IMG-LOGO
Trang chủ Lớp 9 Văn Đề thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo có đáp án

Đề thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo có đáp án

Đề thi giữa kì 1 môn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo có đáp án (Đề 4)

  • 297 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 60 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Xem đáp án
Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ Nghị luận

Câu 2:

Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là gì?
Xem đáp án
Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là: Phương thức thuyết minh.

Câu 3:

Đoạn văn trên nói lên điều gì? Hãy đặt tên cho đoạn văn ấy?
Xem đáp án

– Đoạn văn trên bàn về:

+ Những người đi tiên phong, những người khai sáng. Những người đi tiên phong trong mọi lĩnh vực của cuộc sống (như khoa học, nghệ thuật, văn hóa…) ban đầu đều chịu thiệt thòi, đau khổ, thậm chí phải trả giá đắt…vì thường không được mọi người đương thời hiểu, đồng tình và ủng hộ ngay.

+ Nhưng với bản lĩnh, khát vọng cống hiến, đặc biệt là khả năng sáng tạo, những người đó thường đạt được thành công, trở thành người chiến thắng và có những đóng góp to lớn cho cộng đồng, cho nhân loại.

– Đặt tên cho đoạn văn: Thí sinh căn cứ vào nội dung của đoạn văn bản để đặt nhan đề, dưới đây là một số nhan đề gợi ý:

+ Những người đặt bước chân đầu tiên.

+ Những người đi khai phá.

+ Đi trước bình minh.

Câu 4:

Theo anh (chị) vì sao: Những nhà phát minh vĩ đại, những nghệ sĩ, những nhà tư tưởng… đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ.

Xem đáp án

– Vì trong những bước chân đầu tiên trên con đường mới, những người sáng tạo thường đơn độc vì những ý tưởng.

– Những công trình mà họ đưa ra thường không dễ chấp nhận ngay được, bởi nó vượt qua khỏi suy nghĩ, tầm nhìn của mọi người đương thời.

Câu 5:

II. Viết (6,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến nêu ở phần Đọc hiểu: Trong những thế kỉ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn riêng của họ.

Xem đáp án
* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

1. Giải thích

– Những người đặt bước chân đầu tiên là những con người đi tiên phong, khai mở – đặt bước chân đầu tiên tạo ra sản phẩm vật chất và trí tuệ.

– Những con đường mới lúc đầu không có những con đường bằng phẳng, chỉ là những khoảng đất trống hoang đầy sỏi đá. Con đường mới được khai phá nhờ những bước chân đầu tiên của những người tiên phong.

– Không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn là tự tìm tòi theo cách riêng và qua những trải nghiệm thực tế.

• Hình tượng con đường ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa bóng: là cách thức và phương hướng để con người giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội. Như vậy với câu nói này, nhà văn Ayn Rand đã quan niệm: trên đời không có gì là bất biến. Chỉ cần con người có khát vọng và dám thực hiện khát vọng ấy thì sẽ có khả năng làm thay đổi thế giới.

2. Phân tích và chứng minh

– Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, cái đích mà mỗi người hướng đến cũng khác nhau, tương đồng với đó là những khó khăn thử thách khác nhau và không ai giống ai.

– Của cải vật chất trong xã hội đều do con người tạo ra. Để có được nó, con người phải lao động: người nông dân cuốc đất, trồng cây; người công nhân vận hành máy móc; nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm...

– Cần xác định rõ mục tiêu, lí tưởng để phấn đấu. Liên hệ câu nói của Điđơrô: Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường.

– Tìm tòi, nghiên cứu, phát hiện để chọn con đường riêng cho bản thân phù hợp với khả năng và sở thích chứ không đi theo một con đường mà người khác vạch sẵn.

– Tự lực cánh sinh, dám dấn thân thực hiện con đường riêng đó.

3. Bàn bạc và mở rộng

– Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao khó khăn mà ta cần phải vượt qua. Những khó khăn đó như một định luật tự nhiên để ta có thể phát triển và thăng tiến. Nhưng để có thể vượt qua được những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên trì, bền bỉ. Sống trong đời, mỗi người có một hoàn cảnh. Tuy nhiên, chẳng mấy ai may mắn được hoàn cảnh trải cho tấm nhung để đi đến thành công. Hoàn cảnh luôn tác động lớn đến mỗi người.

– Việc tìm con đường riêng rất khó nên đòi hỏi phải có sự tìm tòi sáng tạo và thời gian. Cần có ý chí và bản lĩnh để thực hiện. Biết tận dụng cơ hội: thiên thời, địa lợi, nhân hòa để thực hiện con đường riêng của mình.

– Chỉ cần có ý chí là chúng ta có thể vượt qua được mọi trở ngại cho dù trở ngại đó có lớn đến mức nào. Khó khăn càng lớn khi ước vọng càng cao, khó khăn càng không thể vượt qua khi khả năng làm chủ bản thân càng thiếu. Vậy tại sao chúng ta không thử quyết tâm, kiên trì theo đuổi một điều gì đó đến cùng để rồi ta có thể nhận được một thành quả lớn như ta đã mơ ước?

– Sáng tạo chính là chìa khoá để mở cánh cửa thành công. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó, có những người khi gặp khó khăn thử thách họ chỉ biết chạy trốn thay vì là tìm cách vượt qua, đây là những người không có nghị lực sống, điều này tương đương với việc họ đã tự đánh mất đi chiếc chìa khóa quan trọng có thể mở mọi cánh cửa trong cuộc đời họ – chiếc chìa khóa mà do chính họ nắm giữ.Một xã hội mà có nhiều những con người như vậy là một xã hội lạc hậu, chậm phát triển.

4. Bài học nhận thức và hành động

– Cuộc sống của chúng ta luôn là một chuỗi khó khăn và thử thách. Nếu hèn nhát và yếu đuối chắc chắn ta sẽ thất bại và gục ngã.

– Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết. Đặc

biệt là nghị lực sống, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn và là một trong những hướng đi nhanh nhất dẫn đến thành công.

– Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, còn biết bao nhiêu điều đang chờ đợi ta phía trước. Vì thế hãy dám nghĩ, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân mình, đừng nên chần chừ và do dự. Kiến thức, niềm tin, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm kiên trì vượt khó sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đường đời ấy.

Câu 6:

Đọc văn bản sau:

(Lược phần đầu: Mùa hè năm nay, Tâm và vợ chàng về nghỉ mát tại nhà một người bạn vùng thôn quê. Chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó. Tâm không đem theo vợ về mà để vợ ở trong phòng mát mẻ của hàng cơm. Tâm về một mình độ một giờ.)

Có đến năm, sáu năm nay, Tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết. Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết non nớt nguệch ngoạc, và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến. Sống trong hoàn cảnh giàu sang chắc chắn, Tâm không bao giờ nghĩ đến quê nhà nữa.

…Thấy thiếu nữ không trả lời, Tâm để ý nhìn. Chàng thấy cô ta không thay đổi, tuy có nhớn lên mà vẫn là cái cô bé chơi đùa với chàng thuở còn nhỏ. Tâm nhận thấy, ở thôn quê, người ta không thay đổi mấy, và tính tình vẫn giữ được y nguyên. Nhưng chàng, thì chàng thay đổi khác hẳn rồi. Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng và cảnh cũ nữa. Bây giờ, chàng không khi nào có cái ý tưởng điên rồ đi lấy một cô gái quê như Trinh để sống một cái đời tối tăm nghèo khổ.

(Lược một đoạn: Sau cuộc trò chuyện ngắn gọn, dửng dưng không để ý đến lời mẹ kể, Tâm từ biệt mẹ và cô Trinh ra đi, trở về hàng cơm mà vợ đang chờ. Hai người cùng đi dạo phố.)

Bỗng nhiên, Tâm giật lùi lại: Một bà cụ già khom lưng dựa bên một cô con gái, đi ra phía ga. Tâm nhận ra bà mẹ. Có lẽ bà cụ muốn được trông thấy con một lần nữa. Chắc bà tưởng Tâm đi xe hỏa. Chàng lộ vẻ khó chịu. Bà cụ còn ra đây làm gì? Tâm sợ lúc bà cụ lại khóc lóc, để cố giữ chàng lại. Hay nắm lấy áo chàng mà kể lể giữa chốn đông người. Chàng tưởng nghe thấy những câu bình phẩm to nhỏ, và trông thấy những cái mỉm cười chế giễu của mọi người. Vợ chàng sẽ nói thế nào?

- Thôi, chúng ta về ngay đi.

Tâm nói như người sốt ruột, giật cánh tay vợ rảo bước mau.

Đợi bà cụ đi khuất đầu phố, Tâm và vợ trở lại nhà hàng trả tiền, rồi đánh xe ra ngoài. Máy chạy đều, cái xe êm ru bắt đầu lướt trên đất.

Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Trong một giây, Tâm thấy cặp mắt đen láy của cô gái quê mở to ngạc nhiên nhìn mình.

Tâm không ngoảnh lại, chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm, như có một cái bờ ngăn cản: xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ.

Phong cảnh đồng ruộng hai bên đường vùn vụt trốn lại sau như càng làm xa cách chàng với cảnh thôn quê cũ.

(Trích “Trở về ” - Thạch Lam, nguồn sachhayonline.com)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận cảm nhận về nhân vật Tâm và hình ảnh người mẹ trong đoạn trích truyện Trở về của Thạch Lam.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận văn học đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận cảm nhận về nhân vật Tâm và hình ảnh người mẹ trong đoạn trích truyện Trở về của Thạch Lam.

c Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận: Cảm nhận về nhân vật Tâm và người mẹ trong đoạn trích.   

a. Về nội dung:     

* Tóm tắt sơ lược cốt truyện: Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính tên Tâm, được người mẹ tần tảo sớm khuya nuôi dạy nên người. Tuy nhiên khi được ra thành phố, cuộc sống danh lợi hào nhoáng, kim tiền lấp lánh dường như khiến anh ta mờ mắt và quên đi người mẹ già ở quê nhà.

* Nhân vật Tâm:

- Đối với người mẹ: Tâm là một người con bất hiếu, tham giàu sang, bị cuộc sống giàu sang chốn phồn hoa làm tha hóa, thay đổi tính cách con người, chối bỏ cả mẹ già.

+ Trong khoảng thời gian sáu năm trời biền biệt ấy, Tâm chỉ gửi tiền hàng tháng về cho mẹ và tuyệt nhiên không một lời hỏi thăm, để tâm đến những bức thư mẹ gửi từ quê ra với biết bao sự săn sóc, ân cần.

+ Khi nhận được bức thư của mẹ: “Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến”, thấy khó chịu bởi “nét chữ viết non nớt nguệch ngoạc, và lời lẽ quê kệch”.

+ Khi lấy vợ: không báo tin cho mẹ biết vì sợ bị phát hiện là mình có người mẹ nghèo khổ nơi quê nhà .

+ Khi bất đắc dĩ phải về thăm, Tâm đáp lại tình cảm của bà bằng sự thờ ơ cùng thái độ kiêu căng, hách dịch.

+ Tâm tự phụ mình là một người thành đạt, giàu sang và cho rằng người mẹ của mình, cô Trinh,...là kẻ quê kệch, kém cỏi và gần như không dành cho họ sự tôn trọng.

+ Không quan tâm đến tình cảm, cảm xúc của mẹ. Người mẹ già dù ít học nhưng đã nuôi anh ta khôn lớn trưởng thành.

+ Chẳng quan tâm và còn cảm thấy khó chịu khi thấy mẹ ở ga. Anh ta chỉ lo sợ rằng bà cụ sẽ khóc lóc kể lể, ái ngại những câu bình phẩm to nhỏ, cái mỉm cười chế giễu của mọi người mà không quan tâm đến cảm xúc người mẹ nghèo.

+ Giục vợ đi nhanh, sốt ruột rảo bước mà không thèm nhìn mẹ.

+ Dửng dưng khi thấy chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. + Sống ích kỉ, thực dụng.

- Đối với cô hàng xóm: không chút tình nghĩa, kỉ niệm…

+ Dửng dưng lúc trông thấy cô hàng xóm tên Trinh tốt bụng vẫn chơi đùa cùng mình thuở nhỏ.

+ Kỉ niệm đẹp của tuổi thơ đối với Tâm giờ đây thật trẻ con và vô vị. Anh ta cảm thấy sẽ thật “điên rồ khi đi lấy một cô gái quê như Trinh để sống một cái đời tối tăm nghèo khổ”.

- Tâm trạng: trở về vội vã, ra đi cũng vội vã vì sợ vợ biết mẹ mình; nửa đau khổ khi rời đi, nửa vẫn dứt khoát ra đi theo tiếng gọi giàu sang nơi phố thị. Đồng tiền đã chiến thắng tình người trong Tâm…

* Hình ảnh bà mẹ: một người mẹ già thương con, nghèo khổ, bất hạnh…

- Quan tâm, lo cho con, viết thư thăm con.

- Một người mẹ già tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học, sống một mình ở quê, hi sinh tất cả vì con nhưng nhận lại là một sự thờ ơ, bất hiếu từ đứa con.

- Biết con đối xử tệ bạc với mình, người mẹ vẫn cố gắng đi ra ga để được trông thấycon.

 b. Về nghệ thuật:

- Cốt truyện đơn giản.

- Miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật; nghệ thuật kể chuyện, dựng cảnh...

- Ngôn ngữ: giản dị, nhẹ nhàng, giàu chất thơ…

- Ngôi kể thứ 3.

- Cách kể truyện sinh động, hấp dẫn.

- Các từ láy: dửng dưng, xa xăm, tha thiết…

c. Đánh giá chung:

- Nhân vật Tâm tiêu biểu cho hạng người chối bỏ quê hương, gia đình chạy theo cám dỗ tiền bạc, địa vị…

- Qua đó bộc lộ giá trị nhân đạo của tác phẩm và làm rõ phong cách viết truyện của Thạch Lam.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt

e. Sáng tạo

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.                                                                                                          

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

Bắt đầu thi ngay