Thứ sáu, 22/11/2024
IMG-LOGO

Đề 19

  • 5938 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Phn I. Đọc hiu (3,0 đim)

Nguyên tắc mở rộng thành công

Đây là một ý tưởng mạnh mẽ có thể cách mạng hóa cuộc sống và sự nghiệp nếu bạn bám vào tận gốc rễ của nó: cuộc sống rộng ra hoăc co lại tùy vào ý chí muốn tiến thẳng vào nỗi sợ của mình. Hãy thực hiện những gì bạn sợ, bạn sẽ tỏa sáng. Chạy trốn nỗi sợ khiến bạn cũng lùi xa sự vượt trội. Điều đó nhắc tôi nhớ lời Frank Herbert đã viết trong tác phẩm Xứ cát: “Tôi không được quyền sợ. Sợ hãi là kẻ hủy diệt tâm trí. Sợ hãi là cái chết sẽ dần dẫn ta đến chỗ hoàn toàn tiêu vong. Tôi phải đối mât nỗi sợ. Tôi sẽ cho phép nó đi qua đời mình. Và khi nó đi qua, tâm trí tôi sẽ quay lại nhìn chặng đường của nó. Nơi nỗi sợ đi qua sẽ không có gì. Chỉ mình tôi còn lại.”

Khi dám đối mặt với hoàn cảnh nào khiến bạn cảm thấy bất an, sợ hãi, kết quả đạt được sẽ rất đáng khích lệ. Thay vì chạy đến cánh cửa thoát hiểm nào đó, bạn vẫn đứng vững và thực hiện điều bạn biết mình nên làm. Trước hết, bạn sẽ thấy nỗi sợ chẳng qua chỉ là ảo giác. Thứ đến, bạn nhận được phần thưởng cho lòng can đảm, bởi vì bên kia cánh cửa của bất cứ nỗi sợ nào cũng đều có sẵn những món quà lộng lẫy, món quà của sự trưởng thành nhân cách, lòng tự tin, sự khôn ngoan. Tôi vẫn nhiều lần chứng kiến điều này trong cuộc đời.

Tôi tin đó là qui luật của cuộc sống. Vậy hãy hướng đến nỗi sợ. Chỉ cần khởi đầu từng bước nhỏ thôi, nhưng trong các cuộc đua, chậm mà chắc sẽ luôn chiến thắng. Hãy chứng kiến thành công bạn đáng được hưởng đang dần hiện ra. Vào đúng lúc bạn cần nó nhất.

 (Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, Người dịch: Phạm Anh Tuấn,Nhà xuất bản Trẻ,2014,tr 15)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Ý tưởng mạnh mẽ mà tác giả nói đến trong văn bản là gì?

Xem đáp án
Ý tưởng mạnh mẽ mà tác giả nói đến trong văn bản là: Nguyên tắc mở rộng thành công

Câu 2:

Việc trích dẫn lời của Frank Herbert đã viết trong tác phẩm Xứ cát có tác dụng gì?

Xem đáp án
Việc trích dẫn lời của Frank Herbert  đã viết trong tác phẩm Xứ cát có tác dụng: là làm tăng sức thuyết phục trong quá trình lập luận, khẳng định con người phải chiến thắng nỗi sợ hãi.

Câu 3:

Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong câu: " bên kia cánh cửa của bất cứ nỗi sợ nào cũng đều có sẵn những món quà lộng lẫy, món quà của sự trưởng thành nhân cách, lòng tự tin, sự khôn ngoan."

Xem đáp án

- Biện pháp tu từ cú pháp: liệt kê (món quà lộng lẫy, món quà của sự trưởng thành nhân cách, lòng tự tin, sự khôn ngoan.)

- Tác dụng: tạo nhịp điệu cho câu văn, làm rõ những điều tốt đẹp sẽ được đón nhận nếu chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi.

Câu 4:

Anh/chị có suy nghĩ gì về lời khuyên của tác giả: Hãy thực hiện những gì bạn sợ, bạn sẽ tỏa sáng.

Xem đáp án

HS có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần trên cơ sở lập luật chặt chẽ, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

- Khẳng định đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần (0.25)

- Trình bày ngắn gọn nguyên nhân ( 0.75)

Gợi ý: Trường hợp đồng tình. Xuất phát từ những nguyên nhân sau:

     Trong cuộc sống, khó khăn thử thách là chuyện bình thường. Tâm lí sợ hãi khi đối diện với những trở ngại dễ làm cho con người nản chí, chùn bước. Tuy nhiên, không  phải lúc nào mình sợ thì mình lại lảng tránh, không dám đối mặt với chúng. Có thể chúng ta sợ nhưng chưa chắc chúng ta lại không vượt qua được.Khi dám đối mặt với hoàn cảnh ngặt nghèo, bất an, kết quả đạt được sẽ rất đáng khích lệ. Bởi thế hãy cứ làm những gì mình sợ, mình mới biết được mình linh hoạt tới đâu và khi chiến thắng được nỗi sợ ấy, bạn lại có thêm một kinh nghiệm, một bài học quý giá cho chính bản thân.

Câu 5:

Phn II. Làm văn (7,0 đim)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về giá trị của lòng can đảm trong cuộc sống con người

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

    Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: giá trị của lòng can đảm trong cuộc sống con người.

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sức mạnh của lòng can đảm trong cuộc sống con người. Có thể triển khai theo hướng sau:

-“ lòng can đảm” là sự dũng cảm của con người, dám đối mặt với sự thực, đối mặt với khó khăn, dám mạnh mẽ tìm cách vượt qua những khó khăn đó.

- Giá trị của lòng can đảm:

+ Lòng can đảm giúp con người sống mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, có thể vượt qua những cám dỗ của cuộc sống để giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của bản thân.

+ Lòng can đảm sẽ giúp con người vượt qua hiểm nguy, có thể chấp nhận thất bại, khuyên con người nên suy nghĩ trước khi hành động;

+ Lòng can đảm giúp con người dám đưa ra chính kiến của mình, nhìn nhận nỗi đau của chính mình, nhìn rõ nỗi buồn rầu và bắt những hành động bất công ngừng lại.

+ Người có lòng can đảm cuối cùng sẽ đi được đến đích con đường mình đã chọn, sẽ đạt được những thành công nhất định.

- Bài học nhận thức và hành động: Ý thức được giá trị của lòng can đảm. Rèn luyện kĩ năng ứng phó với hoàn cảnh ngặt nghèo để chiến thắng nỗi sợ hãi…

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 6:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

 

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

 

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.

                      (Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, tr.156)

 Cảm nhận của anh/ chị về khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu.

Xem đáp án

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn thơ ( có ý phụ)

  Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (Nếu cảm nhận đoạn thơ mà không làm rõ ý phụ phần nhận xét thì không tính điểm cấu trúc)

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

     Khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường của nhà thơ Xuân Quỳnh trong đoạn thơ cuối của bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh); quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

– Giới thiệu Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng.

– Nêu vấn đề cần nghị luận

3.2.Thân bài: 3.50

a. Khái quát về bài thơ, đoạn thơ: 0.25 đ

- Về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng chung của tác phẩm;

- Vị trí, nội dung đoạn thơ.

b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật đoạn thơ: 2.5đ

b.1.Về nội dung: (2.0đ)

- Khổ thơ đầu: Không thể lí giải được nguồn gốc của tình yêu, nhân vật trữ tình em đã quay trở về để phơi trải, để sống trọn vẹn với cung bậc cảm xúc được coi là mãnh liệt, nồng nàn nhất: nỗi nhớ:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

+ 4 dòng đầu là nỗi nhớ của sóng:

  Bằng nghệ thuật nhân hóa, Xuân Quỳnh tiếp tục khiến cho những con sóng trở nên sống động với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt trong nỗi nhớ, trong tình yêu mà sóng dành cho bờ. Nỗi nhớ của sóng được nữ sĩ khai triển trên cả 2 trục không gian và thời gian. Về không gian thì có “ con sóng dưới lòng sâu” gợi ra nỗi nhớ tuy không ào ạt trên bề mặt nhưng lại quặn thắt nhức nhối, day dứt từ tận đáy tâm hồn; “ con sóng trên mặt nước” gợi ra những cung bậc ào ạt, trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ về thời gian, thì dù “ngày” hay “ đêm” thì nỗi nhớ đều khiến con sóng “không ngủ được”. Nghĩa là nhớ đến thao thức, khắc khoải, nhớ đến mức trở thành nỗi ám ảnh thường trực không thể nguôi quên. Những câu thơ này gọi nhắc đến câu ca dao quen thuộc khi viết về nỗi nhớ:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than

+ Hai dòng tiếp: nỗi nhớ của Em:

    Đi vào đề tài vốn không còn mới lạ, nhưng Xuân Quỳnh vẫn tạo được nét riêng cho bài thơ của mình. Mượn sóng để bày tỏ nỗi nhớ dường như chưa thỏa, chưa giải tỏa được nỗi nhớ nhung đang đè nặng trong lòng nên sau khi ẩn mình trong sóng, nhân vật trữ tình đã trực tiếp lộ diện để thể hiện :

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

    Hai câu thơ vừa cho thấy sự tương đồng, vừa thấy sự khác biệt giữa nỗi nhớ của sóng dành cho bờ với nỗi nhớ của em dành cho anh .Tương đồng bởi nó đều là những cảm xúc chân thành và mãnh liệt trong tình yêu, còn khác biệt là ở chỗ nỗi nhớ của sóng dù mãnh liệt đến đâu vẫn nằm trong khuôn khổ giới hạn của không gian, thời gian; còn nỗi nhớ của em lại vượt qua tất cả những khuôn khổ , giới hạn ấy, vượt qua cả cõi vô thức.Điều đó có nghĩa là nỗi nhớ của em còn mãnh liệt và cồn cào hơn nỗi nhớ của sóng. Hình ảnh một người con gái ngay cả trong giấc mơ vẫn thao thức, vẫn khắc khoải về hình bóng của người yêu thực sự đã chạm đến được trái tim, tâm hồn của hàng triệu người con gái khác bởi Xuân Quỳnh đã nói hộ, đã bày tỏ hộ tình yêu cho người con gái dù ở bất cứ thời đại nào.

+ Trong khổ thơ này có tới 2 lần động từ nhớ được sử dụng cộng với hình thức đặc biệt khi đây là khổ thơ duy nhất có tới 6 câu ( các khổ thơ khác chỉ có 4 câu), điều này một lần nữa cho thấy tất cả cái mãnh liệt, nồng nàn trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình.

- Khổ thơ thứ hai: Sự thủy chung son sắt trong tình yêu

+ Xưa nay, nỗi nhớ luôn gắn liền với khái niệm thời gian vô tận và không gian vô cùng. Với thời gian, nó không có ngày đêm; với không gian, nó không có phương hướng. Không gian có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng tình yêu thì chỉ có một phương và đó chính là anh. Không còn em và sóng, chỉ còn em và anh với dấu nối tình yêu:

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương.

+ Những từ chỉ hướng: “xuôi”, “ngược” được dùng đảo chiều: xuôi về phương bắc, ngược về phương nam. Sự đảo chiều ấy nhằm diễn tả những cách trở không gian, cách trở trong tình yêu. Nhưng dẫu có xuôi, có ngược, có đi đâu về đâu thì với em cũng chỉ có một nơi duy nhất để hướng về, hướng về “phương anh”. Thì ra em bước chân đi mà đầu thì ngoái lại phương anh, cho nên làm đảo hết cả chiều không gian. Những từ “xuôi”, “ngược”, còn được hiểu là những từ nói về cuộc sống tảo tần, lam lũ của người phụ nữ. Có dáng vẻ tất tưởi, ngược xuôi, nhọc nhằn mà thủy chung của người phụ nữ. Em nhớ đến anh giữa tất cả sự xuôi ngược bộn bề của đời thường. Nỗi nhớ ấy làm cho cuộc sống có ý nghĩa biết bao. Đây là nét rất riêng Xuân Quỳnh, cũng là đặc điểm của người phụ nữ Việt Nam truyền thống biết tần tảo chắt chiu, vun vén cho hạnh phúc gia đình với một trái tim yêu thủy chung.

+ Dẫu có đi đâu về đâu giữa cuộc đời đầy biến động, dù đất trời có đảo lộn dữ dội đến đâu, em vẫn hướng về phương anh, chẳng đổi thay. Trong đời, em quen biết nhiều người, họ có thể hơn hẳn anh thế nhưng em lại chọn anh, yêu anh và chỉ biết có anh. Chỉ riêng anh là khiến em luôn nghĩ tới và hướng về:

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương.

   Những người đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau, họ là mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho nhau. Xuân Quỳnh buộc chặt bao “sợi nhớ, sợi thương” về “phương anh”:

Chỉ riêng điều được sống cùng anh

Niềm mơ ước trong em là lớn nhất

Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

Giây phút nào tim đập chẳng vì anh.

(Chỉ có sóng và em – Xuân Quỳnh)

+ Hướng về anh một phương: phương Bắc, phương Nam là những từ chỉ phương hướng không gian có thực, còn “một phương – phương anh” là phương của tâm trạng, của nỗi nhớ, là nơi hướng đến của trái tim người phụ nữ đang yêu say đắm và thiết tha: Chỉ còn anh và em. Cùng tình yêu ở lại (Thơ tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh). Ta lại gặp thủ pháp đối ở đây và những lời bộc bạch chân thành, giản dị mà đinh ninh như một lời thề chung thủy.

   Trải qua bao trắc trở gian lao, bao biến cố ngược xuôi, khó khăn gian khổ, dù không gian địa lí cách trở, thời gian xa xôi nhưng lòng người con gái vẫn hướng về anh một phương, không bao giờ thay đổi. Điều đó thể hiện được sự chân thành, chung thủy trong tình yêu của người phụ nữ, luôn gửi tình yêu của mình đến một người, chỉ một người thôi nhưng đầy ăm ắp. Những con sóng đại dương dù bão tố vùi dập nhưng vẫn trở về với bờ, hòa nhập vào miền cát ấm nóng.

- Khổ thơ cuối: Niềm tin vào tình yêu

 + Người con gái tự dặn lòng mình, hứa với tình yêu của mình sẽ đến với bờ bến hạnh phúc dẫu xa xôi, dù muôn vàn cách trở:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở.

+ Ba từ “ở ngoài kia” như cánh tay Xuân Quỳnh mềm mại đang chỉ tay về khơi xa nơi trăm ngàn con sóng ngày đêm không biết mỏi đang vượt qua giới hạn không gian thăm thẳm muôn vời cách trở để hướng vào bờ ôm ấp nỗi yêu thương. Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh. Những con sóng ở đại dương dù gió xô bão táp tới phương nào đi chăng nữa thì cuối cùng sóng vẫn trở về với bờ. Em cũng như sóng, cho dù gặp bao khó khăn em cũng sẽ vượt qua hết để đến với anh, bởi tình yêu anh đã cho em sức mạnh như ông bà xưa có câu:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.

(Ca dao)

- Về nghệ thuật: ( 0.5)

+ Thể thơ năm chữ; âm hưởng dạt dào như nhịp của những con sóng ngoài khơi.

+ Giọng điệu ngọt ngào, trữ tình, đằm thắm diễn tả được những cảm xúc chân thành của nhân vật trữ tình

+ Sử dụng thành công các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, nhân hoá, đối lập…

c. Nhận xét quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. 0.75đ

 - Biểu hiện:

+ Mới mẻ và hiện đại trong nỗi nhớ: Nhớ của “lòng em”, “cả trong mơ còn thức

+ Mới mẻ và hiện đại khi suy tư về lòng chung thuỷ, khao khát vượt qua “cách trở” của cuộc đời để “Hướng về anh, một phương.

+ Mới mẻ và hiện đại khi nhà thơ sử dụng hình tượng sóng để ẩn dụ về tình yêu của người phụ nữ. Xưa nay trong văn học dân gian và văn học viết thường chọn hình ảnh giản dị, nhỏ bé như trầu, cau, cành hồng… để nói tình yêu. Đến Xuân Quỳnh, chỉ có sóng mênh mông, đầy trạng thái mới diễn tả những cung bậc trái tim của em trong tình yêu.

- Ý nghĩa:

+ Cùng với vẻ đẹp mang tính truyền thống, sự mới mẻ và hiện đại trong tình yêu thể hiện sự tự do được khẳng định tình cảm của người phụ nữ, bộc lộ “cái tôi” khát vọng yêu và được yêu một cách chủ động và luôn luôn thể hiện niềm tin vào sức mạnh của tình yêu.

+ Qua đó, đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm

3.3.Kết bài: 0.25

- Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn thơ trong bài thơ Sóng;

- Nêu cảm nghĩ về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

hồn người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng.

4. Sáng tạo                                                   

     Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        

       Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Bắt đầu thi ngay

Bài thi liên quan