(2025 mới) Đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn có đáp án (Đề số 30)
(2025 mới) Đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn có đáp án (Đề số 30)
-
105 lượt thi
-
7 câu hỏi
-
60 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Xác định người kể chuyện trong văn bản.
Người kể chuyện trong văn bản là nhân vật “tôi” – người trực tiếp tham gia vào câu chuyện.
Câu 2:
Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Anh đẹp lắm, vẻ đẹp của một người sông nước.”
Biện pháp tu từ chêm xen – tác giả xen thêm một thành phần biệt lập “vẻ đẹp của một người sông nước” ngay sau bộ phận nêu thông tin chính của câu.
Câu 3:
Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc lựa chọn điểm nhìn của người kể chuyện trong văn bản.
Hiệu quả nghệ thuật mà việc lựa chọn điểm nhìn của người kể chuyện trong văn bản đem lại: (1) Việc lựa chọn điểm nhìn hạn tri trong văn bản tạo cho người đọc cảm giác chân thực và tính trực tiếp như đang chứng kiến các sự việc xảy ra cùng sự quan sát và trải nghiệm của nhân vật “tôi”. Người đọc cũng như nhân vật “tôi” không biết hết mọi chuyện, luôn cảm thấy bất ngờ, hứng thú theo dõi điều xảy ra tiếp theo của câu chuyện. (2) Lựa chọn điểm nhìn hạn tri của người kể chuyện ngôi thứ nhất giúp nhà văn có thể đi sâu bộc lộ thế giới nội tâm của nhân vật người kể chuyện.
Câu 4:
Phân tích tác dụng của chi tiết kì ảo nói về nguyên nhân Trương Chi sống mãi và trẻ mãi.
Tác dụng của chi tiết kì ảo nói về nguyên nhân Trương Chi sống mãi và trẻ mãi: (1) Chi tiết kì ảo làm tăng tính li kì, hấp dẫn, tạo không gian hư thực cho câu chuyện: Trương Chi bị giết, bị cắt lưỡi nhưng chàng không chết vì vẫn còn trái tim. Không những vậy, chàng còn trẻ mãi vì thuộc được câu hát từ con hến trắng do ông mình truyền lại. (2) Chi tiết kì ảo thể hiện ý nghĩa, thông điệp sâu sắc của văn bản: khẳng định sức sống bất diệt của vẻ đẹp nhân văn và sức mạnh diệu kì của nghệ thuật. Bởi trái tim là biểu tượng cho sự sống; cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn, tính nhân văn của con người, còn có trái tim là còn bất tử. Câu hát là biểu tượng cho nghệ thuật. Nghệ thuật đem lại sức trẻ, nghệ thuật có sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Câu 5:
Trình bày cảm nhận của anh/ chị về sự sáng tạo của nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong xây dựng nhân vật Trương Chi ở văn bản trên so với tác giả dẫn gian trong truyện cổ.
Học sinh cần chỉ ra và trình bày cảm nhận về sự sáng tạo của nhà văn trong xây dựng nhân vật Trương Chi ở văn bản trên so với tác giả dân gian trong truyện cổ một cách phù hợp.
Cụ thể: (1) Sự sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều thể hiện ở các chi tiết: Trương Chi không chỉ hát hay mà còn có vẻ đẹp cả tâm hồn lẫn hình thể (chứ không xấu xí như trong truyện cổ); bị giết (chứ không tự vẫn như trong truyện cổ). Điều đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ nửa hư nửa thực với nhân vật “tôi”, Trương Chi dường như có sức sống bất diệt, trẻ mãi không già. (2) Hiệu quả của sự sáng tạo: + Tác giả đã làm “mới” một hình tượng quen thuộc đi vào tiềm thức của người đọc các thế hệ, không chỉ thay đổi đặc điểm mà còn đưa thêm vào các yếu tố kì ảo và các chi tiết cụ thể để miêu tả nhân vật Trương Chi “đầy đặn” hơn, vừa hư vừa thực, rất sinh động qua bút pháp viết truyện ngắn hiện đại; đem lại sự thích thú, bất ngờ cho người đọc; + Gửi gắm tư tưởng, thông điệp sâu sắc: ca ngợi, khẳng định vẻ đẹp tài năng, nhân bản của con người; thể hiện niềm tin vào sức mạnh của nghệ thuật.
Câu 6:
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:
LỜI CHÀO
Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng
Rút những cọng rơm vàng về kết tổ
Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ
Biết kéo về cả một sắc trời xanh.
Biết ơn mẹ vẫn tinh cho con thêm một tuổi sinh thành
“Tuổi của mụ”[1] con nằm tròn bụng mẹ
Để con quỷ yêu tháng ngày tuổi trẻ
Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi.
Biết ơn trò chơi tuổi nhỏ mê li
“Chuyền chuyền một...” miệng, tay buông bắt
Ngôn ngữ lung linh, quả chuyền thoăn thoắt
Nền một đời tiếng Việt mãi ngân nga...
Biết ơn dấu chân bẩm mặt đường xa
Những dấu chân trần, bùn nặng vết
Ta đi học quen giẫm vào không biết
Dáng cuộc đời in mãi dáng ta đi…
(Trích Nguyễn Khoa Điềm, Mặt đường khát vọng, in trong Văn học Việt Nam thế kỉ XX
(thơ ca 1945 – 1975), quyển bốn – tập VIII, NXB Văn học, Hà Nội, 2010, tr.711-712)
[1] Tuổi của mụ: Cách tính tuổi của nhân dân ta, chín tháng mười ngày trong bụng mẹ cũng được tính một tuổi, quen gọi là tuổi mụ.
a. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc biết ơn những con người, sự vật, kỉ niệm ấu thơ đã giúp mình khôn lớn, trưởng thành.
b. Thân đoạn: Làm rõ vấn đề nghị luận.
(1) Nhân vật trữ tình biết ơn “những cánh sẻ nâu” cùng những cọng rơm vàng, cánh diều biếc đem lại cả bầu trời tuổi thơ ngọt ngào, bình yên; biết ơn mẹ đã mang nặng cho con “tuổi mụ” trong bụng, đem con đến với cõi đời, nuôi dưỡng con khôn lớn để biết khát vọng và quý trọng tuổi trẻ, quý trọng cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc tạ thế; biết ơn “trò chơi” bắt chuyền tuổi thơ thú vị, “mê li” với ngôn ngữ tiếng Việt đẹp đẽ và phong phú; biết ơn những “dấu chân” dẫn đường của thế hệ cha ông đi trước đầy vất vả để tìm đường cho thế hệ đi sau. (2) Tình cảm, cảm xúc đó được thể hiện một cách chân thành và sâu sắc qua điệp từ “biết ơn” được nhấn đi nhấn lại ở đầu mỗi khổ thơ; qua hệ thống hình ảnh, từ ngữ chân thực, sinh động mà gợi cảm, có tính biểu tượng sâu sắc (cánh sẻ nâu, cọng rơm vàng, ngôn ngữ lung linh, dấu chân trần, dáng cuộc đời,...) (3) Qua tình cảm, cảm xúc đó, tác giả muốn lan toả tới người đọc thông điệp đầy ý nghĩa: hãy trân trọng, biết ơn tất cả những gì đã tạo sinh và nuôi dưỡng mỗi con người: từ gia đình cho tới quê hương, đất nước; từ sự vật thiên nhiên quanh ta cho tới tầng sâu văn hoá, nguồn cội. Mỗi cá nhân trưởng thành đều là sự hấp thụ và chuyển hoá những giá trị của cuộc sống và con người xung quanh. Sâu xa hơn, đó cũng là lời nhắn nhủ mỗi chúng ta cần phải sống đẹp, sống xứng đáng với những điều mình đã nhận được.
c. Kết đoạn: Khẳng định lại vẻ đẹp, ý nghĩa của tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ.
Câu 7:
Thomas L. Friedman từng phát biểu: “Đứng một mình, bạn không thể nào là một con người hoàn chỉnh,... Bạn phải là người có cội nguồn và là phần không tách khỏi của một vườn ô liu nào đó”.
Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm trên hay không? Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/ chị.
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Để phát triển và hoàn thiện, mỗi cá nhân cần luôn đặt mình trong mối quan hệ với nguồn cội và môi trường văn hoá xung quanh – “Đứng một mình, bạn không thể nào là một con người hoàn chỉnh... Bạn phải là người có cội nguồn và là phần không tách khỏi của một vườn ô liu nào đó”.
b. Thân bài
b1. Giải thích: (1) Đứng một mình: tách biệt với cộng đồng và thế giới xung quanh. (2) Người hoàn chỉnh: người phát triển đầy đủ, trọn vẹn. (3) Cội nguồn: là sự khởi đầu, là gốc rễ, cái có trước để sinh ra những giá trị tiếp theo. Với mỗi con người, “cội nguồn” chính là gia đình, tổ tông, họ tộc; rộng hơn là các thế hệ cha ông đi trước, là quốc gia, dân tộc. (4) Vườn ô liu: cách nói hình ảnh để chỉ cộng đồng và môi trường văn hoá xã hội xung quanh mỗi người. (5) Nội dung ý kiến: Mỗi cá nhân không thể phát triển trọn vẹn nếu tách rời khỏi nguồn cội cũng như môi trường, nền tảng văn hoá xã hội xung quanh.
b2. Khẳng định sự tích cực, đúng đắn của ý kiến “Đứng một mình... của một vườn ô liu nào đó” và sử dụng lí lẽ, bằng chứng để phân tích, chứng minh bảo vệ suy nghĩ, quan điểm đã nêu
(1) Mỗi con người đều sinh ra từ một nguồn cội xác định, lớn lên trong một môi trường văn hoá xã hội cụ thể – ai cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên, quê hương,
quốc gia của mình. Mỗi con người cũng thuộc về một thời đại lịch sử với những đặc điểm, điều kiện văn hoá xã hội khác biệt. (2) Các yếu tố nguồn cội và môi trường tạo ra các điều kiện thiết yếu và có tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi cá nhân con người, góp phần tạo nên tính cách, phẩm chất của họ. Vì vậy, mỗi con người đều mang dấu ấn rõ nét của gia đình, quê hương, địa phương sinh sống; đồng thời gắn với một dân tộc, một quốc tịch nhất định. Trên thế giới, bởi thế, mà tồn tại những ngôn ngữ khác nhau, những phong tục văn hoá khác nhau,... (3) Sống là hành trình tương tác, tạo nên các mối quan hệ đa chiều; mọi giá trị của con người đều được đặt trong hệ quy chiếu với cộng đồng. Cá nhân mỗi người khi còn nhỏ sẽ kết nối với những người thân trong gia đình, càng lớn lên, mạng lưới kết nối càng được mở rộng cùng sự phát triển của bản thân. Sự kết nối ẩn chứa sức mạnh to lớn, không chỉ tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển năng lực mà còn làm nên động lực để mỗi người sống hạnh phúc, bồi đắp nên những mối liên kết bền chắc. (4) Mỗi con người trong quá trình trưởng thành và kết nối đồng thời cũng tiếp tục góp phần tạo nên nguồn cội cho các thế hệ tiếp theo và là một phần gây dựng nên vườn ô liu xanh tốt, tạo nên mạng lưới xã hội, cộng đồng rộng lớn. Nói cách khác, mỗi cá nhân chính là một tế bào của xã hội, đều tác động đến sự phát triển chung của xã hội. (5) Chứng minh, làm rõ ý kiến bằng các bằng chứng: + Mối quan hệ chặt chẽ giữa mỗi cá nhân với nguồn cội, cộng đồng và môi trường xung quanh đã được khẳng định từ văn học dân gian đến văn học viết như: “Cha nào con nấy”; “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”; “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”...; + Từ những người bình thường cho đến các bậc vĩ nhân đều mang “dấu ấn”, sức mạnh của nguồn cội và môi trường văn hoá của thời đại; đồng thời mỗi người cũng lại là nhân tố góp phần tạo nên môi trường đó. Có thể lấy hình ảnh của chủ tịch Hồ Chí Minh làm minh chứng: phẩm chất của Người chính là sự kết tinh của truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc; yếu tố thời đại chính là “cái nôi” tôi luyện ý chí, nghị lực; phát huy tài năng để Người trở thành vị lãnh tụ vĩ đại, nhà cách mạng xuất chúng làm thay đổi vận mệnh dân tộc và mở ra một trang lịch sử mới.
b3. Bình luận, liên hệ
(1) Không đứng một mình để phát triển một cách toàn diện nhưng không có nghĩa là không phát huy nội lực của bản thân, dựa dẫm và phụ thuộc hoàn toàn vào sự tác động của ngoại cảnh. (2) Cần biết “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và luôn nỗ lực hết mình nhằm tạo nên các giá trị để đóng góp vào dòng chảy lịch sử của gia đình, dòng tộc, quê hương, đất nước; góp phần tạo nên vườn ô liu xanh tốt.
c. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của việc ý thức được vai trò của nguồn cội, cộng đồng và môi trường văn hoá xung quanh và ý thức, trách nhiệm đóng góp, cống hiến của bản thân.