Thứ sáu, 22/11/2024
IMG-LOGO
Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2024) Đề minh họa tham khảo BGD môn Văn có đáp án (Đề 4)

(2024) Đề minh họa tham khảo BGD môn Văn có đáp án (Đề 4)

(2024) Đề minh họa tham khảo BGD môn Văn có đáp án (Đề 4)

  • 240 lượt thi

  • 4 câu hỏi

  • 45 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Anh/Chị hiểu như thế nào về hình ảnh “chiếc thẻ xanh” ở cuối văn bản?

Xem đáp án
Hình ảnh “chiếc thẻ xanh” ở cuối văn bản: Cũng giống như tấm thẻ xanh dùng để công nhận những hành động đẹp trong bóng đá, “chiếc thẻ xanh” trong đời thường không mang hình dáng rõ rệt của tấm thẻ trọng tài nhưng vẫn cho thấy sự trân trọng, tôn kính của mọi người đối với những con người có hành động đẹp.

Câu 2:

Qua văn bản, anh/chị suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc biết nhìn nhận và sửa chữa sai lầm?

Xem đáp án

Ý nghĩa của việc biết nhìn nhận và sửa chữa sai lầm:

- Trong cuộc sống, không ai không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm, phạm phải nhiều lỗi lầm theo những mức độ khác nhau nên việc nhận lỗi và sửa lỗi sẽ khiến bản thân ra tốt lên từng ngày, giúp ta hoàn thiện nhân cách, đồng thời lấy lại niềm tin của người khác đối với mình.

- Người biết nhận lỗi và sửa lỗi là người biết nhìn nhận thực tế, sẽ được người khác nhìn nhận và đánh giá cao,…

Câu 3:

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết của việc lắng nghe trong cuộc sống.
Xem đáp án

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sự cần thiết của việc lắng nghe trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ, quan điểm của bản thân về ý nghĩa của việc chấp nhận thay đổi trong cuộc sống.

Có thể theo hướng:

- Lắng nghe là quá trình chủ động, tập trung, trong đó người nghe phải nhẫn nại, chân thành lắng nghe những thanh âm cuộc sống quanh mình hoặc lắng nghe người khác bộc bạch, chia sẻ, trình bày quan điểm, ý kiến, ... về những câu chuyện của họ.

- Việc lắng nghe đem đến cho cơ hội được sở hữu chiếc chìa khóa diệu kỳ mở cánh cửa khám phá những điều tuyệt vời từ cuộc sống muôn màu.

- Lắng nghe tạo nhịp cầu kết nối con người: “Người hạnh phúc là người lắng nghe; kẻ bất hạnh là kẻ thổ lộ”. Khi lắng nghe người khác, ta sẽ biết đặt mình vào vị trí của họ; để cảm thông với họ, thay vì vội vàng đưa ra những nhận định, phán xét, định kiến phiến diện, tiêu cực, khiến họ bị tổn thương. Biết lắng nghe, mỗi người sẽ sống bao dung, vị tha, chân thành hơn.

- Lắng nghe giúp mỗi người tự rèn luyện cho mình tính nhẫn nại, kiên trì để đúc rút cho mình những bài học, kinh nghiệm quý báu

- Lắng nghe là cách mỗi người thể hiện thái độ tôn trọng người khác, đồng thời nắm bắt thành công theo cách riêng của mình.

- Lắng nghe cũng là con đường hóa giải các xung đột, mâu thuẫn lớn nhỏ trong đời sống, xã hội ...

Câu 4:

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa ...” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó ...

(Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD VN, 2018, tr.118)

Phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về việc vận dung chất liệu văn học dân gian của tác giả.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích đoạn thơ trích “Đất nước”. Từ đó, nhận xét về việc vận dung chất liệu văn học dân gian của tác giả.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận: tác giả Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm “Đất nước”, và đoạn trích.

* Phân tích đoạn thơ

- 4 câu đầu: Cảm nghĩ về sự ra đời và lớn lên của ĐN

+ Hai chữ “Đất Nước” được nhà thơ viết hoa thể hiện sự thành kính thiêng liêng mang niềm tự hòa sâu sắc của tác giả khi viết về đất nước.

+ Câu thơ mở đầu như một lời khẳng định ngắn gọn, giản dị về sự hình thành của Đất Nước “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Đặt cội nguồn Đất Nước trong mối quan hệ gắn kết với hành trình trưởng thành của mỗi người, tác giả vừa gợi ra chiều dài lịch sử của Đất Nước vừa khẳng định Đất Nước là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người ngay từ khi sinh ra.

+ Cội nguồn Đất Nước còn gắn với những truyện cổ tích quen thuộc:

Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể

Cụm từ "ngày xửa ngày xưa" gợi nhắc đến những truyện cổ tích ngọt ngào mẹ thường kể. Để rồi từ đó, dáng hình của Đất Nước dần hiện diện trong những điều bình dị và gần gũi. Đất Nước tựa như một sinh thể, cùng ta lớn lên, cùng ta trưởng thành, nuôi dưỡng tâm hồn ta bằng những tình cảm chân thành, trong sáng nhất.

+ Đất Nước tươi đẹp, thanh bình như huyền thoại của chúng ta bắt đầu hình thành từ phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống, lối sống cao đẹp:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Câu thơ gợi về sự tích trầu cau, không chỉ nói về truyền thống người Việt với tục ăn trầu, nhuộm răng, miếng trầu tiếp khách, miếng trầu giao duyên, miếng trầu đo phẩm hạnh mà còn hàm ý ngợi ca truyền thống thủy chung nghĩa tình của dân tộc.

+ Đất Nước lớn lên trong quá trình sựng nước và giữ nước của nhân dân, trưởng thành bền bỉ qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm:

“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Lời thơ gợi nhớ truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân thủa xa xưa và hình ảnh cây tre Việt Nam trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Cây tre đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, một dân tộc trải qua nhiều đau thương, máu lửa, luôn phải đương đầu với kẻ thù tàn bạo nhất, nhưng luôn kiên cường, bất khuất, anh dũng bảo vệ quê hương, xứ sở.

- 5 câu còn lại: Đất Nước hiện hữu trong đời sống sinh hoạt, những vật dụng giản dị, gắn bó trong đời sống.

+ Đất Nước hình thành từ thuần phong mĩ tục qua cách búi tóc của mẹ

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Hình ảnh búi tóc của mẹ đơn sơ, bình dị, vừa gợi tả được vẻ đẹp giản dị, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam, vừa khẳng định phẩm chất chịu thương chịu khó, đức tính cần cù của những người mẹ vất vả một nắng hai sương nuôi con khôn lớn. Vẻ đẹp này không bao giờ bị ngoại lai dù trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc và cũng từng được ca ngợi trong ca dao

+ Đất Nước còn hiện hữu qua ở lối sống nghĩa tình chung thủy của dân tộc:

“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”:

Hình ảnh “muối mặn, gừng cay” gợi nhắc tới nghĩa tình vợ chồng chung thủy, đồng cam cộng khổ. Dẫu cuộc đời trăm đắng ngàn cay, nhưng nghĩa tình chồng vợ vẫn vẹn nguyên mặc cho vật đổi, sao rời. Tình nghĩa yêu thương, chung thủy của mẹ cha là một yếu tố làm nên diện mạo tinh thần của Đất Nước.

+ Đất Nước còn hiện lên thật bình dị, thân thương qua những cái thuần Việt:

"Cái kèo cái cột thành tên".

Câu thơ gợi tả một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Người Việt Nam đặt tên con không cầu kì, xa lạ, kiểu cách. Họ lấy ngay những bộ phận của ngôi nhà đặt tên cho con cái. Những cái kèo, cái cột vô tri, bỗng trở thành tên gọi của những đứa con. Những cái tên nôm na, dân dã (kèo, cột) gợi nhắc một yếu tố văn hóa của người Việt (người Việt có truyền thống dựng tre làm nhà để ở) đồng thời cho thấy sự gắn bó tha thiết của họ với ngôi nhà thân thuộc cũng như cũng như cuộc sống nghèo khó, sự mộc mạc, chân chất của người dân Việt Nam.

+ Đất Nước hình thành từ cuộc sống lao động vất vả nhưng cần cù chịu thương, chịu khó của người Việt:

Hạt gạo phải một nắng hai sương say giã, giần sàng

Một nắng hai sương” là thành ngữ chỉ sự gian nan, vất vả, cực khổ, nhọc nhằn lam lũ của người nông dân. Các động từ “xay giã, giần sàng” diễn tả những công việc nhọc nhằn mà người nông dân đã trải qua để làm hạt gạo. Ông bà cha mẹ chúng ta đã trải qua bao gian nan, “một nắng hai sương” đã đổ bao mồ hôi với bao công việc của nhà nông nhọc nhằn “xay giã, giần sàng”,… mới làm ra hạt gạo dẻo thơm. Hạt gạo là vật chất cũng là sự sống, là cội nguồn văn hóa dân tộc. Truyền thống lao động tốt đẹp của nhân dân cũng là một phần của hồn nước.

+ Lời khái quát kết lại đoạn thơ “Đất Nước có từ ngày đó…”

Hai tiếng “ngày đó” gợi lên cảm nhận về khoảng thời gian lâu thật lâu và xưa thật xưa cùng với dấu ba chấm “…” khiến câu thơ như được ngân dài hơn, tha thiết và sâu lắng hơn. Và lời khẳng định cũng trở nên thấm thía hơn, không biết cụ thể đất nước có từ thời gian nào, chỉ biết Đất Nước được hình thành cùng với những truyền thống văn hóa, những phong tục tập quán, những sinh hoạt bình dị của người Việt,…

Như vậy, chín câu thơ đầu là cảm nhận mới mẻ, sâu sắc về sự hình thành và phát triển lâu đời của đất nước.

* Đánh giá

- Nghệ thuật: Đoạn thơ hội tụ nhiều nét đặc sắc của nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm: thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn tuôn trào theo mạch cảm xúc, hệ thống hình ảnh gần gũi thân thuộc, sử dụng thi liệu văn hóa, văn học dân gian sáng tạo, giọng thơ vừa triết luận vừa thủ thỉ tâm tình ...

- Qua đoạn thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã trình bày được một ý niệm về cội nguồn Đất Nước thật độc đáo, hấp dẫn; vừa thiêng liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều sâu văn hoá lịch sử, vừa bình dị thân quen với cuộc sống hàng ngày. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm ý niệm về đất nước của nhân dân cho thơ ca hiện đại.

* Nhận xét cách vận dụng chất liệu văn học dân gian của tác giả

- Chỉ một đoạn thơ ngắn nhưng đã sử dụng rất nhiều chất liệu văn học dân gian quen thuộc: truyện cổ tích, truyền thuyết, ca dao, thành ngữ, ...

- NKĐ đã sử dụng rất tài tình và hiệu quả chất liệu trên. Nhà thơ không chỉ ra một bài nào cụ thể cũng không trích nguyên văn một câu nào trọn vẹn mà chỉ dẫn ra, gợi ra qua vài từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu để người đọc tự liên hệ, cảm nhận. Những chất liệu văn hóa dân gian ấy đã tạo nên một thế giới nghệ thuật vừa gần gũi, quen thuộc, vừa sâu xa kì diệu, bay bổng đủ sức gợi lên được hồn thiêng sông núi. Điều đó, không chỉ đơn thuần là thủ pháp nghệ thuật, cũng không phải chỉ là tiếp thu có sáng tạo văn học dân gian. Có thể nói, tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân”, tư tưởng chủ đạo của chương thơ đã thấm nhuần từ quan niệm đến cảm xúc, từ hình tượng đến chi tiết nghệ thuật của tác phẩm.

 


Bắt đầu thi ngay


Có thể bạn quan tâm


Các bài thi hot trong chương