Thứ sáu, 22/11/2024
IMG-LOGO
Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2024) Đề minh họa tham khảo BGD môn Văn có đáp án (Đề 21)

(2024) Đề minh họa tham khảo BGD môn Văn có đáp án (Đề 21)

(2024) Đề minh họa tham khảo BGD môn Văn có đáp án (Đề 21)

  • 74 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 45 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 2:

Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn sau: Nó đồng nghĩa với việc nhảy chân sáo khi những người khác đang nhảy điệu valse. Nó đồng nghĩa với việc thể hiện sự quan tâm khi bạn không chắc chắn người kia cảm thấy như thế nào. Nó đồng nghĩa với việc bước ra ngoài những chiếc hộp nhỏ bé vốn làm tê liệt tâm hồn chúng ta.

Xem đáp án

Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn:

- Điệp cấu trúc “Nó đồng nghĩa với việc..."

- Liệt kê: “việc nhảy chân sáo khi những người khác đang nhảy điệu valse. việc thể hiện sự quan tâm khi bạn không chắc chắn người kia cảm thấy như thế nào, việc bước ra ngoài những chiếc hộp nhỏ bé vốn làm tê liệt tâm hồn chúng ta"


Câu 3:

Ý kiến Sống cuộc đời như bản thân mong muốn nghĩa là có đủ dũng cảm để tự tìm ra nhịp trống riêng và hát bài hát riêng cho mình có ý nghĩa thế nào với anh/ chị?

Xem đáp án

- Ý kiến “Sống cuộc đời như bản thân mong muốn nghĩa là có đủ dũng cảm để tự tìm ra nhịp trống riêng và hát bài hát riêng cho mình” nêu lên quan điểm về việc sống cuộc đời như bản thân mong muốn là dũng cảm tìm ra giá trị riêng và cách thể hiện riêng của mình trong cuộc sống.

- Ý kiến trên có ý nghĩa lớn lao với tôi khi cho tôi nhận thức được thế nào  là sống cuộc đời như bản thân mong muốn. Từ đó, tôi thấy được bản thân

cần mạnh mẽ, dũng cảm hơn để thể hiện mình, làm những điều mình mong

muốn sống một cuộc đời ý nghĩa.


Câu 4:

Thông điệp ý nghĩa mà anh/ chị rút ra sau khi đọc văn bản là gì?

Xem đáp án

Thông điệp ý nghĩa:

- Sống có ý nghĩa theo đúng sở nguyện, sở cầu của bản thân mới là đích đến của mỗi người.

- Để sống cuộc đời như bản thân mong muốn cần dũng cảm...


Câu 5:

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của bản thân về điều cần làm để sống cuộc đời như bản thân mong muốn.

Xem đáp án

 a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Điều cần làm để sống cuộc đời như bản thân mong muốn.

 c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề điều cần làm để sống cuộc đời như bản thân mong muốn.

Có thể theo hướng:

- Thấu hiểu chính mình để biết mình thật sự mong muốn điều gì và nỗi lực thực hiện điều mong muốn đó.

- Học cách yêu bản thân và chấp nhận những khiếm khuyết của mình và biết cải thiện những điểm yếu để trở thành mẫu người mà bản thân mong muốn.

- Biết tạo dựng và nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt, biết mình phù hợp với kiểu người như thế nào để tìm thấy và hòa nhập.


Câu 6:

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những ngày tháng mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời...

(Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.119,120)

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét tính trữ tình – chính luận trong đoạn - trích “Đất Nước".

Xem đáp án

 a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

 b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận đoạn thơ trong đoạn trích “Đất Nước”. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình – chính luận trong đoạn trích “Đất Nước”

 c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:

 * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận: tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích “Đất nước” và đoạn thơ.

 * Cảm nhận đoạn thơ:

- Mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân và Đất Nước.

+ Hai câu đầu

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước”

Tác giả chọn cho mình giọng điệu tâm tình với cách xưng hô thân mật, gần gũi anh, em khiến cho lời thơ trở nên nhẹ nhàng, ngọt ngào và vấn đề triết luận cũng dễ dàng đi vào lòng người. Nhà thơ khẳng định Đất Nước là một phần không thể thiếu trong mỗi con người. Đất Nước có trong anh, trong em và trong mỗi chúng ta bởi lẽ tất cả những giá trị vật chất, tinh thần mà chúng ta thừa hưởng từ dáng hình, giọng nói đến ngọn lửa, hạt lúa đều là của Đất Nước. Như vậy, có thể thấy, đây là một nhận thức sâu sắc, mới mẻ của nhà thơ về Đất Nước để từ đó ông tổ chức, dẫn dắt các ý thơ tiếp theo.

+ 4 câu tiếp: Đất Nước là sự tổng hoà các mối quan hệ, tình cảm

. Đất Nước hiện diện trong hạnh phúc lứa đôi

"Khi 2 đứa cầm tay

ĐN trong chúng ta hài hoà, nồng thắm"

“Cầm tay” ở đây là một cử chỉ thân thiết, là sự giao duyên, là biểu hiện của tình yêu, sự gắn kết giữa những người yêu nhau. Các tính từ “hài hoà, nồng thắm” vừa chỉ mức độ sâu sắc, thắm đượm của tình cảm đôi lứa vừa khắc sâu sự gắn kết, hoà quyện của Đất Nước với cuộc đời mỗi người.

. Đất Nước gắn với tinh thần đoàn kết dân tộc

"Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn”

Hành động “cầm tay” giờ đây lại là biểu hiện của tình yêu thương, gắn kết giữa các cá nhân trong cộng đồng với nhau. Và chỉ khi mọi người đoàn kết thì Đất Nước mới có thể lớn mạnh, bền vững.

+ 3 câu tiếp: Đất Nước là sự tiếp nối các thế hệ

"Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng”

Không chỉ nói đến lịch sử dựng nước và giữ nước, Nguyễn Khoa Điềm còn hướng tới tương lai của Đất Nước. Hai chữ “ mai này” mở ra cả một trang mới của lịch sử dân tộc và ở đó, trọng trách được đặt trên vai thế hệ trẻ “con ta”. Đó là kết tinh của tình yêu sâu sắc, mặn nồng của một Đất Nước hài hòa, nồng thắm. Từ đó, nhà thơ cũng đặt trọn niềm tin rằng thế hệ sau sẽ mang Đất Nước đi xa, vững mạnh, giàu đẹp với “những ngày mơ mộng”.

- Còn lại: trách nhiệm của thế hệ trẻ với Đất nước:

“Em ơi em

Đất nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời”

+ Tác giả nhấn mạnh lại vai trò đặc biệt của Đất Nước đối với mỗi người qua lời khẳng định “Đất Nước là máu xương của mình”. “máu xương” là một biểu tượng thiêng liêng, là một phần quan trọng làm nên sự sống. Và điều đó cũng có nghĩa là Đất Nước tồn tại cùng sự sống của mỗi cá nhân mà để có sự sống ấy là bao hi sinh, bao xương máu của lớp lớp thế hệ đi trước. Bởi thế, trách nhiệm với Đất Nước không là của riêng ai.

+ Điệp ngữ “phải biết” xuất hiện liên tiếp trong những câu thơ tạo ra âm điệu rắn giỏi đầy quyết tâm như một mệnh lệnh thôi thúc hành động, mệnh lệnh từ trái tim. Sau đó, Nguyễn Khoa Điềm cụ thể hoá trách nhiệm của mỗi cá nhân với Đất Nước qua những biểu hiện cụ thể, ngắn gọn mà sâu sắc: “gắn bó” (yêu thương, gắn kết chặt chẽ với nhau), “san sẻ” (sẻ chia một phần mình có từ vật chất đến tình thần, từ niềm vui đến nỗi đau), “hoá thân" (hi sinh, dâng hiến). Tất cả được sắp xếp một cách đầy ý nghĩa và hoá thân chính là biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước, của ý thức trách nhiệm trong mỗi người.

- Nghệ thuật

+ thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn được ngắt nhịp linh hoạt

+ vận dụng hiệu quả các biện pháp điệp, đối, so sánh...

+ giọng thơ tâm tình, thiết tha, sâu lắng...

- Đánh giá: Qua những cảm nhận độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước chính là những gì thiêng liêng nhất những cũng gần gũi, thân thuộc nhất với cuộc đời mỗi người. Từ đó, nhà thơ đã đánh thức lòng yêu nước, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong chúng ta một cách giản dị, chân thành mà đầy sâu sắc. Đoạn thơ là một minh chứng cho tài năng nghệ thuật thơ của Nguyễn Khoa Điềm.

 * Nhận xét về tính trữ tình – chính luận của đoạn trích “Đất Nước”:

- Tính chính luận để thể hiện trong đoạn trích:

+ Thức tỉnh ý thức dân tộc của mỗi người dân ý thức về mối quan hệ gắn kết giữa Đất nước và đời sống cá nhân.

+ Khẳng định tư tưởng: “Đất Nước của Nhân dân”

+ Đất Nước được cảm nhận một cách toàn diện, sâu sắc, đầy đủ từ nhiều góc độ: Văn hóa, lịch sử, con người, địa lí,...

+ Giúp mỗi người dân thấm sâu lòng yêu nước, thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước.

- Tính trữ tình được thể hiện trong đoạn trích:

+ Tấm lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc chi phối toàn bộ cảm hứng nghệ thuật của tác giả.

+ Yêu nước chính là yêu văn hóa, yêu thiên nhiên, con người lao động, chủ nhân của lịch sử đất nước.

+ Niềm tự hào sâu sắc về vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp do nhân dân sáng tạo nên.

+ Bộc lộ cách cảm, một giọng điệu riêng rất Nguyễn Khoa Điềm.

- Tính chính luận và tính trữ tình kết hợp trong đoạn thơ hài hòa trong cả đoạn trích. Tính chính luận làm cho nội dung tư tưởng của đoạn thơ thêm sâu sắc. Yếu tố trữ tình làm cho đoạn thơ có sức lay động, truyền cảm, biến tư tưởng, quan niệm, nhận thức thành cảm hứng nghệ thuật. Sự kết hợp hai yếu tố này sao cho nhuần nhuyễn, hiệu quả thực không dễ, nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã làm được. Đó là thành công lớn của đoạn trích “Đất Nước".


Bắt đầu thi ngay


Có thể bạn quan tâm


Các bài thi hot trong chương