể hiện đây là bản hùng ca mở ra kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỉ nguyên độc lập tự do đồng thời góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới.
- Giá trị lịch sử của đoạn trích còn thể hiện ở khía cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là một chính quyền cách mạng mới của dân tộc Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và của các dân tộc Việt Nam.
- Đoạn trích tố cáo tội tác có thật trong lịch sử mà thực dân Pháp khi “bảo hộ” Việt Nam đã gây ra trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa,...
- Như vậy, giá trị lịch sử được gợi ra từ đoạn trích là một phần căn cứ thực tiễn quý giá Hồ Chí Minh đưa ra trước khi Người nói lời tuyên ngôn độc lập. Căn cứ thực tiễn này cùng với căn cứ pháp lí trước đó góp phần khẳng định giá trị to lớn của bản tuyên ngôn, đó là kết tình của tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc giành được bằng chính xương máu của bao người.