(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 31) có đáp án
(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 31) có đáp án
-
711 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Kiên định nghĩa là trước khó khăn không chùn bước mà vẫn tiến lên phía trước, kiên định là dù có thất bại thì vẫn giữ thái độ bình tĩnh khí khái, giữ vững niềm tin.
Có lẽ trong chúng ta không ai có thể quên được hình ảnh trong tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Hemingwey “Ông già và biển cả”, một ông lão râu tóc đã điểm bạc, suốt một đời nghèo khổ, nhưng trong ông là cả một khí chất cao cả, là trái tim ngoan cường sắt đá khiến mọi người phải nể phục. Đối với ông những con sóng hung tợn ngoài biển cả và những con cá kình khổng lồ chuyên ăn thịt người đều trở nên nhỏ bé. Ông lão tuy không làm thay đổi được vận mệnh của mình, nhưng ông luôn là người chiến thắng bởi ông đã sống và phấn đấu cho niềm tin vào ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Đứng trước những con người không chịu khuất phục, đầu hàng gian khó như thế, chúng ta ngoài việc cung kính ngưỡng mộ và khâm phục đối với họ thì còn có thể làm gì hơn nữa?
Kiên trì không phải là quá khó, nói một cách đơn giản chính là việc chúng ta dùng lý trí để suy nghĩ, cân nhắc và quyết định mọi việc, sau đó cứ suy nghĩ theo đó mà làm. Mỗi người nên có một mục tiêu riêng của mình, bất luận là thành công hay thất bại, chỉ cần chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu đó thì chúng ta vẫn là người chiến thắng. “Nước chảy đá mòn”, chỉ cần con người ta có ý chí và lòng quyết tâm thì không có việc gì khó cả. Đôi cánh giúp ta bay cao và xa chính là niềm tin sắt đá, bởi thế chỉ cần ta khởi động nó, chúng ta sẽ bay cao hơn, xa hơn, bay đi tìm giá trị cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Trích Nhẫn không có nghĩa là nhu nhược, Trần Thị Thanh Liêm – Nguyễn Tuyết Mai biên soạn, Cty in Văn hóa Sài Gòn, 2012, Tr. 73-74)
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là nghị luận. |
0,75 |
Câu 2:
Theo đoạn trích, kiên định nghĩa là gì?
Theo đoạn trích, kiên định là trước khó khăn không chùn bước mà vẫn tiến lên phía trước, kiên định là dù có thất bại thì vẫn giữ thái độ bình tĩnh khí khái, giữ vững niềm tin. |
0,75 |
Câu 3:
Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu sau: Đôi cánh giúp ta bay cao và xa chính là niềm tin sắt đá.
- Biện pháp tu từ: + Ẩn dụ: Đôi cánh - ý chỉ động lực, điểm tựa tinh thần,… + So sánh: niềm tin sắt đá với đôi cánh. - Tác dụng: Nhấn mạnh và làm nổi bật tác dụng của niềm tin, sự kiên định của lý trí trong việc thực hiện mục tiêu của bản thân. Đồng thời giúp sự diễn đạt trở nên sinh động hơn. |
1,0 |
Câu 4:
Lời khuyên ý nghĩa nhất mà anh/ chị rút ra từ đoạn trích trên là gì?
Gợi ý: - Hãy là một người kiên định trong việc theo đuổi mục tiêu, ước mơ của bản thân. Sự kiên định sẽ giúp cho chúng ta giữ được trạng thái bình tĩnh vượt qua khó khăn để tiến tới thành công. - Mỗi người chúng ta nên có mục tiêu riêng của bản thân để phấn đấu, bất luận là thành công hay thất bại, chỉ cần chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu đó thì chúng ta vẫn là người chiến thắng. - Chỉ cần con người có niềm tin, ý chí sắt đá vững bền thì ắt sẽ thành công. …. |
0,5 |
Câu 5:
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của thái độ kiên định trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Vai trò của thái độ kiên định trong cuộc sống. |
0,25 |
c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề vai trò của thái độ kiên định trong cuộc sống. Có thể theo hướng: - Sự kiên định là một trong những yếu tố to lớn dẫn đến thành công và hiển nhiên sự kiên định ấy không có sẵn ở mỗi người, nó cần được trải nghiệm, học hỏi và rèn dũa qua rất nhiều thời gian. - Sự kiên định sẽ giúp mỗi người chúng ta có thể vượt qua bất cứ khó khăn, bất cứ sự thất bại nào. - Người có sự kiên định là người sống có kỷ luật và quy tắc. Họ sẽ được lòng với rất nhiều người, họ biết cách phân định được đúng sai, việc gì nên dừng lại hoặc tiếp tục và không thể bỏ qua việc họ biết lắng nghe, tiếp thu có sự chọn lọc. - Sự kiên định chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, dù có gian nan thử thách nhưng vẫn nhất quyết làm đến cùng. Đức tính kiên định đối với mỗi người là nhân tố quan trọng để thành công. Nó chính là đòn bẩy, động lực để chúng ta càng tiến xa hơn trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. |
1,0 |
d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25 |
e. Sáng tạo Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 |
Câu 6:
- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.109)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về ân tình sâu nặng của người cán bộ và người dân Việt Bắc được thể hiện trong đoạn thơ.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. |
0,25 |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Phân tích đoạn thơ; nhận xét về ân tình sâu nặng của người cán bộ và người dân Việt Bắc được thể hiện trong đoạn thơ. |
0,5 |
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau: |
|
*Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc và đoạn thơ trong đề. |
0,5 |
*Cảm nhận đoạn thơ: - Mở đầu đoạn thơ là tình cảm gắn bó của người dân Việt Bắc với cán bộ kháng chiến trong không khí bịn rịn của buổi chia tay được gợi lên bằng lời khơi gợi đầy nhớ thương của người ở lại: - Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn? + Mình – ta lối xưng hô quen thuộc gần gũi trong ca dao, dân ca gợi bao tình thương gắn bó: mình với ta tuy hai mà một hay Mình về ta chẳng cho về/ Ta níu vạt áo ta đề câu thơ. Mình là người ra đi – người cán bộ kháng chiến phải rời xa chiến khu Việt Bắc để về xuôi; ta là người ở lại – nhân dân Việt Bắc + Điệp khúc mình về mình có nhớ vừa là lời hỏi vừa là lời nhắc nhở đầy thương mến để rồi sống dậy cả không gian, thời gian của kỷ niệm. + Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng tưởng như thời gian riêng tư của tình yêu đằm thắm nhưng đó là thời gian kháng chiến, thời gian kể từ ngày xây dựng căn cứ cách mạng. Mười lăm năm ấy... câu thơ chất chứa bao kỷ niệm sâu đậm mà chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu. Mười lăm năm phải chăng là khoảng thời gian từ khi kháng Nhật cho đến ngày chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ thắng lợi vang dội. Khoảng thời gian ấy tuy dài nhưng rồi cũng đã trôi qua thật nhanh. Song, sức âm vang của nó thì có lẽ đến nghìn năm sau. + Từ láy biểu cảm thiết tha và tính từ mặn nồng khiến chúng ta liên tưởng đến những cung bậc tình cảm mặn mà nồng nàn da diết lứa đôi quấn quýt, chẳng thể rời xa. +Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn? câu thơ gợi nhớ không gian núi rừng. Cách diễn đạt, cách liên tưởng rất hồn nhiên, chân thật của người miền núi thể hiện quy luật của tình cảm - hướng về cội nguồn, hướng về quê hương của cách mạng. Đó là núi rừng Việt Bắc. → Âm hưởng nhẹ nhàng của khúc lục bát ngọt ngào, êm ái – chính là khúc dạo đầu của bản nhạc chia ly. - Bốn câu thơ tiếp là khung cảnh chia ly đầy bịn rịn, quyến luyến giữa người đi, kẻ ở: - Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân li Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay... + Không gian chia li: đơn sơ, lặng lẽ với hình ảnh chiếc áo chàm mộc mạc quen thuộc gần gũi với con người Việt Bắc mà tình cảm thì biết bao nồng đượm. Đó cũng là nghệ thuật hoán dụ tinh tế và giàu sức biểu cảm. Người ra đi lắng nghe và thấu hiểu tiếng lòng tha thiết của người ở lại, nên lòng cũng đầy bâng khuâng, xao xuyến khiến bước chân trở lên bồn chồn như ngập ngừng, bối rối... + Hàng loạt từ láy diễn tả tâm trạng tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn đã choáng đầy bốn câu thơ miêu tả cuộc chia ly. + Nhịp thơ lục bát vốn đều đặn, nhịp nhàng đến đây bỗng đổi nhịp 4/4 sang 3/3/2 như chính con tim không thể đập đều đặn trong giờ phút được thoáng ngừng, lặng yên đầy sâu lắng ấy của người ra đi và kẻ ở lại. - Đánh giá: Với ngôn ngữ bình dị, nhiều từ láy, những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc như: đối lập, hoán dụ, liệt kê, câu hỏi tu từ; giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, da diết; đoạn thơ thể hiện niềm tự hào về nhân dân, về quê hương Việt Bắc đã hết lòng với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, qua đó bộc lộ tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của nhà thơ Tố Hữu. |
2,5 |
* Nhận xét về ân tình sâu nặng của người cán bộ và người dân Việt Bắc được thể hiện trong đoạn thơ. - Chỉ với tám câu thơ lục bát ngắn gọn nhưng nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận được biết bao ý nghĩa về tình cảm gắn bó của quân và dân ta. Chúng ta thấy được tình cảm thuỷ chung son sắt, sự gắn bó, ân tình sâu nặng giữa người đi - người ở. Một buổi chia tay của người dân với chiến sĩ cách mạng đã được Tố Hữu diễn đạt đầy cảm xúc, nổi bật lên tình nghĩa thuỷ chung, ân tình của những con người nơi chiến khu Việt Bắc. - Qua đoạn thơ này chúng ta đã hiểu được tình cảm, sự yêu thương mà người Việt Bắc với những người chiến sĩ cách mạng dành cho nhau. Tình cảm ấy không phải là sự hoa mĩ, tô vẽ mà là tất cả những gì thiêng liêng chân thành xuất phát từ trái tim đầy yêu thương. Chính điều đó đã góp phần làm nên giá trị sâu sắc cho bài thơ, khiến Việt Bắc trở thành một bản tình ca thấm đượm ân tình đồng thời làm nên tính dân tộc đậm đà khiến thi phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc. |
0,5 |
d. Chính tả, ngữ pháp Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25 |
e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |