a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích đoạn thơ trong đoạn trích “Đất nước”. Từ đó, nhận xét về sức hấp dẫn của Nguyễn Khoa Điềm.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận: tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích “Đất nước” và đoạn thơ trong đề
* Phân tích về đoạn thơ
Đoạn thơ sử dụng biện pháp điệp cấu trúc “Đất là,... Nước là....Đất Nước là...” Tác giả đã khai thác cấu tạo từ tiếng Việt - từ ghép “Đất Nước” để đi sâu vào từng thành tổ làm nên Đất Nước. Nhà thơ đã tách từ “Đất Nước" thành Đất và nước rồi lại hợp nhất trong một chỉnh thể thống nhất hài hòa.
Cứ thế, tách ra rồi hợp lại, hợp lại rồi tách ra. “Đất Nước” hiện ra vừa cụ thể, riêng tư, gần gũi, vừa lớn lao, cao cả, thiêng liêng.
- Đất Nước được định nghĩa trên hai phương diện: không gian địa lý và thời gian lịch sử.
+ Về không gian địa lí:
. Đất Nước với Nguyễn Khoa Điềm là những không gian rất gần gũi với cuộc sống con người “nơi anh đến trường, nơi em tắm”. Đất Nước hiện hình cụ thể, riêng biệt mà rất đỗi quen thuộc: Đất là con đường hàng ngày đi học, nơi có bạn bè vô tư, hồn nhiên, trong sáng tuổi thần tiên, nơi dạy ta biết yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ. Nước là cây đa, bến nước, dòng sông tươi mát, hiền hòa nơi có nước gương trong soi tóc những hàng tre với cây đa, bến nước, con thuyền nhỏ nhoi đang lững lờ xuôi mái.
Đặc biệt Đất Nước tồn tại ngay cả trong không gian riêng tư, thầm kín nhất của tình yêu đôi lứa “nơi ta hò hẹn, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Đó là không gian riêng tư, không gian gắn liền với tình yêu đôi lứa. Ở không gian đó, anh và em đã lần đầu hò hẹn, đã trao cho nhau những rung động thầm kín của mối tình đầu, để từ ngày đó, em biết thương, biết nhớ, biết gửi vào chiếc khăn tay kỉ niệm bao rung động thổn thức của trái tim yêu buổi ban đầu.
. Không gian Đất Nước được mở rộng:
"Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi “con cá khơi"
Lấy ý từ câu hát dân gian Bình Trị Thiên ngọt ngào sâu lắng: "Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc - Con cá ngư ông mông nước ngoài khơi - Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời - Kẻo mai kia con cả về sông vịnh,
con chim nọ đổi dời về non xanh", câu thơ đưa người đọc về với những không gian đất nước thân thương. Những từ "núi bạc", "biển khơi",...mang âm hưởng dân gian gọi ra một đất nước mênh mông, giàu đẹp, yên ả, thanh
bình.
. Đất nước là không gian sinh tồn đời thường, không gian cố kết dân tộc của nhân dân qua bao thế hê “nơi dân mình đoàn tụ”
Như vậy, trong cách nhìn về không gian Đất Nước, nhà thơ kết hợp cả không gian riêng tư, không gian đời thường với tầm vóc lớn lao, kì vĩ để phát hiện ra một Đất Nước rất đỗi thân quen mà thiêng liêng, cao cả.
+ Về thời gian lịch sử:
. Đất Nước hiện lên thiêng liêng, hào hùng trong quá khứ gắn liền với huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ
"Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng".
Ở đoạn thơ này, những hình tượng quen thuộc trong thần thoại, truyền thuyết như Chim, Rồng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bọc trăm trứng tụ về trong trường liên tưởng của nhà thơ. Sự hội tụ ấy làm bật lên ý thơ có tầm khái quát cao: dân tộc ta có nguồn gốc cao quý con Rồng cháu Tiên. Đất Nước ta là nơi đất lành Chim về, là đất thiêng nơi Rồng ở. Dân tộc Việt là anh em một nhà cùng sinh ra từ bọc trăm trứng của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Một dân tộc có cội nguồn văn hóa, có truyền thống lâu đời, rất đỗi thân thương như thế chính là Đất Nước của Nhân Dân.
. Đất Nước còn được cảm nhận trong suốt thời gian lịch sử từ quá khứ những ai đã khuất" đến hiện tại "những ai bây giờ" và tương lai "yêu nhau và sinh con đẻ cái". Mỗi thế hệ tiếp nối đều mang trên vai trọng trách gìn giữ truyền thống tốt đẹp của quá khứ và phát triển, trao truyền cho các thế hệ sau. Một trong những truyền thống quý báu được nhắc tới là tinh thần hướng về cội nguồn:
“Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ"
- Nghệ thuật: Đoạn thơ hội tụ nhiều nét đặc sắc của nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm: thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn tuôn trào theo mạch cảm xúc, hệ thống hình ảnh gần gũi thân thuộc, sử dụng thi liệu văn hóa, văn học dân gian sáng tạo, giọng thơ vừa triết luận vừa thủ thỉ tâm tình...
- Đánh giá chung: Qua đoạn thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã trình bày được một ý niệm về Đất Nước thật độc đáo, hấp dẫn, vừa thiêng liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều sâu văn hoà lịch sử, vừa bình dị thân quen với cuộc sống hàng ngày. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm ý niệm về đất nước của nhân dân cho thơ ca hiện đại.
* Nhận xét về sức hấp dẫn của thơ Nguyễn Khoa Điềm:
- Thơ ông có sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người tri thức về đất nước, con người Việt Nam. Ông dã có những khám phá mới mẻ và sâu sắc khi thể hiện về hình tượng Đất Nước trên nhiều bình diện: địa lý, lịch sử, văn hóa.
- Thơ ông có giọng điệu riêng, vừa tâm tỉnh sâu làng thiết tha vừa đầy suy tư triết lý. Màu sắc văn hóa dân gian mà ông đem vào thơ cũng tạo nên một không gian vừa gần gũi thân thuộc với tâm hồn mỗi người Việt Nam lại vừa bay bổng lãng mạn.
- Ngôn ngữ thơ vừa giản dị tự nhiên theo kiểu "thơ trữ tình điệu nói" lại vừa uyển chuyển đầy sáng tạo. Ẩn sâu trong đó là chiều sâu trí tuệ, văn hóa và một tình yêu đối với đất nước.