Trắc nghiệm Tin học 12 Chân trời sáng tạo BÀI 1. Khái quát sinh học phân tử và các thành tựu
Chuyên đề Sinh học 12 Chân trời sáng tạo Bài 1. Khái quát sinh học phân tử và các thành tựu
-
32 lượt thi
-
9 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã sử dụng phương pháp Real time RT-PCR để xét nghiệm SARS-CoV-2. Kết quả có hay không có đoạn gene (RNA) của virus để phát hiện sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể của những người nghi nhiễm. Vậy phương pháp này là kết quả của thành tựu khoa học nào?
Phương pháp Real time RT-PCR là thành tựu của sinh học phân tử. Phương pháp này vừa được dùng để chẩn đoán chính xác các bệnh do sai hỏng DNA; các bệnh do vi khuẩn, virus, kí sinh trùng,…; vừa được dùng để xác định tải lượng vi sinh vật kí sinh ở người bệnh.
Câu 2:
Trong các nghiên cứu được đề cập, nghiên cứu thuộc về cấp sinh học phân tử là: nghiên cứu về cấu trúc, chức năng của DNA/RNA, protein.
Câu 3:
Hãy nêu một số thành tựu hiện đại về lí thuyết của sinh học phân tử.
Một số thành tựu hiện đại về lí thuyết của sinh học phân tử:
- Những phát hiện và mô tả cấu trúc vật chất di truyền cấp độ phân tử (DNA, RNA):
+ Năm 1868, Friedrich Miescher khám phá ra chất mới là nuclein từ nhân tế bào. Nuclein hiện được biết đến là một hỗn hợp của DNA, RNA và protein.
+ Năm 1944, Oswald Avery đã chứng minh được chính DNA là vật liệu mang thông tin di truyền.
+ Năm 1953, hai nhà khoa học Francis Crick và James Watson tìm ra mô hình mạch xoắn kép của DNA.
- Những nghiên cứu làm sáng tỏ chức năng vật chất di truyền ở cấp độ phân tử:
+ Năm 1957, Francis Crick đã đề xuất học thuyết trung tâm (central dogma). Học thuyết mô tả dòng thông tin di truyền từ DNA qua RNA rồi đến protein.
+ Năm 1958, Matthew Meselson và Franklin Stahl chứng minh rằng sao chép DNA là bán bảo toàn.
+ Năm 1968, Marshall Nirenberg và Har Khorana nhận giải Nobel Sinh lí học và Y học cho công trình giải mã mã di truyền.
Câu 4:
Vai trò của các kĩ thuật sinh học phân tử như PCR, điện di, giải trình tự gene, Southern blot, Northern blot, Western blot và chuyển gene:
Kĩ thuật sinh học phân tử |
Vai trò |
PCR |
Nhân thành nhiều bản sao DNA từ một đoạn DNA ban đầu. |
Điện di |
Phân tách các đoạn DNA/RNA theo khối lượng/kích thước. |
Giải trình tự gene |
Xác định trình tự nucleotide trên DNA. |
Southern blot |
Dò tìm một đoạn DNA xác định giữa hỗn hợp nhiều đoạn DNA. |
Northern blot |
Dò tìm RNA xác định. |
Western blot |
Dò tìm protein. |
Chuyển gene |
Chuyển gene từ loài này sang loài khác. |
Câu 5:
Quan sát Hình 1.2 và cho biết nếu dùng cùng một loại mồi xuôi và mồi ngược thì các đoạn DNA được tạo ra sau khi chạy PCR có giống nhau và giống đoạn DNA đích ban đầu không. Vì sao?
- Các đoạn DNA được tạo ra sau khi chạy PCR giống nhau và giống đoạn DNA đích ban đầu.
- Giải thích: Nếu như trong tế bào sống, DNA được nhân bản dựa trên hệ thống các enzyme thì với PCR, DNA được nhân bản dựa trên các chu kì nhiệt. Quá trình nhân bản DNA theo nguyên tắc bổ sung dựa trên khuôn mẫu DNA ban đầu, do đó các DNA được tạo ra sau khi chạy PCR giống nhau và giống đoạn DNA đích ban đầu.
Câu 6:
Tìm hiểu và sưu tầm thông tin, hình ảnh trên internet, sách, báo,... để thiết kế poster hoặc infographic giới thiệu về thành tựu của việc ứng dụng kĩ thuật sinh học phân tử trong y học đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới.
- Để tìm hiểu về thành tựu của việc ứng dụng kĩ thuật sinh học phân tử trong y học đang được áp dụng tại Việt Nam, HS có thể tìm kiếm thông tin ứng dụng kĩ thuật:
+ PCR, PCR cải tiến và ứng dụng.
+ Giải trình tự gene và ứng dụng.
+ Giải trình tự gene thế hệ mới và ứng dụng.
+ Kĩ thuật sản xuất vaccine tái tổ hợp và ứng dụng.
+ Công nghệ chỉnh sửa gene và ứng dụng.
+ Đa hình nucleotide đơn (SNP) ở người.
+ Công nghệ DNA tái tổ hợp.
- Để tìm hiểu về sinh học phân tử, các kĩ thuật sinh học phân tử, ứng dụng trong mọi mặt của đời sống nói chung và trong y học nói riêng, HS có thể tìm kiếm thông tin trên các cơ sở dữ liệu sinh học lớn trên thế giới. Một số cơ sở dữ liệu lớn nhất được giới thiệu như:
+ Trung tâm Thông tin Quốc gia và Công nghệ sinh học Hoa Kì (NCBI) (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/). Các tài nguyên và dịch vụ NCBI bao gồm:
GenBank: Là mảng dữ liệu về gene và amino acid. Từ trình tự này có thể tải về, phân tích về cấu trúc amino acid hay thiết kế mồi cho tách dòng phân tử,... Cũng có thể đệ trình kết quả nghiên cứu (đưa kết quả về trình tự nucleotide,...) lên GenBank.
Entrez: Kết nối thông tin giữa các mảng dữ liệu, giúp người truy cập dễ dàng tiếp cận các thông tin liên quan từ nhiều mảng khác nhau.
PubMed: Cho phép khai thác các công trình nghiên cứu đã công bố và các công trình có liên quan cùng chủ đề.
BLAST: Là công cụ được dùng để phân tích trực tuyến sự tương đồng các trình tự nucleotide, amino acid. Kết quả so sánh là nhận biết loại gene, protein và xác định loài trên cơ sở dữ liệu sinh học phân tử.
+ Viện Tin sinh học châu Âu (cơ sở dữ liệu EMBL) (https://www.ebi.ac.uk/). Các tài nguyên của EMBL gồm:
Nguồn dữ liệu chính của châu Âu về trình tự nucleotide.
Phần mềm xử lí thông tin sinh học.
Cơ sở dữ liệu được tạo ra trong sự hợp tác với GenBank.
Cung cấp các dịch vụ và thông tin liên quan đến Sinh học phân tử và Tin sinh học.
+ Ngân hàng dữ liệu DNA trực thuộc Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản (cơ sở dữ liệu DDBJ) (https://www.ddbj.nig.ac.jp/index-e.html). Các tài nguyên của DDBJ gồm:
Ngân hàng dữ liệu các chuỗi nucleotide duy nhất tại châu Á.
Cơ sở dữ liệu được tạo ra trong sự hợp tác với GenBank.
* GenBank là sản phẩm hợp tác quốc tế giữa ba trung tâm dữ liệu gene là Genbank của NCBI, DDBJ, EMBL.
Câu 7:
Hãy trình bày ứng dụng của các kĩ thuật sinh học phân tử: PCR, điện di, giải trình tự gene, Southern blot, Northern blot, Western blot và chuyển gene trong:
a) Y - dược học.
b) Nông, lâm, ngư nghiệp.
c) Bảo vệ môi trường.
d) Quốc phòng, an ninh.
a) Ứng dụng trong Y - dược học:
- Kĩ thuật giải trình tự gene, Realtime PCR, Realtime RT-PCR giúp xác định được các bệnh tật di truyền, bệnh do nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nhiễm kí sinh trùng; xác định sớm các bệnh di truyền ở thai nhi; giải mã hệ gene người; chẩn đoán về điều trị bệnh di truyền.
- Kĩ thuật chuyển gene để tạo các vi sinh vật có khả năng sản xuất các chế phẩm sinh học dùng trong dược phẩm như chế tạo ra các loại thuốc, mĩ phẩm và thực phẩm chức năng; tạo vaccine thế hệ mới.
b) Ứng dụng trong nông, lâm, ngư nghiệp:
- Southern blot, Northern blot, Western blot được sử dụng để xác định vị trí các gene mã hoá cho các tính trạng mong muốn. Kết hợp công nghệ gene (kĩ thuật chuyển gene, công nghệ biến đổi gene đã có trong hệ gene,...) tạo ra các sinh vật biến đổi gene mang đặc điểm mới, đáp ứng nhu cầu của con người.
- Công nghệ DNA tái tổ hợp kết hợp với công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme và protein để sản xuất các chế phẩm vi sinh dùng trong bảo vệ cây trồng, cải tạo đất, chế biến và bảo quản nông sản - thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm sạch nước sinh hoạt, xử lí các phế phụ phẩm hay chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
c) Ứng dụng trong bảo vệ môi trường:
- Ứng dụng kĩ thuật chuyển gene, biến đổi gene để tạo các chủng vi sinh vật có khả năng sản xuất chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường phục vụ đời sống của con người; tạo ra các sinh vật biến đổi gene dùng để kiểm soát một số dịch bệnh gây hại cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế việc sử dụng hóa chất gây tác động xấu cho môi trường.
d) Ứng dụng trong quốc phòng, an ninh:
- Kĩ thuật giải trình tự gene, PCR dùng để xét nghiệm DNA được ứng dụng trong việc truy tìm tội phạm; xác định quan hệ huyết thống trong các vụ kiện/ tranh chấp có liên quan tới xác định huyết thống.
Câu 8:
Vì sao phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn sinh học, đạo đức sinh học trong ứng dụng sinh học phân tử vào thực tiễn?
Phải đảm bảo nguyên tắc ứng dụng sinh học phân tử vào thực tiễn bởi các kĩ thuật sinh học phân tử nói chung và các kĩ thuật hiện đại nói riêng đều nhằm mục đích tạo ra sản phẩm phục vụ lợi ích của con người. Phải đảm bảo nguyên tắc an toàn sinh học để tránh các rủi ro ảnh hưởng tới an toàn thông tin, những rủi ro về sức khoẻ con người nói riêng và cộng đồng nói chung. Phải đảm bảo nguyên tắc đạo đức trong sinh học để tránh các tác động tiêu cực đến đối tượng nghiên cứu, đến lợi ích cộng đồng.
Câu 9:
Hãy đưa ra ý tưởng về việc ứng dụng một trong các kĩ thuật sinh học phân tử như: PCR, điện di, giải trình tự gene, Southern blot, Northern blot, Western blot và chuyển gene vào một lĩnh vực trong tương lai. Đánh giá vai trò thực tiễn của ứng dụng đó.
- Ứng dụng giải trình tự gene tạo hồ sơ gene định danh. Hồ sơ gene của mỗi cá nhân được ứng dụng cho mọi hoạt động như:
+ Định danh.
+ Thay cho căn cước công dân.
+ Thay cho vân tay.
+ Thay cho chữ kí.
+ Thay cho hộ chiếu/visa.
+ Theo dõi tình trạng sức khoẻ và điều trị bệnh mang tính đặc trưng cho cá thể.
+ ....
- Đánh giá vai trò thực tiễn:
+ Ưu điểm: thuận tiện, chính xác, hiệu quả.
+ Nhược điểm: Nếu hồ sơ gene bị đánh cắp thì hậu quả khó lường, sẽ khó có khả năng ngăn chặn nhanh chóng.