Thứ bảy, 27/04/2024
IMG-LOGO
Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 17) có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 17) có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 17) có đáp án

  • 358 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 90 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đọc văn bản:

Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm. Làm việc gì cũng được, đi đâu cũng đặng nếu mỗi chúng ta không quên mình là một thành phần của xã hội, đóng góp nhiều thì xã hội sẽ cho lại chúng ta nhiều. Và “nhiều” không có nghĩa là số lượng, mà là tình cảm đậm đà, giá trị bền vững. Hạnh phúc ở đâu nay tôi đã biết. Những hạnh phúc nhỏ thì nằm trên mỗi bước đi, nhưng hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc được lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi, chấp nhận, từ tinh thần tích cực mà mình luôn luôn có.

Suốt cuộc đời tìm đường, tôi đã tìm thấy sức mạnh của mình trong những thử thách, vô cùng gian nan. Tôi đã tìm thấy tình yêu khi trao trọn trái tim. Tôi đã tìm thấy quyền thế bằng cách sống mẫu mực, khiêm tốn. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người xung quanh. Tôi đã tìm thấy được sự no ấm khi miệt mài tạo ra giá trị cho xã hội. Và may mắn thay, tôi đã tìm được chính mình bằng cách tặng trọn bản thân cho xã hội. Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình đi tìm.

(Theo Phan Văn Trường, Một đời như kẻ đi tìm đường, NXB Trẻ TP. Hồ Chí Minh, 2020, Tr 406)

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Xem đáp án
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

Theo văn bản, hạnh phúc bền vững lấy gốc từ đâu?

Xem đáp án
Theo văn bản, hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc được lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi, chấp nhận, từ tinh thần tích cực mà mình luôn luôn có.

Câu 3:

Phân tích hiệu quả của biện pháp điệp được sử dụng trong  đoạn sau: Tôi đã tìm thấy tình yêu khi trao trọn trái tim. Tôi đã tìm thấy quyền thế bằng cách sống mẫu mực, khiêm tốn. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người xung quanh. Tôi đã tìm thấy được sự no ấm khi miệt mài tạo ra giá trị cho xã hội

Xem đáp án
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn:
Điệp cấu trúc: Tôi đã tìm thấy….
-Tác dụng
+ Làm tăng sức hấp dẫn, thuyết phục cho lời văn
+ Nhấn mạnh những giá trị mà tác giả đã tìm được trên hành trình cuộc sống của mình khi vượt qua gian nan, trao trọn trái tim, tạo ra hạnh phúc cho những người xung quanh…
+ Nhắn nhủ mọi người luôn mạnh mẽ, vững vàng trong cuộc sống

Câu 4:

Thông điệp ý nghĩa nhất với anh/chị sau văn bản là gì?
Xem đáp án
- Học sinh nêu rõ thông điệp và lí giải thuyết phục
Sau đây là một gợi ý
Thông điệp ý nghĩa nhất với tôi sau khi đọc văn bản là Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình tìm. Thông điệp này cho tôi nhận thức được ý nghĩa của sự cho đi trong cuộc sống. Thông điệp này cũng cho tôi nhận thức được bản thân cần tích cực trao đi những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Thiết nghĩ, thông điệp không chỉ có ý nghĩa với riêng tôi mà còn giá trị với tất cả mọi người.

Câu 5:

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của trải nghiệm trong cuộc sống.
Xem đáp án
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.  
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
vai trò của trải nghiệm trong cuộc sống  
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề vai trò của trải nghiệm trong cuộc sống.
Có thể theo hướng:
- Trải nghiệm là quá trình trực tiếp, chứng kiến, tham gia vào sự việc, tình huống nào đó trong cuộc sống để đạt được tri thức, kinh nghiệm; tích lũy tri thức và vốn sống.
– Trải nghiệm có vai trò quan trọng đối với cuộc sống:
+ Trải nghiệm giúp ta khám phá cuộc sống, thấy được sắc màu lung linh, đa dạng của cuộc sống từ đó thêm yêu và trân trọng những gì đang có
+ Trải nghiệm mang lại kiến thức và trải nghiệm thực tế; giúp chúng ta nhanh chóng trưởng thành trong cách nghĩ và cách sống, bồi đắp tình cảm và tâm hồn, giúp mỗi người gắn bó và cống hiến hết mình cho đời, cho đất nước.
+ Trải nghiệm giúp mỗi người khám phá bản thân để có những lựa chọn đúng đắn và sáng suốt cho tương lai.
+ Trải nghiệm giúp mỗi người dấn thân, thử nghiệm để sáng tạo; biết vượt qua trở ngại, rèn luyện bản lĩnh, ý chí vươn tới thành công.  
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.  
e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.  

Câu 6:

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

-Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...

Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.

Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:

-Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:

-Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vãn tươi cười, đon đả:

-Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo Dục, 2009, tr.31)  

Phân tích đoạn văn trên; từ đó, nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của nhà văn Kim Lân.
Xem đáp án
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.  
b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích một đoạn trích của Vợ nhặt, nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân.  
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm và đoạn trích.  
* Phân tích đoạn văn
- Bữa cơm ngày đói thảm hại:
+ Mẹt rách
+ Độc một lùm rau chuối thái rối
+ Một đĩa muối
+ Một nồi cháo loãng lõng bõng.
-> Kim Lân miêu tả chân thực, cụ thể bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ để cho người đọc cảm nhận được tình cảnh khốn cùng của gia đình bà trong nạn đói.
- Không khí bữa cơm rất vui vẻ, đấm ấm, mọi người đều ăn rất ngon lành.
+ Cả nhà đều ăn ngon lành
+ Bà cụ Tứ kể toàn chuyện vui, chuyện sung sướng. Chính những câu chuyện ấy như những ngọn gió đông mát lành, như những tia nắng mùa xuân ấm áp để cho mầm xanh hi vọng trong các con bà được cứng cáp vươn lên.
+ Bà khuyên bảo các con làm ăn Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có đàn gà cho mà xem. Lời lẽ mộc mạc, chân chất nhưng giọng kể thì đầy ắp sinh khí, niềm vui tươi, sự hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Người mẹ ấy, khuyên các con nuôi gà theo tư duy rất “nông dân” nhưng cực kì thiết thực. Tư duy ấy xuất phát từ tư tưởng lạc quan của người nông dân trong bài Mười cái trứng: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.
+ Tràng vâng rất ngoan ngoãn
+ Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế.
- Chi tiết nồi chè khoán, hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của tình mẫu tử thiết tha, cảm động:
+ Vốn là người từng trải, lại là người cầm tay hòm chìa khóa => bà cụ Tứ hiểu con người ta dễ nhận ra cái đói, dễ đối mặt nhau trong bữa ăn.
+ Để kéo dài niềm vui cho các con, bà cụ Tứ đã chuẩn bị một nồi chè khoán rất công phu: Bà gọi nó bằng một cái tên mĩ miều chè khoán; bí mật; hứa hẹn: Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ; cách chạy: lật đật, lễ mễ; cách rao, mời chào: Chè khoán. Chè khoán đây, ngon đáo để cơ…
-> Thứ thức ăn tầm thường dùng cho gia súc nhưng qua bàn tay, giọng điệu, cử chỉ của bà cụ Tứ đã trở thành món ăn đặc biệt. Bà đã nêm gia vị của tình mẫu tử => bà chính là biểu tượng của tình người tình mẫu tử.
-> Chi tiết nghệ thuật đặc sắc, góp phần tạo nên giá trị nhân đạo cao cả.
- Cách ăn của Tràng và thị
+ Mặc dù là món cháo cám rất khó ăn, thị vẫn và điềm nhiên => cách ứng xử rất tế nhị, văn hóa.
+ Khi ăn cháo cám họ cố tránh nhìn mặt nhau
-> Trong hoàn cảnh đói khát, trước tấm lòng cao đẹp của người mẹ, Tràng và thị đã tinh tế hơn, trưởng thành hơn. Đây là chi tiết rất nhỏ nhưng được Kim Lân miêu tả rất tinh tế. Ranh giới giữa người và vật rất mong manh, nhưng tình yêu thương đã giúp họ có cách ăn, cách ứng xử rất Người.
=> Để tạo nên thành công của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung, tác giả đã tạo nên một tình huống truyện độc đáo, éo le; xây dựng đối thoại sinh động, hấp dẫn; ngôn ngữ quê kiểng nhưng sử dụng rất đắc địa; đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật rất sắc sảo. Điều đặc sắc nhất của đoạn trích là tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, ông đã miêu tả bằng sự hiểu biết của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng
Trong đoạn văn, Kim Lân đã miêu tả hoàn cảnh rất thảm hại của bữa cơm đón nàng dâu mới. Mặc dù cái đói khát tối sầm đang bủa vây gia đình bà cụ Tứ, nhưng bà vẫn tìm cho mình lí do, niềm tin để vươn lên trên cái đói, cái thảm đạm để mà vui, mà hi vọng. Đoạn văn đã góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề của truyện -> tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.  
* Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Kim Lân
- Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
- Với năng lực phân tích tâm lí tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc và lựa chọn những chi tiết đặc sắc, Kim Lân đã diễn tả đúng tâm lí một bà mẹ nông dân nghèo khổ, tội nghiệp nhưng rất hiểu đời và có tấm lòng nhân ái cảm động.
- Nhờ có bà cụ Tứ mà câu chuyện nhặt vợ của Tràng được soi chiếu từ một góc mới, làm bật lên các âm hưởng khác nhau: đau buồn và hứng khởi, bi quan và lạc quan, lãng mạn và đời thường. Với cách sử dụng điểm nhìn của bà cụ Tứ, tâm trạng riêng của người mẹ từng trải, rất thương con, vừa mừng vừa lo trước cảnh hai đứa con về với nhau, tác giả Kim Lân đã thể hiện tài năng xây dựng tâm lí nhân vật, am hiểu con người nông thôn.
=> Có thể khẳng định chính tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của Kim Lân đã góp phần tạo nên thành công cho Vợ nhặt cũng như góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân đạo của nhà văn.  
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.  
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.  

Bắt đầu thi ngay