Đề thi giữa kì 1 lớp 12 môn Ngữ Văn có đáp án (Đề 4)
-
3013 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
90 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:
Hiện nay, khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ số người tử vong vì COVID-19 trên thế giới này càng tăng, thì điều đáng mừng Việt Nam đang hạn chế mức thấp nhất ca nhiễm bệnh, dịch bệnh đang nằm trong sự kiểm soát.
(...) Có được thắng lợi đó, cho thấy chúng ta tích cực, chủ động vào cuộc ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trung ương cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, đoàn thể và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.
(...) Cũng chính vì tập hợp được sức mạnh của dân tộc, tình người trong cơn “bão dịch” đã được thể hiện bằng nhiều hình thức ủng hộ khác nhau. Nhiều hình ảnh xúc động về sự sẻ chia vật chất với người bị cách ly, với các đồng chí nơi tuyến đầu chống dịch hay những người nghèo khó trong xã hội đã nhân lên tạo hiệu ứng tốt đẹp trong xã hội.
Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2:
Văn bản đã thể hiện tinh thần gì của dân tộc ta trong đại dịch COVID-19?
Văn bản đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch của dân tộc ta.
Câu 3:
Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 cũng mang đến những ý nghĩa đối với Việt Nam. Hãy nêu những ý nghĩa đó.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 cũng mang đến những ý nghĩa đối với Việt Nam như tập hợp được sức mạnh của dân tộc, tình người trong cơn “bão dịch” đã được thể hiện bằng nhiều hình thức ủng hộ khác nhau. Nhiều hình ảnh xúc động về sự sẻ chia vật chất với người bị cách ly, với các đồng chí nơi tuyến đầu chống dịch hay những người nghèo khó trong xã hội đã nhân lên tạo hiệu ứng tốt đẹp trong xã hội.
Câu 4:
Bài học rút ra: Trong bất cứ lúc nào, con người ta cần chuẩn bị kĩ lưỡng cả tâm lí, sức khỏe, vật chất đầy đủ để đối phó với dịch bệnh, không nên quá lo lắng hay nản lòng vì dịch bệnh. Thay vào đó, mỗi người chung tay góp sức sẽ nhanh chóng có thể đẩy lùi đại dịch và cải thiện xã hội tốt đẹo hơn.
Câu 5:
Viết đoạn văn 200 chữ nêu quan điểm của anh/chị về ý nghĩa của sự thay đổi bản thân.
1. Mở đoạn
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của sự thay đổi bản thân.
2. Thân đoạn
a. Giải thích
Thay đổi bản thân: không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày. Mỗi con người thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực để trở nên có ích hơn cho xã hội và hoàn thiện chính mình hơn.
b. Phân tích
Người biết thay đổi, hoàn thiện bản thân mình là những người không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Họ còn là người biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục; sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó.
Việc thay đổi bản thân làm cho bản thân mình ngày càng tốt hơn, mở mang tầm hiểu biết, khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.
d. Phản biện
Trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống an phận, nghe theo sự sắp đặt của người khác mà không biết phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân mình. Lại có những người quá lười biếng, không có ý thức vươn lên để hoàn thiện bản thân mình, trau dồi kiến thức để thực hiện mục tiêu…
3. Kết đoạn
Khái quát lại vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự thay đổi bản thân; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Câu 6:
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc.
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Tố Hữu: là một nhà thơ lớn, một nhà thơ trữ tình chính trị, thơ ông luôn phản ánh những chặng đường đấu tranh gian khổ song cũng nhiều thắng lợi của dân tộc.
- Giới thiệu bài thơ Việt Bắc: là bài thơ xuất sắc của Tố Hữu tổng kết về cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, là lời tri ân sâu nặng về tình nghĩa cách mạng.
- Bức tranh tứ bình được xem là những vần thơ tuyệt bút trong bài thơ Việt Bắc.
2. Thân bài: Phân tích bức tranh tứ bình thiên nhiên Việt Bắc
* Khái quát chung về bài thơ Việt Bắc
- Hoàn cảnh sáng tác: nhân sự kiện chiến dịch Điện Biên phủ thắng lợi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu từ Việt Bắc đến thủ đô, Tố Hữu đã viết bài thơ này.
- Những câu thơ trong bức tranh tứ bình là lời của người ra đi gửi đến người ở lại.
- Hai câu thơ đầu của đoạn thơ là lời ướm hỏi của người ra đi băn khoăn về tình cảm ở lại với mình để từ đó giãi bày tâm tư, nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc.
* Luận điểm 1: Bức tranh mùa đông
- “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”: sử dụng bút pháp chấm phá: nổi bật trên nền xanh rộng lớn của núi rừng là màu đỏ của hoa chuối (màu đỏ hoa chuối gợi liên tưởng đến hình ảnh ngọn đuốc xua đi cái lạnh của của núi rừng mùa đông) và màu vàng của những đốm nắng.
- “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”: hình ảnh tia nắng ánh lên từ con dao gài thắt lưng gợi dáng vẻ khỏe khoắn, lớn lao của người lao động, với tâm thế làm chủ thiên nhiên, cuộc sống.
* Luận điểm 2: Bức tranh mùa xuân
- “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”: màu trắng tinh khôi của hoa mơ tràn ngập không gian núi rừng, thiên nhiên tràn đầy nhựa sống khi xuân về.
- Người lao động hiện lên với vẻ đẹp tài hoa, khéo léo và cần mẫn: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”, “chuốt từng sợi giang”: hành động chăm chút, tỉ mỉ với từng thành quả lao động của mình.
* Luận điểm 3: Bức tranh mùa hạ
- “Ve kêu rừng phách đổ vàng”: toàn bộ khung cảnh thiên nhiên như đột ngột chuyển sang sắc vàng qua động từ “đổ”
Có thể liên tưởng màu vàng hòa quyện với tiếng ve kêu tưng bừng, đầy sức sống
Cũng có thể chính tiếng ve đã đánh thức rừng phách nở hoa.
- “Nhớ cô em gái hái măng một mình”: “cô em gái” - cách gọi thể hiện sự trân trọng, yêu thương của tác giả với con người Việt Bắc, hình ảnh cô gái hái măng một mình thể hiện sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con người Việt Bắc.
* Luận điểm 4: Bức tranh mùa thu
- “Rừng thu trăng rọi hòa bình”: ánh trăng nhẹ nhàng chiếu sáng núi rừng Việt Bắc, đó là ánh sáng của “hòa bình”, niềm vui và tự do.
- Con người say sưa cất tiếng hát, mộc mạc, chân thành, có tấm lòng thủy chung, nặng ân tình.
* Đánh giá chung:
- Nêu cảm nhận chung về bức tranh tứ bình: Nghệ thuật tứ bình tạo sự cân đối hài hòa và có tác dụng khắc họa toàn diện vẻ đẹp của đối tượng, bốn bức tranh trên tôn lên giá trị của nhau, không thể tách riêng, chúng là bức tranh tuyệt sắc có sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
3. Kết bài
- Khái quát lại những nét nghệ thuật đặc sắc và phong cách thơ Tố Hữu: tính dân tộc đậm đà (thể thơ lục bát, kết cấu đối đáp trong văn học dân gian, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh thơ gần gũi, giọng thơ thiết tha.)
- Tổng kết giá trị nội dung toàn bài thơ: là khúc hùng ca và khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.