IMG-LOGO
Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2025 mới) Đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn có đáp án (Đề số 47)

(2025 mới) Đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn có đáp án (Đề số 47)

(2025 mới) Đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn có đáp án (Đề số 47)

  • 59 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 60 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Văn bản trên bàn về vấn đề gì?
Xem đáp án

Vấn đề nghị luận của văn bản: Tấm lòng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua thơ, văn.


Câu 2:

Người viết đã sử dụng hai cậu nào trong bài để nêu nhận xét khái quát, chính xác và sinh động về đặc điểm, giá trị văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu?
Xem đáp án

Hai câu trong bài nêu nhận xét khái quát, chính xác và sinh động về đặc điểm, giá trị văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy.”


Câu 3:

Nêu nhận xét về việc lựa chọn và sử dụng bằng chứng của người viết trong văn bản.
Xem đáp án

Học sinh có thể nêu lên nhận xét khác nhau nhưng cần phù hợp với việc lựa chọn và sử dụng bằng chứng trong văn bản: (1) Bằng chứng tiêu biểu (đều là những câu thơ hoặc đoạn văn đặc sắc). (2) Bằng chứng toàn diện (đủ cả 2 thể loại thơ, văn). (3) Bằng chứng phù hợp với luận điểm và lí lẽ (tập trung làm sáng rõ quan điểm sống và viết, tẩm lòng yêu nước sắt son của Nguyễn Đình Chiểu).


Câu 4:

Mục đích so sánh hai văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) và Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) là gì?
Xem đáp án

Học sinh xác định đúng mục đích so sánh hai văn bản: (1) Nêu lên những điểm giống và khác nhau để nhấn mạnh rằng dù chiến thắng oanh liệt như trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) hay khi thất thế, hi sinh như trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) thì dân tộc ta, nhân dân ta vẫn rất anh hùng, luôn khát khao hoà bình, sẵn sàng quyết tâm giành độc lập tự do cho đất nước. (2) Khẳng định những đóng góp to lớn, mang sắc thái riêng của Nguyễn Đình Chiểu đối với dòng mạch văn thơ yêu nước.


Câu 5:

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Viết đoạn nghị luận văn học (khoảng 200 chữ) phân tích tác dụng của tình huống kịch đối với việc thể hiện tính cách nhân vật thị trưởng trong đoạn trích sau:

Thị trưởng: Này, Xiêpan Ilich, ông nghe đây! Có một vị quan từ Petecbua đến. Ông đã xếp đặt gì chưa?

Cảnh sát trưởng: Thưa đã, theo như lệnh ông truyền. Tôi đã cho viên cảnh sát Pigôvitxưn cùng bọn phu vệ sinh đi quét sạch hè phố.

[...] Thị trưởng: Nghe đây, ông làm như thế này nhé, thằng đội sếp Pugôvitxun ấy... nó cao lớn, vì vậy cho nó đứng trên cầu ấy để giữ trật tự. Lại còn phải dỡ cho nhanh cái hàng rào cũ, ở gần nhà thằng thợ giày, để ở đấy ít cọc, làm mốc, cho có vẻ đang dự định làm lại. Càng xáo lộn lên bao nhiêu, lại càng tỏ ra mình tích cực hoạt động để cai quản thành phố bấy nhiêu. À, trời ơi, tôi quên mất, cạnh cái hàng rào ấy, rác rưởi chất đầy, có đến bốn mươi xe bốn bánh chứa cũng vừa. Thật là bọn dân khốn kiếp: vừa dựng lên một công trình để kỉ niệm gì ở đâu, hoặc chỉ dựng một cái hàng rào thôi cũng thấy ngay đủ các vật bẩn thỉu từ đâu quăng ra, thánh cũng không biết được! (Thở dài) Và nếu quan thanh tra có hỏi bọn ông rằng làm việc có mãn nguyện không thì yêu cầu trả lời: “Bẩm chúng tôi mãn nguyện cả ạ!” nhé, và nếu kẻ nào nói rằng hắn không được mãn nguyện thì sau này tôi sẽ cho hắn được mãn nguyện như lời hắn nói... Ôi! Chao ôi! Chao ôi! Bao nhiêu tội lỗi, biết bao nhiêu tội lỗi (cầm nhầm phải cái hộp đựng mũ).

Lạy Chúa, xin Ngài phù hộ cho con tai qua nạn khỏi, sau con xin thắp cúng một ngọn nến chưa có kẻ nào từng củng: con sẽ bắt mỗi thằng lái buôn bịp bợm phải nộp ba pút sáp làm nến. Ôi trời ơi, trời ơi! Piôt Ivannôvich, ta đi đi! (Định đội mũ nhưng lại đội cái hộp bằng giấy các-tông).

(N. Gogol, Quan thanh tra, Vũ Đức Phúc dịch, NXB Lao động – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2009 – Lớp 5, Hồi 1, tr.28-29)

Xem đáp án

a. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình huống kịch trong đoạn trích như một “thứ nước rửa ảnh” đã góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách của nhân vật viên thị trưởng.

b. Thân đoạn: Làm rõ vấn đề nghị luận

(1) Tình huống trong hài kịch: là tình thế, hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện trong cuộc sống đời thường khiến mâu thuẫn, xung đột và thói hư tật xấu, tính cách đáng cười của nhân vật chuyển từ trạng thái tĩnh, tiềm ẩn sang trạng thái động, được bộc lộ. (2) Tình huống trong đoạn trích: Thị trưởng (Antôn Antônôvich) nghe tin có một vị quan từ Petecbua tới thành phố để thanh tra. Vì vậy ông thị trưởng đã giao các nhiệm vụ cho viên Cảnh sát trưởng (Xtêpan Ilich) để đối phó. (3) Qua tình huống, tính cách của nhân vật thị trưởng được thể hiện sắc nét: + Gian dối để tạo uy tín cho bản thân (dỡ hàng rào cũ, để ít cọc, làm mốc, cho có vẻ đang dự định làm lại; xáo lộn để tỏ ra tích cực trong các hoạt động cai quản thành phố; bắt cấp dưới nếu trả lời quan trên phải theo ý của mình,...); + Sợ hãi cấp trên, doạ dẫm, đe nẹt cấp dưới (“Ôi! Chao ôi! Chao ôi! Bao nhiêu tội lỗi, biết bao tội lỗi”; cuống cuồng đội nhầm hộp các-tông tưởng là mũ, đe doạ cấp dưới nếu không làm theo, cầu xin Chúa phù hộ, hứa hẹn “hối lộ” cả Chúa để mong được “tai qua nạn khỏi”,...)

c. Kết đoạn: Tình huống kịch trong đoạn trích đã làm nổi bật chân dung hài kịch của viên thị trưởng. Qua đó, tác giả thể hiện tiếng cười châm biếm, đả kích thói nhố nhăng, giả dối của tầng lớp quan lại trong một xã hội nhiễu nhương với bộ máy công chức “rặt phường trộm cướp trắng trợn không làm được một việc gì có ích”.


Câu 6:

Viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “Trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, sự tự do trong nội tâm và là nền tảng cho các mối quan hệ tốt đẹp”.

(Theo: Trish Summerfield, Lăng kính tâm hồn,

 NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr.82)

Xem đáp án

a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Vai trò của sự trung thực đối với con người và xã hội – “Trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, sự tự do trong nội tâm và là nền tảng cho các mối quan hệ tốt đẹp”.

b. Thân bài

b1. Giải thích: (1) Trung thực: là phẩm chất tốt đẹp của con người thể hiện qua hành động luôn dám nói và nói đúng sự thật, có sự thống nhất giữa suy nghĩ, lời nói và hành động (thật thà, ngay thẳng, tôn trọng lẽ phải). (2) Sự bình an trong tâm trí: là trạng thái tinh thần của con người khi họ cảm thấy thoải mái, bình yên, không căng thẳng, lo âu; họ luôn có được sự thư thái của đầu óc với những suy nghĩ lạc quan. Có được sự bình an trong tâm trí con người sẽ luôn hài lòng và hạnh phúc với những gì thuộc về mình; họ trân trọng bản thân bằng cách luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. (3) Sự tự do trong nội tâm: cũng là trạng thái tinh thần của con người khi họ làm chủ được mọi suy nghĩ, cảm xúc, hành động của mình theo chiều hướng tích cực. Có được tự tự do trong nội tâm, con người luôn biết lắng nghe, thấu hiểu chính mình và hành động để đạt đến sự tự do đó; họ thành thật với chính mình ngay cả khi chỉ đối diện với bản thân. (4) Trung thực được cho là yếu tố căn bản – yếu tố quan trọng, cần thiết, không thể thiếu – để con người có được bình an trong tâm trí, sự tự do trong nội tâm và là nền tảng cho các mối quan hệ tốt đẹp.

b2. Khẳng định ý kiến trên đã đánh giá cao vai trò quan trọng của sự trung thực đối với con người, sử dụng lí lẽ, bằng chứng để phân tích, chứng minh

(1) Trung thực có ý nghĩa quyết định giúp con người sống thanh thản, vui vẻ, hạnh phúc. Khi trung thực, thẳng thắn họ mới có được “sự bình an trong tâm trí”, họ không gian dối nên không cần phải toan tính để che giấu sự thật, không phải mang theo những lo âu, sợ hãi trong lòng. (2) Trung thực có ý nghĩa nuôi dưỡng những giá trị đạo đức tốt đẹp, giúp con người thẳng thắn trong phân biệt đúng sai, phải trái. Khi dám đứng lên để bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải cũng có nghĩa là con người đang tôi luyện bản thân để trở nên dũng cảm, mạnh mẽ; lan toả được những điều tốt đẹp trong cộng đồng. (3) Sống trung thực sẽ tạo dựng được niềm tin, sự kính trọng từ những người xung quanh vì vậy nó góp phần tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội; hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng của sự trung thực sẽ là hạnh phúc bền vững. (4) Chứng minh, làm rõ ý kiến bằng các minh chứng: Ví dụ: Chu Văn An là vị đại quan của triều Trần, tính cương nghị, thẳng thắn; khi chính sự triều đình bê bối ông viết sớ dâng vua đề nghị chém bảy kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế. Vua không chấp nhận, ông đã từ quan về quê ở ẩn, dạy học trò.

Hành động của ông thể hiện phẩm chất ngay thẳng, trung thực và đầy bản lĩnh. Ông đã hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc mà không màng đến mối an nguy, lợi ích cá nhân. Đó là hành động đáng được ngợi ca, trân trọng,..

b3. Bình luận, liên hệ

(1) Nếu thiếu sự trung thực, cuộc sống chắc chắn sẽ tràn lan những hậu quả khôn lường: con người gian dối, đánh mất lòng tự trọng, đánh mất niềm tin; là ngọn nguồn mang đến những bất công trong xã hội do không phân biệt được đúng sai, phải trái. Thiếu trung thực được xem là “một căn bệnh nguy hiểm” – căn bệnh của xã hội bởi nó làm suy thoái đạo đức, xói mòn niềm tin của con người, và đến một mức độ nào đó nó sẽ phá vỡ những kết cấu bền chắc của khung chuẩn mực đạo đức cần thiết mang đến nguy cơ về sự bất ổn trong cộng đồng xã hội. (2) Tuy nhiên, trung thực không có nghĩa là phải nói ra tất cả những gì mình biết vì đôi khi cần chấp nhận sự thiếu trung thực để tránh làm tổn thương người khác hoặc để giải quyết sự việc theo một chiều hướng tích cực hơn (nêu và phân tích ví dụ cụ thể) hoặc để thực hiện một nhiệm vụ tối mật của tổ chức,... Khi đó, dù con người không hoàn toàn trung thực nhưng họ không mất đi “sự bình an trong tâm trí, sự tự do trong nội tâm” và bản thân họ với mục đích sống nhân văn, cao cả vẫn tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.

c. Kết bài: Khẳng định lại ý kiến đã trình bày (sự trung thực có ý nghĩa quan trọng với con người và xã hội); liên hệ với thực tiễn bản thân và rút ra bài học (cần rèn luyện phẩm chất trung thực, ngay thẳng, thật thà, dũng cảm nhận sai lầm – nếu có; mỗi cá nhân sống trung thực sẽ góp phần kiến tạo nên một xã hội minh bạch, đáng tin).


Bắt đầu thi ngay