IMG-LOGO
Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 5) có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 5) có đáp án

(2023) Đề thi thử ngữ văn minh họa THPT BGD bản cập nhật (Đề 5) có đáp án

  • 437 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 90 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Đọc văn bản:

Gia đình và bạn bè là chốn an toàn mà bạn có thể tìm đến để chia sẻ nỗi niềm. Tuy nhiên, việc tâm sự có thể biến thành hành vi đổ rác khi người khác không đồng ý lắng nghe bạn tâm sự về những buồn phiền, lo lắng, bực dọc và thất vọng của bạn. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến của người khác trước khi bạn bộc bạch nỗi lòng với họ.

Câu hỏi “Tôi có thể tâm sự với bạn một chút được không?” thể hiện bạn tôn trọng họ và hiểu rằng họ cũng có những mối bận tâm riêng. Nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về vấn đề của mình với người khác mà không hỏi trước thì chẳng khác nào bạn xem vấn đề của mình quan trọng hơn vấn đề của họ. Hành xử như thế tức là bạn đang đặt bản thân lên trên sự cảm nhận của người khác, không quan tâm là họ đang trải qua chuyện gì.

Nếu bạn nhận ra mình đang vô cớ xả rác vào cuộc sống của người khác, hãy dừng lại kịp thời. Bạn chỉ nên tâm sự khi người khác đã sẵn sàng lắng nghe. Nếu họ chưa sẵn sàng, bạn cũng đừng trách cứ họ. Thay vào đó, bạn nên tôn trọng quyết định của họ và tìm một thời điểm khác thích hợp hơn để chia sẻ nỗi lòng.

(Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác, mục Lưu ý khi tâm sự với người khác, David J. Pollay, NXB Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2022, tr. 213-214)         

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Xem đáp án
Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: Nghị luận

Câu 2:

Theo tác giả, việc tâm sự có thể biến thành hành vi đổ rác khi nào?

Xem đáp án
Theo tác giả việc tâm sự có thể biến thành hành vi đổ rác khi người khác không đồng ý lắng nghe bạn tâm sự về những buồn phiền, lo lắng, bực dọc và thất vọng của bạn.

Câu 3:

Anh/ chị hiểu như thế nào về từ đổ rác được tác giả sử dụng trong đoạn trích?
Xem đáp án
Có thể hiểu từ đổ rác được sử dụng trong văn bản có nghĩa là: Rác là chất phế thải, thứ bỏ đi trong đời sống. Từ rác trong văn bản ý chỉ những nỗi thất vọng, sự tức giận, cảm giác bất mãn, những điều không tốt đẹp. Và Đổ rác là hành động trút những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, những điều không tốt đẹp mà bản thân đang giữ sang người khác

Câu 4:

Anh/ chị có đồng tình với ý kiến Nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về vấn đề của mình với người khác mà không hỏi trước thì chẳng khác nào bạn xem vấn đề của mình quan trọng hơn vấn đề của họ không? Vì sao?

Xem đáp án

Hs có thể đồng tình, không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình nhưng phải có sự lý giải sao cho phù hợp.

Gợi ý:

- Tôi đồng tình với ý kiến Nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về vấn đề của mình với người khác mà không hỏi trước thì chẳng khác nào bạn xem vấn đề của mình quan trọng hơn vấn đề của họ. Bởi vì tâm sự, chia sẻ là điều cần thiết nhưng đôi khi đối phương đang bận thì sự chia sẻ mà không hỏi trước thì rất khó được chú ý tiếp nhận. Điều chúng ta cần làm trước khi chia sẻ là phải hỏi họ có muốn nghe hay không hoặc có thời gian nghe hay không như vậy mới thể hiện được sự tôn trọng dành cho đối phương và họ mới có thể dễ dàng đồng cảm lắng nghe ta tâm sự.

- Tôi không đồng tình với ý kiến Nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về vấn đề của mình với người khác mà không hỏi trước thì chẳng khác nào bạn xem vấn đề của mình quan trọng hơn vấn đề của họ. Bởi vì thường đối tượng chúng ta tìm đến tâm sự là những người thân, bạn bè. Đã là người thân, bạn bè thì rõ ràng đã có một mức độ tin tưởng dành cho nhau nhất định. Chúng ta thoải mái chia sẻ tất cả những vấn đề mình đang gặp phải và đối phương cũng cởi mở đón nhận và chia sẻ cùng chúng ta bất cứ khi nào.

Câu 5:

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về cách thức tâm sự giúp người khác thấu hiểu vấn đề của mình.
Xem đáp án

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cách thức tâm sự giúp người khác thấu hiểu vấn đề của mình.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề cách thức tâm sự giúp người khác thấu hiểu vấn đề của mình.

Có thể theo hướng:

- Chúng ta chỉ nên tâm sự với người khác về vấn đề của mình khi biết chắc họ đã sẵn sàng lắng nghe, hoặc lựa chọn thời điểm thích hợp.

- Khi có người lắng nghe chúng ta tâm sự, chúng ta cũng nên ý tứ giãi bày nỗi lòng của mình trong một khoảng thời gian nhất định, chứ đừng nói hoài nói mãi không thôi.

- Lắng nghe lại lời khuyên của đối phương với thái độ tích cực, biết nói lời cảm ơn với người đã dành thời gian nghe ta tâm sự.

- Không nên bắt đầu ngay những điều cần tầm sự mà cần có sự dò xét tâm trạng người nghe và có sự mở đầu theo hướng tích cực.

- Đừng quá kì vọng, bắt người khác phải lắng nghe tâm tư của chúng ta. Trước khi tâm sự cũng cần kiểm soát lại vấn đề của mình và tự điều chỉnh nếu có thể trước khi tâm sự.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 6:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

             (Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12,Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.89)

Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét tinh thần bi tráng được thể hiện trong đoạn thơ.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích đoạn thơ; nhận xét về tinh thần bi tráng thể hiện trong đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, tác phẩm “Tây Tiến” và đoạn thơ.

* Phân tích đoạn thơ:

- Diện mạo oai phong, dữ dội:

+ Tác giả sử dụng nhiều từ ngữ, hình ảnh ấn tượng với chi tiết tả thực để miêu tả về người lính: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá” → dấu ấn thực tế chiến đấu gian khổ, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn thuốc men.

+ Chi tiết lãng mạn: “Đoàn binh không mọc tóc” → cách nói chủ động toát lên vẻ ngang tàng, tinh nghịch rất lính tráng và khí thế xung trận át đi vẻ ốm yếu bệnh tật. “Dữ oai hùm” → hình ảnh ước lệ tượng trưng thể hiện khí phách của người lính oai phong lẫm liệt như hổ rừng thiêng – xuất quỷ nhập thần trong nhiệm vụ chiến đấu.

- Tâm hồn hào hoa, lãng mạn: được thể hiện qua sự đối lập giữa cái dữ dằn khốc liệt với cái tình tứ hào hoa.

+ “Mắt trừng” → gợi lên hình ảnh đôi mắt mở to, nhìn chăm chăm về “biên giới” thể hiện sự căm thù sâu sắc và ý chí quyết tâm “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

+ Thế nhưng ẩn chứa ở đó vẫn là vẻ thanh lịch của những chàng trai Hà thành “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” → Nỗi nhớ riêng tư về hình ảnh của các nàng thiếu nữ Hà thành (đó có thể là người yêu, người bạn, người chị, người em gái, ...)

→ Điều đó cũng là một lẽ rất thường tình, rất con người và rất đáng cảm thông, trân trọng. Câu thơ từng bị đánh giá thấp vì mang tinh thần tiểu tư sản, nhưng theo thời gian đã được trả lại sự nhìn nhận đúng đắn → Họ, những người lính Tây Tiến, cũng là những con người bình thường như bao con người bình thường khác nhưng không hề tầm thường. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo hình, sử dụng thủ pháp đối lập giữa ngoại hình và tính cách, có tác dụng làm bật lên vẻ đẹp hình tượng người lính.

=> Vẻ đẹp hào hoa và lãng mạn.

- Ý chí quyết tâm và sự hi sinh anh dũng của người lính Tây Tiến:

+ Từ láy “rải rác” kết hợp các từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ” → gợi lên không khí trang trọng.

+ “Chẳng tiếc đời xanh” → Ý chí quyết tâm của những người lính Tây Tiến, sẵn sàng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” → Họ nằm lại nơi miền “viễn xứ” một cách “rải rác” nhưng không hề nao núng tinh thần, không bị lụy mà trái lại càng hừng hực khí thế trả thù cho đồng đội và giành độc lập cho đất nước.

+“Áo bào thay chiếu anh về đất” → Cách nói giảm nói tránh được thể hiện một cách trang trọng thấp thoáng tinh thần của các tráng sĩ ngày xưa. Họ hi sinh một cách thanh thản vì đã làm trọn nhiệm vụ với đất nước.

+ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” → Sông núi đất trời như hòa lên một khúc nhạc với giai điệu bi tráng như một nghi lễ để tiễn đưa người lính về nơi vĩnh hằng.

- Đánh giá:  Với âm điệu trầm hùng, sử dụng nhiều từ Hán Việt, đoạn thơ đã cho ta thấy được phẩm chất anh hùng cùng vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của những người lính Tây Tiến. Nhà thơ Quang Dũng đã tạc lên một bức tượng đài bằng thơ về người lính Tây Tiến. Đó là vẻ đẹp của thời đại một đi không trở lại của các bộ đội Tây Tiến trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc.
*Nhận xét tinh thần bi tráng thể hiện trong đoạn thơ:
- Tinh thần bi tráng là được thể hiện ở việc không né tránh hiện thực khi miêu tả cái gian khổ, đau thương của hiện tại. Buồn đau mà vẫn hùng tráng, mất mác hi sinh mà vẫn lạc quan. Bi nhưng không phải là bi lụy mà là bi tráng, hào hùng.
- Cái bi thương mờ đi trước lý tưởng quên mình của người lính. Quang Dũng đề cập đến cái chết bằng những từ ngữ rất tinh tế không chỉ không đau thương mà trái lại còn rất hào hùng.
- Lý tưởng của người lính Tây Tiến phảng phất chất anh hùng của các tráng sĩ thời xưa – xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. 

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Bắt đầu thi ngay