Thứ sáu, 22/11/2024
IMG-LOGO

30 đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 - Đề 5

  • 4868 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đọc văn bản sau và làm theo các yêu cầu:

      Tôi nhớ một nhà tâm lý học đã nói: Nếu bạn cảm thấy chán nản thì tốt nhất là giúp đỡ một ai đó. Tại sao? Vì giúp đỡ ai đó, bạn sẽ hướng tâm hồn ra bên ngoài và nhận được niềm vui. Có lần tôi đang ngồi trong một sân bay cho chuyến bay của mình. Vé của tôi là vé hạng nhất. Ở hàng này chỗ ngồi rộng hơn, thức ăn ngon hơn và các tiếp viên thì rất xinh. Và tôi lại được số ghế tốt nhất trong khoang máy bay, ghế số A1. Trước lúc máy bay cất cánh, tôi để ý đến một phụ nữ trẻ đeo theo nhiều túi xách tay và còn bế một em bé đang khóc nữa. Lương tâm tôi bảo: Này, làm gì đi chứ! tôi đấu tranh tư tưởng một lúc rồi cuối cùng đến bên cô ấy, đề nghị đổi chỗ ngồi. Tôi sẽ ngồi ghế hạng thường của cô ấy, còn cô sẽ ngồi chỗ ghế hạng nhất của tôi. Cô ấy rất ngạc nhiên, và trước lời thuyết phục của tôi, cô đồng ý.

      Khi máy bay bay được vài tiếng, tôi đi lên dãy ghế hạng nhất. Vén tấm màn, tôi thấy đằng kia, trong chiếc ghê rộng rãi, hai mẹ con họ đang ngủ ngon lành. Quay trở lại chỗ ngồi nhỏ bẻ của mình, Tôi thấy trong lòng vui như thể vừa trúng số độc đắc. Và chuyến bay đó đối với tôi thật thú vị. Lòng tôi tự nhủ, muốn có nhiều niềm vui thì phải siêng năng làm những nghĩa cử như vậy. Việc cho đi không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn.

(Trích “Làm những việc tốt”, 7 thói quen của người thành đạt, dẫn theo http://gacsach.com)

Qua văn bản, tác giả bài viết khuyên nguời đọc điều gì?

Xem đáp án

Qua văn bản, tác giả bài viết khuyên người đọc cần biết cho đi, biết sẻ chia, bởi điều đó “không chỉ giúp đỡ người khác mà còn làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn.”


Câu 2:

Giải thích nghĩa của từ “lương tâm”.

Xem đáp án

“Lương tâm”: lương là tốt, thiện, trong sáng; tâm là tâm hồn.

Lương tâm là tâm hồn tử tế, lương thiện.

Hiểu một cách cụ thể hơn, lương tâm là ý thức của một con người đề ra và tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức chi phối suy nghĩ, lời nói, hành động của họ.


Câu 3:

Giải thích ý hiểu của anh/chị về quan điểm: Việc cho đi không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn.

Xem đáp án

Quan điểm: “Việc cho đi không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn” có thể được hiểu là:

+ “Việc cho đi” là giúp đỡ người khác, bởi khi bạn cho đi là bạn đang khiến người khác có được một lợi ích lẽ ra thuộc về bạn.

+ Nhưng cho đi lại “khiến cuộc sống của bạn tốt hơn” bởi bạn bớt đi một lợi ích nhưng bạn có lại được những giá trị khác: niềm vui vì đã chia sẻ, niềm tin vào những điều tử tế, niềm hạnh phúc khi thấy người được giúp đỡ bớt khó khăn,...

+ Tuy nhiên, đừng “cho đi” chỉ vì cảm xúc, tâm trạng, niềm vui của mình. “Cho đi” quan trọng nhất phải từ lòng đồng cảm, muốn được chia sẻ.


Câu 4:

Có ý kiến cho rằng: Xã hội càng văn minh, lòng người càng vô cảm, những nghĩa cử tử tế cứ ngày một ít đi. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao?

Xem đáp án

Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được ý kiến của bản thân về nhận định và bàn luận ngắn gọn về quan điểm của mình.

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Xã hội ngày càng văn minh, lòng người ngày càng vô cảm. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày khi con người quá bận hoặc quá cảnh giác hoặc quá ích kỉ để mở lòng chia sẻ với người khác. Người ta vẫn vội vàng hay hờ hừng đi qua một đứa bé đứng sợ hãi ở góc đường mất phưong hướng khi lạc mẹ. Nhưng tôi tin ở khắp mọi nơi trên Trái Đất này vẫn có những “lương tâm”, có những “nghĩa cử” đáng trân trọng. Bởi “nhân chi sơ tính bản thiện”, sâu thẳm trong mỗi con người vẫn là bản tính thiện lương, chỉ là bị che khuất đi bởi những bon chen, bận bịu,... Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu như mỗi ngày, bạn dành một chút thời gian để quan tâm tới những điều quanh mình, bạn sẽ nhận ra những điều kì diệu. Và bạn cũng sẽ muốn, sẽ làm những điều kì diệu, dù là điều kì diệu nho nhỏ.


Câu 5:

Viết bài luận 200 chữ trình bày quan điểm của em về chủ đề: Cho đi và nhận lại.

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chuug:

- Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết.

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Ÿ Yêu cầu cụ thể:

Hệ thống ý

Dẫn dắt

- Nêu từ khóa: cho đi và nhận lại

Giải thích

- Cho đi là mình chia sẻ những điều mình có với người khác.

- Nhận lại có hai cách hiểu: điều người khác tạo cho mình; điều mình nhận được từ chính hành động, lời nói hay suy nghĩ cho đi của mình.

Phân tích

- Cho đi và nhận lại có mối quan hệ như thế nào?

+ Cho đi và nhận lại là biểu hiện của giao tiếp xã hội. Cho đi tự nguyện và nhận lại với lòng biết ơn và trân trọng.

+ Nếu đã cho đi, bạn chắc chắn sẽ nhận lại một điều gì đó, có thể không từ người mình cho mà từ chính hành vi tốt đẹp của mình.

- Vì sao nói khi cho đi cũng là đang nhận lại?

+ Vì khi cho đi một điều gì đó, mình đang nhận lại chính sự bồi dưỡng tâm hồn, cảm giác nhẹ nhàng khi đã giúp đỡ một ai đó.

+ Đôi khi, cho đi là cách chúng ta học buông bỏ một cách tự nguyện, sẽ bớt đi phần phụ thuộc vào những vật ngoại thân.

Phản biện

Có những người chỉ biết nhận mà không biết cho đi.

+ Người chỉ nhận sẽ dễ trở thành người ích kỷ.

+ Cần phải cân bằng giữa cho và nhận, đó cũng là quá trình rèn luyện bản thân.

Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

Cho đi và nhận lại đều khiến mình hạnh phúc. Hãy thử xem!

Bài làm tham khảo:

      Cho đi và nhận lại, như phép cộng và phép trừ, làm cho cuộc sống cân bằng, mang lại nhiều hơn sự sẻ chia, tình người và hạnh phúc. Như Tố Hữu từng viết: "Nếu là con chim, là chiếc lá/ Thì chim phải hót chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình". Cho chính là trao đi, nhưng là trao một cách tự nguyện, từ tâm. Nhận là đón lấy sự giúp đỡ từ người khác bằng lòng trân trọng và hàm ơn. Có như vậy, cho và nhận mới trở thành nghĩa cử cao đẹp. Không ai chỉ luôn nhận, và chẳng ai chỉ luôn cho. Luôn là sự trao đổi lại qua giữa cho và nhận, bởi ai cũng nằm trong cộng đồng xã hội, đều bị chi phối, phụ thuộc lẫn nhau. Cho không khiến bạn nghèo đi, nhận không khiến bạn hèn kém. Cho là sự sẻ chia, là phép cộng của cảm xúc, bạn cho đi, bạn nhận về bao niềm biết ơn, bạn thấy mình có ích, bạn thấy mình đóng góp ít nhiều, và nó đem lại cho bạn sự hạnh phúc. Khi bạn khó khăn, hãy đừng ngần ngại nhận sự giúp đỡ, bởi người giúp là người mong muốn bạn vượt qua khó khăn, là người trân trọng bạn, yêu thương và quan tâm bạn, bạn nhận không chỉ sự giúp đỡ, mà còn nhận cả tấm lòng. Thế nhưng, cho và nhận hãy biết đúng lúc, đúng cách và đúng người bạn nhé. Không hiếm kẻ đã làm mất đi vẻ đẹp của hai từ cho và nhận. Cho để đánh bóng tên tuổi, hay vì mục đích cá nhân, còn nhận như sự biếng lười, ỉ lại... Những kiểu người như vậy, đừng ban bố cho họ hay hàm ơn họ. Văn minh là sống tử tế, mà trước hết cần phải biết cho và nhận văn minh.


Câu 6:

Phân tích vẻ đẹp bức tranh tứ bình Việt Bắc – Tố Hữu. Từ đó, liên hệ với bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi, để làm rõ những tương đồng, khác biệt trong cách cảm nhận, trong nét vẽ của hai nhà thơ.

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.

- Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Ÿ Yêu cầu cụ thể:

 

 

ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

- Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Việt Bắc

- Đối tượng liên hệ: Cảnh ngày hè

- Dạng bài: phân tích, liên hệ

- Yêu cầu: Học sinh làm sáng rõ về vẻ đẹp cảnh và người Việt Bắc qua bốn mùa. Từ đó, liên hệ với bức tranh trong Cảnh ngày hè để thấy được cách cảm, cách miêu tả cũng như tình cảm, cảm xúc của mỗi nhà thơ. Đây là dạng đề thi xuất hiện trong đề thi tham khảo và chính thức của Bộ năm 2017, là dạng đề rất khó, đòi hỏi người viết về phổ kiến thức rộng, kỹ năng so sánh, bàn luận và biết lý giải.

TIẾN TRÌNH BÀI LÀM

KIẾN THỨC

HỆ THỐNG Ý

NỘI DUNG CẦN ĐẠT

ĐIỂM

CHUNG

Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Tố Hữu được xem là “lá cờ đầu” trong phong trào thơ Cách mạng Việt Nam với những tác phẩm lưu mãi với thời gian. Thơ ông viết về chính trị nhưng không khô khan, mà ngược lại, dễ đi sâu vào lòng người bởi tình cảm và giọng văn trữ tình truyền cảm.

- Việt Bắc được sáng tác trong hoàn cảnh chia ly tiễn biệt giữa quân và dân tại căn cứ địa Việt Bắc sau kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được xem như lời tâm tình chan chứa nỗi niềm của Tố Hữu đối với mảnh đất anh hùng này. Đặc biệt người đọc chắc hẳn sẽ không quên bức tranh tứ bình bằng thơ tuyệt đẹp trong Việt Bắc.

0.5

TRỌNG TÂM

Phân tích vẻ đẹp bức tranh tứ bình

Các em chú ý: Với dạng đề liên hệ, chúng ta sẽ phân tích, làm rõ đối tượng chính (bức tranh tứ bình Việt Bắc), sau đó sẽ đến phần làm rõ một khía cạnh của đối tượng được liên hệ (bức tranh hè của Nguyễn Trãi). Trước hết là bức tranh tứ bình Việt Bắc:

- Bức tranh mùa đông

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Màu đỏ của hoa chuối chính là nét điểm xuyết, là ánh sáng làm bừng lên khung cảnh rừng núi mùa đông Việt Bắc. Đây được xem là nghệ thụật chấm phá rất đắc địa của Tố Hữu giúp người đọc thấy ấm lòng khi nhớ về Việt Bắc. Ánh nắng hiếm hoi của mùa đông hắt vào cọn dao mang theo bên người của người dân nơi đây bất chợt giúp người đọc thấu được đời sống sinh hoạt và lao động của họ. Màu đỏ của hoa chuối quyện với màu vàng của nắng trên đèo cao đã tạo thành một bức trang mùa đông rạng rỡ, đầy hi vọng.

- Bức tranh mùa xuân

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Đọc hai câu thơ này, người đọc dường như mường tượng ra khung cảnh mùa xuân nơi núi rừng thật hiền hòa, dịu êm, ấm áp. Màu trắng của mơ gợi lên một bức tranh nên thơ trên cái nền dịu nhẹ của màu sắc. Hoa mơ được xem là loài hoa báo hiệu mùa xuân ở Tây bắc, cứ vào độ xuân thì, chúng ta sẽ bắt gặp trên những con đường màu sắc ấy. Mùa xuân Tây Bắc, Tố Hữu nhớ đến hình ảnh “người đan nón” với động tác “chuốt từng sợi giang” thật gần gũi. Động từ “chuốt” được dùng rất khéo và tinh tế khi diễn tả về hành động chuốt giang mềm mại, tỉ mỉ của người đan nón. Phải thật sâu sắc và am hiểu thì Tố Hữu mới nhận ra được điều này. Chữ “chuốt” như thổi hồn vào bức tranh mùa xuân ở Việt Bắc, tạo nên sự hòa hợp thiên nhiên và con người.

- Bức tranh mùa hè

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Tiêng ve kêu vang giữa “rừng phách” đã làm nên cái động giữa muôn vàn cái tĩnh. Màu vàng của rừng phách là đặc trưng báo hiệu mùa hè về trên xử sở vùng cao. Tiếng ve như xé tan sự yên tĩnh của núi rừng, đánh thức sự bình yên nơi đây. Từ “đổ” dùng rất đắc điệu, là động từ mạnh, diễn tả sự chuyển biến quyết liệt, lôi cuốn của màu sắc. Bức trang mùa hè chợt bừng sáng, đầy sức sống với màu vàng rực của rừng phách. Ở mỗi bức tranh thiên nhiên, người đọc đều thấy thấp thoáng bóng dáng con người. Có thể nói đây chính là sự tài tình của Tố Hữu khi gắn kết mối tâm giao giữa thiên nhiên và con người. Giữa rừng núi bao la, thấp thoáng bóng dáng “cô gái hái măng” tuyệt đẹp đã khiến cho thiên nhiên có sức sống hơn.

- Và cuối cùng chính là bức tranh mùa thu

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Mùa thu về trên Tây Bắc với hình ảnh ánh trăng dịu, mát lành. Thiên nhiên dường như rất ưu ái cho mùa thu xứ bắc với sự tròn đầy, viên mãn của ánh trăng. Không phải là ánh trăng bình thường, mà trăng nơi đây là trăng của hòa bình, ánh trăng tri kỉ rọi chiếu những năm tháng chiến tranh gian khổ. Chính ánh trăng ấy đã mang đến vẻ đẹp riêng của mùa thu Việt bắc. Tố Hữu nhìn trăng, nhớ người, nhớ tiếng hát gợi nhắc ân tình và thủy chung.

2.5

LIÊN HỆ

Bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày hè

                             “Hoè lục đùn đùn tản rợp giương.

                             Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.

                             Hồng liên tri đã tiễn mùi hương.

                             Lao xao chợ cá làng ngư phủ.

                             Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”

Bức tranh thiên nhiên qua vài nét vẽ, đã hiện lên tràn đầy sức sống. Các sự vật xuất hiện: “hòe”, “thạch lựu”, “hồng liên” là những thực vật tiêu biểu cho cảnh sắc làng quê đất Bắc. Tất cả đang phô nở những nguồn sống mạnh mẽ dù cho đã cuối mùa, cuối ngày. Từ màu sắc cho đến chuyển động, tất cả đều hiện lên mạnh mẽ, quẫy cựa, căng trào. Dù cho cảnh đã vào cuối mùa và thời điểm là cuối ngày. Xen lẫn là tiếng ve làm lao xao cả chốn quê yên ả.

0.5

Nét tương đồng và khác biệt

- Tương đồng: Mỗi tác giả đều dành tình cảm yêu mến, gắn bó với thiên nhiên, với con người. Đều thể hiện tài năng quan sát và miêu tả, tìm được cái hồn cốt, nét đặc trưng, vẻ đẹp của thiên nhiên nơi họ gắn bó.

- Khác biệt và lý giải

+ Với Tố Hữu, qua cái nhìn khái quát theo chiều dài thời gian, được thâu tóm qua những nét đặc trưng nhất của thiên nhiên Việt Bắc thông qua bức tranh bốn mùa. Bức tranh đó được vẽ trong nỗi nhớ và sự hồi tưởng. Bằng cảm xúc mến thương, gắn bó, tự hào của một người chiến sĩ đã từng sống và chiến đấu.

+ Với Nguyễn Trãi, bức tranh cảnh ngày hè là thi hứng trực tiếp, được viết trong một ngày dài rảnh rỗi. Cho nên các sự vật hiện lên sống động, màu sắc. Bức tranh được vẽ trong xúc cảm của một bậc đại nhân nay lui về ở ẩn còn bao nặng lòng với nhân dân, đất nước, mang trong mình bao đau đáu, niềm u hoài. Thế nhưng vẫn thấy một sự gắng, một sự vận động vượt lên nỗi buồn khi thi nhân chìm trong cảnh, tìm thấy niềm vui nơi thiên nhiên quê nhà.

1.0

Bài làm mẫu:

      Trong nền văn học cách mạng Việt Nam, chúng ta từng xúc động khi nghe những câu thơ dậy sóng của Phan Bội Châu, những vần thơ thép của Hồ Chí Minh, và những vần thơ bom đạn phá cuờng quyền của Sóng Hồng. Nhưng có lẽ phải đến thơ Tố Hữu, dòng văn học cách mạng Việt Nam mới thực sự đạt đên trình độ “trữ tình”. Trong đó, bài thơ Việt Bắc được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hũu. Đặc biệt, khi nhắc đến bức tranh tứ bình Việt Bắc, hẳn trong lòng mỗi người dân đất Việt đều rưng rưng về vẻ đẹp cội nguồn, thân thuộc của mảnh đât là lá cờ đầu cách mạng:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

      Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, thơ ông diễn tả những tình cảm cách mạng thật nhẹ nhàng mà cũng thật đậm sâu. Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu nói riêng và của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ đuợc viết vào tháng 10/1954 khi Trung uơng Đảng và Chính phủ Bác Hồ và cán bộ kháng chiến từ giã “Thủ đô gió ngàn” về với “Thủ đô Hoa vàng nắng Ba Đình”. Cả bài thơ là một niềm hoài niệm nhớ thuơng tuôn chảy về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc rất gian khổ nhưng vui tuơi hào hùng. Nhưng có lẽ để lại ấn tuợng sâu đậm nhất trong bài ca Việt Bắc có lẽ là đoạn thơ về bức tranh tứ bình với bốn mùa xuân – hạ - thu – đông.

      Mở đầu đoạn thơ là hai câu thơ giới thiệu nội dung bao quát cảm xúc chung của đoạn thơ:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”

      Câu thơ đầu tiên sử dụng câu hỏi tu từ “mình có nhớ ta” câu thơ thứ hai là tự trả lời điệp từ “ta” lặp lại bốn lần cùng với âm “a” là âm mở khiến câu thơ mang âm huởng ngân xa tha thiết nồng nàn. Với Tố Hữu, nguời cán bộ ra đi không chỉ nhớ đến những ngày tháng gian khổ “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” mà còn nhớ đến vẻ đẹp đáng yêu của hoa cùng người. Ở đây hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc, còn người là con người Việt Bắc với tấm áo chàm nghèo khổ nhưng đậm đà lòng son. Hoa và nguời quấn quýt với nhau trong vẻ đẹp hài hòa đằm thắm để tạo nên cái nét riêng biệt độc đáo của vùng đất này. Chính điều ấy đã tạo nên cái cấu trúc đặc sắc cho đoạn thơ. Trong bốn cặp lục bát còn lại, câu sáu dành cho nhớ hoa nhớ cảnh, câu tám dành cho nhớ nguời. Cảnh và nguời trong mỗi câu lại có những sắc thái đặc điểm riêng thật hấp dẫn.

      Mùa đông với màu xanh tha thiết, ngút ngàn của núi rừng trùng điệp hiện ra đầu tiên. Tác giả khắc họa mùa đông trước có lẽ bởi vì khi người cách mạng đến đây cũng vào mùa đông của đất nuớc, và cũng chính thời điểm ấy sau mười lăm năm, nguời cách mạng cũng từ biệt Việt Bắc – cái nôi cách mạng Việt Nam. Giữa cái nền xanh tuơi của rừng thẳm nổi bật hình ảnh những bông hoa chuối đỏ tuơi, làm cho núi rừng không lạnh lẽo hoang vu mà trở nên ấm áp lạ thuờng. Những bông hoa chuối ẩn trong suơng như những ngọn đuốc hồng soi sáng chặng đường mà ta từng bắt gặp trong bài thơ Tây Tiến: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Cái “đỏ tươi” của hoa chuối như xóa nhòa đi sự lạnh lẽo cô độc của mùa đông lạnh lẽo của núi rừng, như chất chứa, tiềm ấn sức sống của đất trời. Cùng hiện lên với cái lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng chiến khu lên núi làm nương, phát rẫy sản xuất ra nhiều lúa khoai cung cấp cho kháng chiến “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Truớc thiên nhiên bao la, con người dường như càng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng hơn. Ớ đây nhà thơ không khắc họa guơng mặt mà chớp lấy một nét thần tình rực sáng nhất. Đó là ánh mặt trời chớp lóe trên luỡi dao rừng ở ngang lưng. Câu thơ vừa mang ngôn ngữ thơ nhưng lại vừa mang ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh: con người như một tụ điểm của ánh sáng. Con người ấy cũng đã xuất hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất - “đèo cao”. Con người đang chiếm lĩnh đỉnh cao, chiếm lĩnh núi rừng.

      Đông qua, xuân lại tới. Nhắc đến mùa xuân ta liên tuởng ngay đến sức sống mới của cỏ cây, hoa lá, của trăm loài đang cựa mình thức dậy sau mùa đông dài. Mùa xuân Việt Bắc cũng vậy:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang’’

      Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, trong trẻo, tinh khiết của hoa mơ nở khắp rừng: “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”. “Trắng rừng” đuợc viết theo phép đảo ngữ và từ “trắng” đuợc dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc, màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, và làm bừng sáng cả khu rừng bởi sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Động từ “nở” làm sức sống mùa xuân lan tỏa và tràn trề nhựa sống. Mùa xuân càng trở nên tươi tắn hơn nữa bởi sự xuất hiện của hình ảnh con người với hoạt động “chuốt từng sợi giang”. Con người đẹp tự nhiên trong những công việc hằng ngày. Từ “chuốt” và hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay của con người lao động: cần mần, tỉ mẫn, khéo léo, tài hoa, nhanh nhẹn, chăm chút đó cũng chính là phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc.

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

      Tiếng ve kêu là dấu hiệu của mùa hè đã đến. Mùa hè là mùa sôi động, nó khác hẳn với sự ấm áp của mùa đông, sự tinh khôi của mùa xuân, khi mùa hè tới rừng núi Việt Bắc râm ran tiếng ve kêu, màu vàng của hổ phách kết hợp với tiếng ve đã đánh thức sự bình yên nơi đây. Tiếng ve đã phá vỡ sự tĩnh lặng, thể hiện sự chuyển biến thời gian mạnh mẽ. Bức tranh thiên nhiên về mùa hè của núi rừng Việt Bắc sáng rực màu vàng của hổ phách, huyên náo tiếng ve kêu. Ở mỗi bức tranh tác giả luôn kết hợp thiên nhiên với bóng dáng con người, thể hiện sự kết hợp khôn khéo giữa con người và thiên nhiên nơi đây.

      Rồi mùa thu Việt Bắc hiện lên với ánh trăng thu vời vợi làm cảnh núi rừng Việt Bắc trở nên mơ màng, êm ả đầy không khí thanh bình. Từ giữa đêm trăng thu huyền ảo ấy, những tiếng hát ân tình thủy chung của con người Việt Bắc lại được cất lên làm nồng ấm cả lòng người:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

      Ở đây không có tin thắng trận, nhưng lại có tiếng hát nghĩa tình của đồng bào Việt Bắc, là tiếng hát của núi rừng Tây Bắc gắn bó mười lăm năm ròng rã. Tiếng hát “ân tình ” khép lại bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người, gợi cho người đi, kẻ ở và cả những độc giả hiện tại có những rung động sâu xa về tình yêu Tố quốc.

      Từ bức tranh tứ bình Việt Bắc, với thiên nhiên căng tràn, khiến ta chợt liên tưởng ngay sức vận động mạnh mẽ trong Cảnh ngày hè của nhà thơ Nguyễn Trãi:

“Hòe lục đùn đùn tản rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiên mùi hương”

      Bức tranh thiên nhiên qua vài nét vẽ, đã hiện lên tràn đầy sức sống. Các sự vật xuất hiện: “hoè”, “thạch lựu”, “hồng liên”. Những thực vật tiêu biểu cho cảnh sắc làng quê đất Bắc. Xen lẫn là tiếng ve làm lao xao cả chốn yên ả “Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”. Từ màu sắc cho đến chuyển động, tất cả đều hiện lên mạnh mẽ, quẫy cựa, căng trào, phô nở những nguồn sống mạnh mẽ dù cho đã cuối mùa, cuối ngày.

      Và như vậy, có thể thấy mỗi tác giả đều dành tình cảm yêu mến, gắn bó với thiên nhiên, với con người. Đều thể hiện tài năng quan sát và miêu tả, tìm được cái hồn cốt, nét đặc trưng, vẻ đẹp của thiên nhiên nơi họ gắn bó. Tuy nhiên, với Tố Hữu, qua cái nhìn khái quát theo chiều dài thời gian, những nét đặc trưng nhất của thiên nhiên Việt Bắc được thâu tóm thông qua bức tranh bốn mùa. Bức tranh đó được vẽ trong nỗi nhớ và sự hồi tưởng, bằng cảm xúc mến thương, gắn bó, tự hào của một người chiến sĩ đã từng sống và chiến đấu. Còn với Nguyễn Trãi, bức tranh cảnh ngày hè là thi hứng trực tiếp, được viết trong một ngày dài rảnh rỗi. Cho nên các sự vật hiện lên sống động, màu sắc. Bức tranh được vẽ trong xúc cảm của một bậc đại nhân nay lui về ở ẩn còn bao nặng lòng với nhân dân, đất nước, mang trong mình bao đau đáu, niềm u hoài. Thế nhưng vẫn thấy một sự gắng, một sự vận động vượt lên nỗi buồn khi thi nhân chìm trong cảnh, tìm thấy niềm vui nơi thiên nhiên quê nhà.

      Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết: “Thơ đích thực “là ảnh, là nhân ảnh..., từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la”. Những bức tranh thiên nhiên mà các thi nhân đã tạc dựng, đã thức dậy bao yêu thương về đât nước, con người trong lòng độc giả thế hệ trước, nay và cả mai sau.


Bắt đầu thi ngay