IMG-LOGO
Trang chủ Lớp 10 Văn Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo có đáp án

Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo có đáp án

Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo có đáp án (Đề 7)

  • 3300 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 45 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:

Đồng bằng sông Cửu Long

Chàng lực điền phơi phới ngực trần

Đội thúng thóc đầy vượt bao cơn lũ

Như những bờ vàm nắng gió trẻ trung…

 

Đồng bằng sông Cửu Long

Thôn nữ dậy thì căng lần áo bà ba

Vít cong ngọn sào giữa dòng hương hoa trái

Như những miệt cù lao phì nhiêu bờ bãi…

 

Tôi hồi hộp trước đồng bằng nhân hậu

Bàn chân quen vẫn lắm bước vụng về

Chẳng dốc đèo sao nhiều phen trượt ngã

Giữa khói đốt đồng mướt ánh trăng khuya ?

 

Tôi yếu ớt trước đồng bằng vạm vỡ

Biết bao giờ hiểu hết giọt phù sa ?

Như kẻ mang ơn nằm bên hạt lúa

Đi muôn nơi nay mới thấu quê nhà.

 

Đồng bằng sông Cửu Long

Nơi núi bị san và biển bị vùi

Nơi khái niệm chiều cao và chiều sâu thường xa lạ

Nơi các giá trị hồn nhiên đong bằng giạ

Nơi tình người thảo hiền như hoa lá

Về là sống với hương bùn rơm rạ

Lịm giữa mùa màng và tiếng lúa ngân reo…

(Đồng bằng sông Cửu Long, Thai Sắc,

NXB Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh)

 

Vẻ đẹp trù phú, xanh tươi của Đồng bằng sông Cửu Long được tác giả gợi tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào? 

Xem đáp án
Vẻ đẹp trù phú, xanh tươi của đồng bằng sông Cửu Long được tác giả gợi tả qua những từ ngữ, hình ảnh: thúng thóc đầy; bờ vàm nắng gió; òng hương hoa trái; miệt cù lao phì nhiêu; phù sa, hoa lá, lúa ngân reo.

Câu 2:

Hình ảnh Khói đốt đồng trong câu thơ Giữa khói đốt đồng mướt ánh trăng khuya? có phải là hình ảnh tả thực không ? Vì sao có sự xuất hiện hình ảnh đó?

Xem đáp án

- Hình ảnh khói đốt đồng trong câu thơ Giữa khói đốt đồng mướt ánh trăng khuya? là hình ảnh tả thực.

- Vì hình ảnh đó gợi tả về cảnh người nông dân thu dọn, làm vệ sinh đồng ruộng, đốt các đống rơm rạ của mùa trước để tiếp tục gieo cấy mùa màng với ước mong có được vụ mùa bội thu.

Câu 3:

Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong hai khổ thơ đầu
Xem đáp án

- Biện pháp nhân hóa: Đồng bằng sông Cửu Long, Chàng lực điền, thôn nữ dậy thì.

+ Nhà thơ đã nhân hóa đồng bằng sông Cửu Long thành những chàng trai, cô gái đảm đang, tháo vát, hăng say lao động làm nên những thành quả tốt đẹp cho cuộc sống. Qua đó, nhà thơ muốn nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng những công lao của con người đi khẩn hoang, mở cõi.

- Biện pháp so sánh: Như những bờ vàm, như những miệt cù lao. 

+ Những hình ảnh so sánh khẳng định sức sống, vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của quê hương đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả cảnh vật của quê hương được nhìn bằng con mắt yêu quý, ngợi ca của tác giả. Hình ảnh thơ trở nên hấp dẫn hơn, gợi hình, gợi cảm hơn.

Câu 4:

Bài thơ gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với quê hương Đồng bằng sông Cửu Long?

Xem đáp án
HS bày tỏ được tình cảm chân thành, sâu sắc về quê hương đồng bằng sông Cửu Long (chẳng hạn: lòng yêu quý, gắn bó thiết tha với quê hương, phát hiện ra vẻ đẹp qua những cảnh vật bình dị, thân quen, nơi vựa lúa, cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào nhất cho cả nước).

Câu 5:

Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Xem đáp án

HS trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Đảm bảo yêu cầu hình thức: đoạn văn.

+ Đảm bảo yêu cầu nội dung.

Gợi ý:

- Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, sự nóng lên của trái đất, các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, hạn hán, giá rét kéo dài… dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm.

- Đồng bằng sông Cửu Long đã hứng chịu nạn hạn hán, xâm nhập mặn lớn nhất trong gần một thế  kỉ qua, mực nước tại mạng lưới kênh rạch ở mức thấp, ruộng lúa khô cằn, những đầm tôm mất trắng… đặt lên vai người nông dân chồng chất những gánh nợ.

- Sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, có hơn nửa triệu người thiếu nước.

- Nâng cao ý thức, tuyên truyền các biện pháp để cải thiện và bảo vệ môi trường.

- Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, có quy hoạch các khu vực nuôi trồng ven biển.

- Kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế.

Câu 6:

Anh/chị hãy viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen ăn quà vặt trong lớp học.

Xem đáp án

1. Mở bài

- Nêu thói quen mà người viết chuẩn bị thuyết phục người khác từ bỏ: vấn đề ăn quà vặt của học sinh hiện nay.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Thực trạng

- Mỗi sáng ở cổng trường không khó để bắt gặp các bạn học sinh mua đồ ăn sáng, mua quà vặt để mang đến trường.

- Các bạn không chỉ ăn quà ngoài giờ học mà nhiều bạn học sinh còn ăn ngay cả trong giờ học, trong tiết học của các thầy cô giáo một cách vô tư.

b. Nguyên nhân

- Chủ quan: do ý thức của các bạn học sinh còn kém, chưa biết ăn đúng nơi đúng chỗ, vô tình khiến cho việc ăn quà vặt trở nên xấu đi và tiêu cực; do thói quen ăn vặt của một số người,…

- Khách quan: bố mẹ bận bịu không đủ thời gian chuẩn bị đồ ăn cho con cái, do ngoại cảnh tác động,…

c. Hậu quả

- Việc ăn quà vặt trước hết gây mất mĩ quan trường học, khiến cho hình ảnh các bạn học sinh trở nên xấu xí, bên cạnh đó, nó cũng tạo ra thói quen xấu cho các bạn.

- Nhiều bạn ý thức chưa tốt xả rác thải làm ô nhiễm môi trường.

- Lâu dần việc ăn quà vặt sẽ lan rộng, phổ biến hơn nữa gây tiêu cực trong trường lớp.

d. Giải pháp

- Trước hết các bạn học sinh phải tự nhận thức đúng đắn về việc ăn quà vặt đúng nơi đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh chung.

- Gia đình cần tìm cách hạn chế việc ăn quà vặt của con em mình, nhà trường cần đề ra những chính sách để ngăn chặn tình trạng ăn quà vặt.

3. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen ăn quà vặt

- Đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.


Bắt đầu thi ngay