Thứ sáu, 22/11/2024
IMG-LOGO

Đề 18

  • 5937 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Phn I. Đọc hiu (3,0 đim)

 Mặc dù chúng ta đang có một cuộc sống đầy đam mê và có những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, nhưng chúng ta hẳn cũng khó lòng tránh được có lúc lâm vào nghịch cảnh. Liệu chúng ta sẽ đứng dậy sau cơn phong ba đó, hay hoàn toàn bị gục ngã. Điều này phụ thuộc vào cách chúng ta đối đầu với chúng. Trước những thác ghềnh, chông gai trên đường khiến chúng ta cảm thấy nản lòng và hoài nghi, thì niềm tin mãnh liệt vào bản thân là điều cần thiết hơn bao giờ hết để chúng ta vượt qua những trắc trở đó.

Đôi khi niềm tin chúng ta có được cũng chỉ đơn giản là học được từ người khác. Tìm hiểu xem những người đi trước đã đối phó với khó khăn tương tự như thế nào giúp chúng ta tìm ra giải pháp cho mình. Những tấm gương về những con người đầy nghị lực và giàu lòng quả cảm, có khả năng trụ vững sau bao cơn giông tố của cuốc đời luôn là tâm điểm cho chúng ta noi theo.

Đó là nghị lực của Walt Disney trong việc thực hiện ước mơ của mình sau năm lần phá sản. Bất chấp số phận, Helen Keller đã không cam chịu để người đời thương hại. Ngược lại bà đã dũng cảm vượt qua nghịch cảnh, trở thành tấm gương sáng cho hàng triệu người noi theo…

Niềm tin vào bản thân là nội lực thúc đẩy thái độ tích cực, dẫn dắt chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Thành công không bao giờ đến với những ai yếu đuối và có thái độ buông xuôi.

          ( Điều kì diệu của thái độ sống, Mac Anderson, NxbTổng hợp TP.Hồ Chí Minh năm 2008, tr14)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Văn bản tập trung bàn về vấn đề gì?

Xem đáp án
Văn bản tập trung bàn về niềm tin và sức mạnh nghị lực của con người trong cuộc sống mỗi khi gặp khó khăn, thử thách.

Câu 2:

Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu:"Trước những thác ghềnh, chông gai trên đường khiến chúng ta cảm thấy nản lòng và hoài nghi, thì niềm tin mãnh liệt vào bản thân là điều cần thiết hơn bao giờ hết để chúng ta vượt qua những trắc trở đó."

Xem đáp án

Biện pháp tu từ được sử dụng: Ẩn Dụ (thác ghềnh, chông gai)

Tác dụng:

+ Làm cho cách diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình, gợi cảm.

+ Đồng thời nhấn mạnh vào những khó khăn thử thách ta gặp phải sẽ rất khó để vượt qua. Qua đó thể hiện quan điểm của tác giả: chỉ cần có niềm tin, chúng ta sẽ chiến thắng nghịch cảnh.


Câu 3:

Theo anh/ chị, việc đưa ra dẫn chứng hai nhân vật Walt Disney Helen Keller có tác dụng gì?

Xem đáp án
Việc đưa dẫn chứng hai nhân vật Walt Disney và Helen Keller giúp cho việc lập luận có sức thuyết phục người đọc, khẳng định sức mạnh niềm tin, sức mạnh nghị lực là điều có thật.

Câu 4:

Anh chị có đồng tình với quan điểm: Đôi khi niềm tin chúng ta có được cũng chỉ đơn giản là học được từ người khác hay không? Vì sao?

Xem đáp án

     HS có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần trên cơ sở lập luật chặt chẽ, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

- Khẳng định đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần (0.25)

- Trình bày ngắn gọn nguyên nhân ( 0.75)

Gợi ý: Trường hợp đồng tình một phần. Xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Em đồng tình bởi vì như trên văn bản có nói "tìm hiểu xem người đi trước đã đối phó với khó khăn tương tự như thế nào giúp chúng ta tìm ra giải pháp cho mình". Đây là một cách rất tốt đối với những người đang gặp phải khó khăn nhưng không biết phải làm thế nào để tiếp tục. Vì vậy cho nên khi có một tấm gương đầy nghị lực sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn đó để thành công.

- Tuy nhiên, ý chí thực chất chỉ xuất hiện khi bản thân có niềm tin mãnh liệt vào chính mình, đây mới là điều cần thiết để chúng ta đối phó với khó khăn. Nếu chúng ta chỉ nhìn những tấm gương từ người khác mà chúng lại không tin vào bản thân thì cũng không đem lại kết quả gì.

Câu 5:

Phn II. Làm văn (7,0 đim)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sức mạnh nghị lực của con người trong cuộc sống.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

    Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: về sức mạnh nghị lực của con người trong cuộc sống.

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về sức mạnh nghị lực của con người trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:

 - Nghị lực chính là sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn, thử thách.
-  Sức mạnh nghị lực của con người trong cuộc sống:

+ Nghị lực mang đến thành công trong cuộc sống.Ý chí nghị lực của con người không phải tự nhiên sinh ra, mà nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống. Muốn có nghị lực, ta phải rèn luyện, đi từ gian khó mà lên.

+ Nghị lực tạo sự bản lĩnh và dũng cảm.Người có nghị lực là người luôn đương đầu với mọi khó khăn thử thách, là người dám nghĩ , dám làm, dám sống. Câu chuyện về chàng trai Nguyễn Sơn Lâm, chỉ cao chưa đầy một mét, đi phải chống nạng nhưng lại giỏi ba thứ tiếng, từng thi Việt Nam Idol 2010, năm 2011, anh là người đã chinh phục đỉnh Phanxipăng và trở thành người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi này mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

+ Nghị lực giúp ta khắc phục mọi khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai. Người phương tây từng nói "hãy hướng về ánh sáng, mọi bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn", Nick Jivucic từng nói " Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời", chị Đặng Thùy Trâm từng nói "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố"... tất cả đều chứa đựng trong đó những thông điệp lớn lao về ý chí và nghị lực.

- Bài học nhận thức và hành động: Để rèn luyện nghị lực, mỗi người phải rèn ở ba phương diện đó là: suy nghĩ, quyết định và hành động. Vì vậy, để được gọi là người có nghị lực, ta phải đạt mức: suy nghĩ thông sâu, sáng kiến; tinh thần quyết đoán và hành động bền bỉ, tự chủ. Những đức tính này phải trung hòa, nếu thái quá sẽ có hại cho nghị lực

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 6:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
 Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
 Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
 Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
 Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
 Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
 Có nội thù thì vùng lên đánh bại.

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
 Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
 Dạy anh biết " yêu em từ thuở trong nôi"
 Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
 Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
 Đi trả thù mà không sợ dài lâu
 (
Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm)

Cảm nhận của anh/ chị về tư tưởng Đất Nước của nhân dân trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ

Xem đáp án

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn thơ ( có ý phụ)

     Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.(Nếu cảm nhận đoạn thơ mà không làm rõ ý phụ phần nhận xét thì không tính điểm cấu trúc)

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Tư tưởng Đất Nước của nhân dân trong đoạn thơ; cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

– Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và trường ca “Mặt đường khát vọng”, chương Đất Nước.

– Nêu vấn đề cần nghị luận

3.2.Thân bài: 3.50

a. Khái quát về trường ca, chương V, đoạn thơ: 0.25 đ

 - Trường ca “Mặt đường khát vọng” được tác giả hoàn thành  năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên. Trường ca gồm 9 chương. Đất Nước là phần đầu chương V bản trường ca này. Đoạn trích là những suy nghĩ của tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều góc độ văn hoá với tư tưởng chủ đạo là “Đất Nước của Nhân Dân”.

- Vị trí của đoạn thơ.

b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật đoạn thơ: 2.5đ

b.1. Về nội dung: (2.0đ)

* Bảy dòng thơ đầu:

- Với tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, tác giả đã khẳng định tất cả những gì do nhân dân làm ra, những gì thuộc về nhân dân như hạt lúa, ngọn lửa, giọng nói, tên xã, tên làng… Nhân dân – lực lượng đông đảo nhất, vĩ đại nhất và cũng thầm lặng nhất, kiên cường bền bỉ để tạo dựng và làm ra đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân dân ta vừa giữ hạt lúa cho đời sau cũng có nghĩa là truyền giữ một nền văn minh lúa nước, truyền giữ một điều kiện cơ bản để cho dân tộc tồn tại và phát triển. Mặc cho bao cuộc xâm lăng, bao cuộc đồng hóa, bao cuộc hủy diệt, nhân dân ta vẫn giữ được hạt lúa cho giống nòi, đó là vẻ đẹp đáng ca ngợi nhất. Chủ ngữ của câu thơ là “họ”, đem đến cảm giác về sự đông đảo đã khẳng định công lao to lớn của nhân dân đối với đất nước.

- Một nét đẹp văn hóa mà khi nói về một đất nước nào đó thường được đề cập đầu tiên đó là ngôn ngữ giọng điệu của nhân tộc. Quá trình lịch sử của dân tộc ta là một quá trình vận động di dân từ đất Tổ Hùng Vương đến mũi Cà Mau. Trong quá trình di dân đó, giọng điệu và tiếng nói của dân tộc không hề bị thay đổi, đó là một ý thức dân tộc cao độ, còn tiếng nói là con đất nước Tổ quốc. Nhân dân đã truyền giọng điệu mình cho con tập nói. Tiếng nói là của cải tinh thần vô giá, là một trong những yếu tố làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc, là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của một cộng đồng xã hội. Tiếng nói ấy trường tồn và phát triển cùng đất nước bất chấp hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc, cùng bao nhiêu cuộc chiến tranh, bất chấp tất cả những âm mưu đồng hóa của mọi kẻ thù xâm lược. Đó là nhờ công sức và tấm lòng của nhân dân từ bao đời nay, qua những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, qua những lời ca, điệu hát dân gian, qua sự trong trẻo, thâm trầm của thế giới thần thoại, cổ tích, người xưa đã truyền lại cho con cháu không chỉ những tình cảm thắm thiết, ân tình, những bài học đạo lí, những kinh nghiệm sâu sắc, trí tuệ mà còn cả tiếng nói, ngôn ngữ của từng vùng miền, của cả dân tộc.

- Nhân dân còn trân trọng giữ gìn cả những địa danh thân thuộc của quê hương đất nước:

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.

  Trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, trong sự vận động và phát triển của lịch sử đất nước, nhân dân có thể có những thay đổi nơi cư trú vì chiến tranh, vì mưu sinh, hoặc để hưởng ứng những chủ trương chính sách của Nhà nước đưa nhân dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Hành trang người dân mang theo trong mỗi “chuyến di dân” không chỉ là đồ đạc, lương thực. Bên cạnh những giá trị vật chất còn là những giá trị tinh thần thiêng liêng quý giá. Động từ “gánh” khiến những khái niệm trừu tượng như “tên xã, tên làng” bỗng trở nên cụ thể hữu hình, đó không đơn thuần chỉ là địa danh, những cái tên được mang theo trong mỗi chuyến di dân đã trĩu nặng tình yêu và nỗi nhớ, nhất là sự thiêng liêng ấm áp của nơi chôn nhau cắt rốn. Họ mang theo những tên xã, tên làng đặt cho vùng đất mới, không chỉ để làm dịu vợi phần nào nỗi nhớ quê hương, mà còn để nhắc nhở con cháu về cội nguồn quê cha đất Tổ, về những truyền thống văn hóa, những thuần phong mĩ tục của quê hương bản quán.

- Nhân dân còn xây dựng những nền tảng vững chắc cho đời sau an cư lạc nghiệp:

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái.

  Nghĩa của các cụm từ “đắp đập”, “be bờ” đều gợi lên sự vun vén cho đầy đặn, vững chắc hơn. Đây là hình ảnh thể hiện sự chăm chút ân cần của những người đi trước với con cháu đời sau, nhân dân kiên nhẫn, cần mẫn, đắp đập be bờ cho thế hệ sau yên tâm trồng cây hái trái. Sự khác nhau giữa hai cụm động từ đầu và cuối cả về thời gian và tính chất công việc đã thể hiện đức hi sinh lớn lao cao thượng của những người đi trước: họ vất vả lo lắng làm lụng nhưng có thể chẳng được hưởng thành quả lao động của mình, “cây” và “trái” hầu như chỉ dành cho đời sau, nhưng họ vẫn “bình tâm”, thanh thản, mãn nguyện vì hi vọng con cháu được hưởng phúc, được sung sướng, ấm no từ sự chuẩn bị chu đáo, trìu mến của mình.

- Khi đất nước có chiến tranh, với truyền thống giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, nhân dân lại là những người xông pha nơi hòn tên mũi đạn, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ sự bình yên cho đất nước:

Có ngoại xâm thì chống giặc ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại.

   Cấu trúc hô ứng “có... thì” điệp lại liên tiếp trong hai dòng thơ cùng những động từ mạnh như: “chống”, “vùng”, “đánh bại” khiến giọng điệu thơ rắn rỏi đanh thép, cho thấy tinh thần tự nguyện cao độ của nhân dân trong những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Tác giả đã khái quát và ngợi ca lịch sử hào hùng của một dân tộc trên suốt hành trình dựng nước và giữ nước. Dân tộc ấy chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục trước bất kì thế lực nào. Nhân dân không chỉ đánh đuổi ngoại xâm để giành lấy tự do mà còn tiêu diệt nội thù để đất nước hòa bình, thống nhất. Nhân dân đã tạo lập và truyền lại cho ta đất nước của nhân dân hiền hòa, bình dị mà anh hùng, quật cường .

* Sau dòng thơ sau: Nhân dân chính là người là chủ thể làm nên đất nước

- Nhà thơ khẳng định “Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân”, đã thể hiện chân thành tình cảm của nhà thơ đối với dân tộc. Hơn ai hết, nhà thơ hiểu rằng, để có được Đất Nước trường tồn, vĩnh cửu thì nhân dân là những người đã đổ máu xương, đổ công sức của mình để làm nên hình hài đất nước. Vì thế, Đất Nước không của riêng ai mà là của chung, của nhân dân và mãi mãi thuộc về nhân dân.

- “Đất Nước của ca dao thần thoại”. Nhắc đến ca dao thần thoại, ta lại càng nhớ đến nhân dân, vì hơn ai hết, nhân dân lại là người sáng tạo ra văn hóa dân gian. Đất nước của “ca dao thần thoại” nghĩa là Đất Nước đẹp như vầng trăng  cổ tích, ngọt ngào như ca dao, như nguồn sữa mẹ nuôi ta lớn nên người. Và không phải ngẫu nhiên tác giả nhắc tới hai thể loại tiêu biểu nhất của văn học dân gian:

+ “Thần thoại” thể hiện cuộc sống qua trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân.

+ Còn “ca dao” bộc lộ thế giới tâm hồn của nhân dân với tình yêu thương, với sự lãng mạn cùng với tinh thần lạc quan.

+ Đó là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và có khả năng phản chiếu tâm hồn, bản sắc dân tộc một cách đậm nét nhất.

- Và khi nói đến “Đất nước của Nhân dân” một cách tự nhiên, tác giả trở về với cội nguồn phong phú đẹp đẽ của văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là trong ca dao. Ở đây, tác giả chỉ chọn lọc ba câu ca dao tiêu biểu để nói về ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc:“Dạy anh… dài lâu”

+ Ở phương diện thứ nhất, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh về tình cảm thủy chung trong tình yêu của con người Việt Nam. Từ ý trong bài ca dao “Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”, nhà thơ đã viết nên lời chân tình của chàng trai đang yêu “Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”. Tình yêu của chàng trai ấy không phải là ngọn gió thoáng qua, không phải là lời của bướm ong, mà là lời nói là nghĩ suy chân thật. Ý thơ đã khẳng định được một tình yêu thủy chung bền vững. không gì có thể đong đếm được. Nhân dân dạy ta biết yêu thương chân thành, lãng mạn, đắm say … Đây là phát hiện mới của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ từ xưa đến nay, nói đến nhân dân, người ta thường nghĩ đến những phẩm chất cần cù chịu khó, bất khuất kiên cường. Còn ở đây, tác giả lại ngợi ca vẻ đẹp trẻ trung lãng mạn trong tình yêu, những mối tình từ thưở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

+ Ở phương diện thứ hai, Nhân dân gìn giữ và truyền lại cho ta quan niệm sống đẹp đẽ, sâu sắc. Ca dao đã “dạy anh biết” – Sống trên đời cần quý trọng tình nghĩa, phải  “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Câu thơ này lấy ý từ  bài ca dao “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”. Nhân dân đã dạy ta rằng: ở đời này còn có thứ quý hơn vàng bạc, châu báu ngọc ngà… Đó là tình nghĩa giữa con người với con người. Bởi vậy, nghĩa với tình còn nặng hơn nhiều lần giá trị vật chất.

+ Ở phương diện thứ ba, nhân dân đã dạy ta phải biết quyết liệt trong căm thù và chiến đấu: “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Câu thơ lấy ý tưởng từ bài ca dao: Thù này ắt hẳn dài lâu/Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què. Đó là những nét truyền thống đẹp đẽ nhất của nhân dân, những phẩm chất đặc trưng nói lên tâm hồn, tính cách và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong suốt trường kì lịch sử, tất cả tạo nên gương mặt một Đất nước tình nghĩa mà anh hùng, hiền hòa mà bất khuất.

- Có thể nói, tuổi trẻ thế hệ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức được một cách sâu sắc Nhân dân là người làm nên lịch sử, làm ra văn hóa đất nước bằng tất cả tình cảm trân trọng và yêu thương. Suy tư và nhận thức này của nhà thơ là tư tưởng nghệ thuật đã trở thành truyền thống trong văn học Việt Nam.Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu …đã từng nói lên nhận thức về vai trò của nhân dân trong lịch sử. Đến các nhà thơ, nhà văn trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhận thức ấy đã được nâng lên thành một tư tưởng có tầm cao mới.

- Từ đó, đọan thơ bồi dưỡng thêm tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào về con người Việt Nam cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời đaị hôm nay.

b.2.Về nghệ thuật: ( 0.5)

   Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, trang trọng; ý thơ giàu chất chính luận, ngôn ngữ thơ mộc mạc, cách sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học dân gian… từ những suy tư cảm xúc của nhà thơ, đoạn thơ đã khắc sâu cho chúng ta những nhận thức sâu sắc và mới mẻ về đất nước nhân dân.

c. Nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ:0.75đ

- Biểu hiện: Nhà thơ đã vận dụng thành công chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn thơ. Những chất liệu ấy vừa quen thuộc (gần gũi với cuộc sống của mỗi con người Việt Nam) vừa mới lạ (với những sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn):

+ Chất liệu dân gian được sử dụng rất đa dạng, phong phú, đều gần gũi, quen thuộc với mỗi con người Việt Nam: Có ca dao, dân ca, …  

+ Cách vận dụng độc đáo, sáng tạo: Vận dụng ca dao nhưng dẫn dắt khéo léo, khi lấy nguyên vẹn toàn bài, khi chỉ mượn ý mượn tứ để khẳng định, tôn vinh những nét đẹp trong sinh hoạt và tâm hồn con người Việt Nam. Đó là sự chăm chỉ chịu thương, chịu khó; là tấm lòng thủy chung son sắt trong tình yêu; là sự duyên dáng, ý nhị trong từng lời ăn tiếng nói...

- Ý nghĩa: Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng. Hơn nữa, có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật của nhà thơ. Từ đó có thể khẳng định: nhân dân đã làm ra văn hóa, làm ra đất nước bằng chính tính cách, lẽ sống tâm hồn mình. 

3.3.Kết bài: 0.25

-  Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn thơ;

- Nêu cảm nghĩ về tình yêu đất nước, lòng biết ơn Nhân dân…

4. Sáng tạo                                                   

    Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        

    Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Bắt đầu thi ngay

Bài thi liên quan