IMG-LOGO

Câu hỏi:

17/07/2024 15

II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)

Trong bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng viết:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

                    (Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD VN, 2018, tr.88)

        Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về tinh thần bi tráng của hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng.

                    (Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD VN, 2018, tr.89)

Trả lời:

verified Giải bởi Vietjack

 a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về tinh thần bi tráng của hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng

c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, bài thơ “ Tây Tiến” và đoạn trích:
- Tác giả:
+ Quang Dũng là một trong những đại biểu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Ông là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài của mình.
+ Quang Dũng tham gia cách mạng từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông gia nhập đoàn quân Tây Tiến từ khi mới thành lập đơn vị. Sau khoảng gần hai năm ông chuyển sang đơn vị khác.
- Bài thơ: Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Tác phẩm được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa được bao lâu, tại Phù Lưu Chanh ( một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ), nỗi nhớ chiến trường xưa, đơn vị cũ và những đồng chí đồng đội thân yêu cồn cào, dâng trào mãnh liệt, thăng hoa thành cảm xúc để ông viết bài “ Nhớ Tây Tiến”. Sau này đổi tên thành “ Tây Tiến” và được in trong tập “ Mây đầu ô”. Cảm xúc bao trùm lên toàn bộ bài thơ là nỗi nhớ.
- Đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần cuối bài thơ “ Tây Tiến”; là những hoài niệm của tác giả về người lính Tây Tiến trên chiến trường miền Tây mang vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng, vừa dũng cảm, can trường vừa lãng mạn, hào hoa.
*Phân tích hình tượng người lính trong đoạn thơ trên:
– Bốn câu đầu: Diện mạo và tâm hồn người lính Tây Tiến
+ Diện mạo oai phong, dữ dội của người lính (Hai câu đầu)
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Hai câu thơ trước hết là miêu tả ngoại hình của những người lính Tây Tiến với hai nét tả là đầu trọc, da xanh đều là di chứng của căn bệnh sốt rét, cuộc sống khắc nghiệt, thiếu thốn. Cảm hứng lãng mạn, anh hùng đã giúp cho nhà thơ phát hiện và khắc họa được vẻ đẹp kiêu dũng của người lính, thể hiện ở sự vượt lên, xem thường mọi khổ ải, thiếu thốn.
Hai câu thơ có âm hưởng mạnh mẽ nhờ sử dụng từ ngữ mạnh bạo, độc đáo. “Đoàn binh” có âm vang và mạnh hơn chữ “đoàn quân”. Cụm từ “không mọc tóc” thì gợi ra nét ngang tàng, độc đáo. Câu thơ “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”càng tô đậm thêm vẻ hiên ngang dữ dội. “Xanh màu lá” là nước da xanh xao do sốt rét, thiếu thốn, gian khổ. Nhưng qua cảm hứng anh hùng và bút pháp lãng mạn, thì màu xanh ấy lại mang vẻ dữ dội của núi rừng chứ không hề gợi lên vẻ tiều tụy, ốm yếu.
+ Tâm hồn hào hoa, lãng mạn (Hai câu tiếp)
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Hai chữ “mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: “mắt trừng” là mắt mở to, dữ dội, ngùn ngụt ý chí nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ, dám thề sống chết. Đôi mắt mở to, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ đất nước. Đôi mắt ấy “gửi mộng qua biên giới” – mộng giết giặc lập công, mộng hòa bình, độc lập.
Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của họ là những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Những người lính Tây Tiến vốn xuất thân từ học sinh, sinh viên Hà Nội, họ ra đi từ những mái trường, giảng đường nên tâm hồn đầy mơ mộng. Nơi núi rừng hoang sơ, khắc nghiệt, tâm hồn họ vẫn hướng về một Hà Nội ngàn năm văn hiến với những cô gái xinh đẹp, yêu kiều. Lãng mạn như vậy giữa một hoàn cảnh khắc nghiệt chính là biểu hiện của một bản lĩnh phi thường. Chính cảm xúc lãng mạn ấy đã cân bằng tâm hồn họ giữa những nghiệt ngã chiến tranh, đã tiếp thêm sức mạnh để họ thực hiện lí tưởng cao đẹp của mình.
=>Quang Dũng đã tạc nên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến không chỉ bằng những đường nét khắc hoạ dáng vẻ bên ngoài mà còn thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong của họ. Đó là vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của người lính.
- Bốn câu sau: Ý chí, quyết tâm và sự hi sinh anh dũng:
+ Sự hi sinh và lí tưởng cao đẹp của những người lính Tây Tiến (Hai câu đầu)
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Nhà thơ Quang Dũng đã nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh, không né tránh hiên thực miêu tả về cái chết. Tác giả đã sử dụng những từ ngữ được sắp xếp theo chiều tăng tiến của sự bi thảm: đã “rải rác”, lại rải rác tận nơi biên cương, tận vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, rải rác tận nơi viễn xứ, thậm chí tận nơi nước người.
Đoạn thơ tưởng sắp rơi vào đau thương bi lụy thì ngay sau đó được nâng lên bởi lí tưởng cao đẹp của người lính: sẵn sàng hi sinh cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Hơn nữa, nói về sự hi sinh của những người lính Tây Tiến nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng nhiều từ Hán Việt như biên cương, chiến trường, viễn xứ. Đó là cách nhà thơ trang trọng hóa sự hi sinh của những người lính Tây Tiến, là sự kính cẩn nghiêng mình của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội, biến những nấm mồ nơi rừng sâu hoang lạnh thành những mộ chí thiêng liêng.
+ Sự tiếc thương vô hạn trước sự hi sinh của những người lính Tây Tiến (Hai câu sau)
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Người lính Tây Tiến có vẻ tiều tuỵ, tàn tạ trong hình hài nhưng lại chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng dấp của những tráng sĩ thuở xưa, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Sự thật bi thảm: những người lính Tây Tiến ngã xuống nơi chiến trường, không có đến cả manh chiếu để che thân, qua cái nhìn của Quang Dũng, lại được bọc trong những tấm “áo bào” sang trọng. Cái bi thương ấy vơi đi nhờ cách nói giảm:“anh về đất” và rồi bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã. Con sông Mã, chứng nhân của lịch sử, đã chứng kiến sự hi sinh của những người lính Tây Tiến. Dòng sông như cất lên một khúc tráng ca đưa người lính về với đất với bao tiếc thương, ngậm ngùi. Chỉ bằng âm thanh ấy, Quang Dũng đã truyền dược vào câu thơ tất cả cái bi tráng của sự hi sinh và nỗi đau xót trong lòng người chiến sĩ khi phải vĩnh biệt đồng đội. Trong âm hưởng dữ dội, hào hùng của thiên nhiên ấy, cái chết của người lính không bi luỵ mà thấm đẫm chất anh hùng của thời đại.
+Giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ trang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội.
-Đánh giá chung:
+ Với bút pháp nghệ thuật vừa hiện thực vừa lãng mạn, cách sử dụng ngôn từ sáng tạo, tài hoa nhà thơ Quang Dũng, hình ảnh thơ khá đa dạng và được sáng tạo bằng nhiều bút pháp khác nhau, hình ảnh người lính hiện ra với nhiều vẻ đẹp khác nhau, mà vẻ đẹp nổi bật là hào hùng và hào hoa. Đoạn thơ vừa có thứ ngôn ngữ trang trọng, có màu sắc cổ kính nhất là ở đoạn miêu tả trực tiếp hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ, lại có lớp từ ngữ thông tục, sinh động của tiếng nói hằng ngày, in đậm trong phong cách người lính, kết hợp từ độc đáo, mới lạ, tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới cho từ ngữ: dữ oai hùm, dáng kiều thơm, anh về đất…

+Đoạn thơ cho thấy tình cảm, sự gắn bó của nhà thơ với một thời Tây Tiến, với đồng đội thân yêu, cho thấy tâm hồn đầy lãng mạn, hào hoa của người lính Tây Tiến trong một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc.

*Rút ra nhận xét âm hưởng bi tráng về hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng.

- Âm hưởng bi tráng hội tụ trong mình nó yếu tố bi và yếu tố tráng; có mất mát, đau thương song không bi lụy; gian khổ, hi sinh song vẫn rất lạc quan, yêu đời; dù có ngã xuống nhưng đó là cái chết hào hùng lẫm liệt, cái chết đi vào cõi bất tử. Âm hưởng bi tráng có cội nguồn từ chiến trường Tây Tiến ác liệt, từ tinh thần quả cảm và tâm hồn lạc quan của những chàng trai Hà thành, từ tấm lòng đồng cảm và trân trọng đồng chí đồng đội của nhà thơ.

- Giọng thơ cổ kính cùng việc nhấn mạnh nét trượng phu của người lính cũng góp phần làm tăng tính chất bi tráng của tác phẩm.

- Âm hưởng bi tráng cùng với cảm hứng lãng mạn làm nên vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính Tây Tiến; có ý nghĩa giáo dục nhận thức và bồi đắp tình cảm, trách nhiệm cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Câu trả lời này có hữu ích không?

0

CÂU HỎI HOT CÙNG CHỦ ĐỀ

Câu 1:

II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của kết nối trong cuộc sống.

Xem đáp án » 15/06/2024 25

Câu 2:

Theo tác giả, vì sao khi bạn đọc một cuốn sách hay đến lần thứ hai hoặc thứ ba dường như toàn bộ cuốn sách trở nên mới mẻ với bạn ?

Xem đáp án » 15/06/2024 18

Câu 3:

‌Anh/chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa sâu sắc nhất từ đoạn trích trên.

Xem đáp án » 15/06/2024 17

Câu 4:

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Xem đáp án » 15/06/2024 14

Câu 5:

Anh/chị hiểu như thế nào về quan niệm của tác giả: Lúc khó khăn trong đời là lúc lí tưởng để đưa bạn đến nơi hằng mơ ước?

Xem đáp án » 15/06/2024 14

Câu hỏi mới nhất

Xem thêm »
Xem thêm »