30 đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2022 có lời giải (Đề 1)
-
15771 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
I . ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông. Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng. Đó phải chăng là một ý tưởng tốt? Nếu mọi người chấp nhận nó, phải chăng đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm? Không hẳn. Tư duy số đông cho rằng Trái đất là tâm điểm của vũ trụ, nhưng Copernicus nghiên cứu những vì sao, các hành tinh và chứng minh một cách khoa học rằng Trái đất và những hành tinh khác trong thái dương hệ của chúng ta quay quanh Mặt trời. Tư duy số đông cho rằng phẫu thuật không cần những dụng cụ y tế sạch, nhưng Joseph Lister đã nghiên cứu tỉ lệ tử vong cao trong các bệnh viện và giới thiệu biện pháp khử trùng, ngay lập tức cứu được bao nhiêu mạng người. Tư duy số đông cho rằng phụ nữ không nên có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên những người như Emmeline Pankhurst và Susan B. Anthony đã đấu tranh và giành được quyền đó. Tư duy số đông đưa Hitler lên nắm quyền lực ở Đức, nhưng đế chế của Hitler đã giết hại hàng triệu người và gần như tàn phá cả Châu Âu. Chúng ta luôn cần nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa sự chấp nhận và trí tuệ. Mọi người có thể nói rằng có sự an toàn trong một số trườmg hợp tư duy số đông, nhưng nó không phải lúc nào cũng đúng.
(John Maxwell, Tôi tư duy, tôi thành đạt, NXB Lao động Xã hội, 2012, tr. 130 – 131)
Câu 1. Đặt tên nhan đề cho văn bản, nêu tên thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản?
- Đặt nhan đề cho văn bản, cần chú ý nêu được đề tài hoặc chủ đề của văn bản đó một cách ngắn gọn bằng một từ hoặc cụm từ.
Thông thường, nếu là văn bản nghệ thuật, có thể chọn đề tài, nhân vật truyện hoặc cảm hứng thơ làm nhan đề. Nếu là văn bản chính luận/báo chí, có thể lấy vấn đề, chủ đề hoặc luận điểm để làm nhan đề.
Gợi ý nhan đề cho văn bản:
+ Tư duy số đông trong xã hội.
+ Tư duy số đông – đúng hay sai?
+ Tư duy số đông liệu có chắc chắn?
+ Tư duy số đông liệu có an toàn?
+ Tư duy số đông: sự khác biệt giữa chấp nhận và trí tuệ
- Thao tác lập luận chính là bình luận.
Câu 2:
Theo tác giả, vì sao mọi người tìm kiếm sự an toàn trong tư duy số đông?
Theo tác giả, mọi người tìm kiếm sự an toàn trong tư duy số đông bởi: “Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng”.
Câu 3:
Vì sao tác giả cho rằng tư duy số đông mang lại cảm giác an toàn, nhưng không phải lúc nào nó cũng đúng?
Tác giả cho rằng tư duy số đông mang lại cảm giác an toàn, nhưng không phải lúc nào nó cũng đúng, bởi vì:
+ Khi mọi người chấp nhận một tư duy số đông, thì không hẳn đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm.
Tác giả dẫn ra một loạt dẫn chứng phản bác lại tư duy số đông: thuyết Địa tâm, quan điểm về vai trò của khử trùng trong y tế,...
+ Thứ hai, tác giả cho rằng có sự khác biệt lớn giữa chấp nhận và trí tuệ. Có nghĩa là tư duy số đông là biểu hiện của ngại tranh biện và tư duy.
Câu 4:
Anh/chị rút ra được thông điệp, bài học gì sau khi đọc hiểu văn bản
Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
- Nội dung: trình bày được bài học/thông điệp cá nhân rút ra từ văn bản và bàn luận ngắn gọn về thông điệp đó.
Bài học/Thông điệp: đừng đi theo tư duy số đông; cần có tư duy phản biện và tư duy cá nhân;...
- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8-10 dòng, diễn đạt mạch lạc.
Gợi ý
Trăm người chưa chắc đúng, một người chưa hẳn sai. Đó là bài học tôi rút ra từ văn bản cũng như từ những trải nghiệm quý giá trong cuộc sống. Bởi lẽ, tư duy số đông chỉ cho chúng ta cảm giác an toàn khi có những người cùng quan điểm, chứ không hẳn cho chúng ta chân lý và sự công bằng. Bạn cần tư duy và tinh thần phản biện mọi vấn đề, bạn phải có chính kiến. Chỉ khi đó, chúng ta mới khát khao tìm kiếm và thực hiện công cuộc tìm kiếm chân lý. Chỉ khi đó, bạn mới vượt qua được cảm giác an toàn chấp nhận để đến với trí tuệ và sự phát triển.
Câu 5:
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Viết đoạn văn 200 chữ với nhan đề: Bạn đã có chính kiến?
Yêu cầu chung:
- Nội dung:
+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;
+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết;
+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
- Hình thức:
+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;
+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;
+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;
+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
Hệ thống ý | Dẫn dắt | - Nêu từ khóa: chính kiến |
Giải thích | - Chính kiến là quan điểm, là lập trường cá nhân. - Chính kiến là biểu hiện của năng lực cá nhân và khả năng tư duy | |
Phân tích | - Người có chính kiến có biểu hiện như thế nào? + Người có chính kiến quyết đoán, tự tin và bản lĩnh trong tư duy cũng như trong cuộc sống. Họ có trí tuệ và tư duy phản biện. Vì vậy, họ dễ dàng thành công trong cuộc sống và thường có đóng góp lớn cho xã hội. (dẫn chứng) + Người có chính kiến không bị dao động, chi phối và áp lực vì những yếu tố khách quan như lời rèm pha, tư duy số đông,... - Vì sao cần có chính kiến trong cuộc sống? + Vì chính kiến là yếu tố mang lại điểm khác biệt, sự sáng tạo và bản lĩnh, là một yếu tố cấu thành nên con người lãnh đạo bản thân và lãnh đạo cộng đồng. + Vì chính kiến giúp con người có cái nhìn toàn diện về một vấn đề, kích thích họ tư duy để tìm hiếu chân lý, thay vì chỉ đi a dua theo tư duy tập thể. | |
Phản biện | - Chính kiến có giống bảo thủ, cố hữu? + Chính kiến không có nghĩa là bảo thủ, cố chấp, không biết lắng nghe. + Người có chính kiến cần biết tiếp thu và nhìn nhận lại quan điểm cá nhân để đánh giá toàn diện về tính đúng đắn, hợp lý trong quan điểm của mình. | |
Liên hệ | - Bài học/Liên hệ + Từ khóa. Suy nghĩ thấu đáo, có chính kiến trong mọi vấn đề, đồng thời tiếp thu, tìm hiểu các ý kiến trái chiều để có cái nhìn toàn diện. |
Bài làm tham khảo:
Steve Jobs từng nói: “Đừng để âm thanh của những quan điếm khcic lấn át đi giọng nói bên trong bạn”, cái bạn cần là chính kiến. Chính kiến là quan điểm, lập trường cá nhân, đó là biểu hiện của năng lực cá nhân và khả năng tư duy. Người có chính kiến sẽ quyết đoán, tự tin và bản lĩnh trong tư duy cũng như trong cuộc sống. Họ có trí tuệ và tư duy phản biện. Vì vậy, họ dễ dàng thành công trong cuộc sống và thường có đóng góp lớn cho xã hội. Như chúng ta hay kể câu chuyện của Nguyễn Ái Quốc quyết không sang Nhật hay sang Trung mà sang chính Đế quốc Pháp để tìm kiếm con đường giải phóng. Người có chính kiến không bị dao động, chi phối và áp lực vì những yếu tố khách quan như lời rèm pha, tư duy số đông,... Trong bất kỳ cộng đồng xã hội nào, cũng cần con người có chính kiến. Vì chính kiến là yếu tố mang lại điểm khác biệt, sự sáng tạo và bản lĩnh, là một yếu tố cấu thành nên con người lãnh đạo bản thân và lãnh đạo cộng đồng. Đồng thời, chính kiến giúp con người có cái nhìn toàn diện về một vấn đề, kích thích họ tư duy để tìm hiểu chân lý, thay vì chỉ đi a dua theo tư duy tập thể. Nhưng chính kiến không có nghĩa là bảo thủ, cố chấp, không biết lắng nghe. Người có chính kiến cần biết tiếp thu và nhìn nhận lại quan điểm cá nhân để đánh giá toàn diện về tính đúng đắn, hợp lý trong đó. Bởi vậy, mỗi cá nhân hãy suy nghĩ thấu đáo, có chính kiến trong mọi vấn đề, đồng thời tiếp thu, tìm hiểu các ý kiến trái chiều để có cái nhìn toàn diện.
Câu 6:
Nhận xét về Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng “Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”. Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên?
Yêu cầu chung:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.
- Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ - Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Tuyên ngôn Độc lập - Dạng bài: Bình luận hai ý kiến - Yêu cầu: Đề bài nêu hai ý kiến, tuy khác nhau nhưng cùng nói về những giá trị lớn của Tuyên ngôn Độc lập, và không hề mâu thuẫn. Đó là giá trị về lịch sử và văn học. Xét về cấp độ, đây là dạng đề khó, người viết cần làm rõ cả hai khía cạnh trong cùng một tác phẩm, biết bàn luận, đánh giá đúng đắn để đi đến kết luận. | |||
TIẾN TRÌNH BÀI LÀM | |||
KIẾN THỨC | HỆ THỐNG Ý | NỘI DUNG CẦN ĐẠT | Điểm |
CHUNG | Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm | - Người viết không cần nêu quá nhiều về cuộc đời, sư nghiêp của tác giả, nhưng cần nêu bật lên được vị trí, quan điểm hoăc phong cách sáng tác của tác giả. Với Tác gia Hồ Chí Minh, cần làm rõ phong cách sáng tác trong văn chính luận: Ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ lí lẽ đanh thép. - Về tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập, người viết cần làm rõ hoàn cảnh sáng tác, giá trị lịch sử và giá trị văn học của tác phẩm: Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do nhưng vẫn phải đứng trước những thách thức của cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi bọn đế quốc và thực dân lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử quan trọng, đồng thời là một áng văn chính luận mẫu mực. | 0.5 |
TRỌNG TÂM | Giải thích và phân tích | Người viết lần lượt phân tích, làm sáng tỏ các ý kiến bàn luận về tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập: - Ý kiến 1: Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá + Bản Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: kỉ nguyên của độc lập, tự do, đánh đổ chế độ phong kiến hàng mấy mươi thế kỉ, đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp hơn tám mươi năm, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. + Bản Tuyên ngôn đã thể hiện một cách hùng hồn khát vọng, ý chí và sức mạnh Việt Nam. + Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh còn là sự khẳng định tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, không ai có quyền xâm phạm được. + So với bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất (Nam quốc sơn hà - Lí Thường Kiệt) và bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) thì bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã vươn lên một tầm cao mới, vượt hơn ở tầm vóc hướng ra thế giới trên tinh thần dân chủ, tự do có kết hợp với truyền thống yêu nước và tư tưởng nhân đạo của dân tộc. - Ý kiến 2: Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực +Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh rất ngắn gọn, chưa tới một ngàn chữ nhưng vô cùng chặt chẽ và cô đọng. + Bản Tuyên ngôn chia làm ba phần rõ rệt, mỗi phần một ý, liên hệ chặt chẽ với nhau. + Trong phần một, Hồ Chí Minh đã nêu lên những chân lí về nhân quyền và dân quyền để làm cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn. Việc dẫn hai bản tuyên ngôn này, Bác đã đặt bản Tuyên ngôn Độc lập của ta ngang hàng với các bản Tuyên ngôn của các nước lớn như Pháp và Mĩ. Từ đó khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người. Không những thế, Bác đã nâng lên thành quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc: “suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bằng phép so sánh tương đồng, hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đã là cơ sở pháp lý vô cùng chắc chắn để dân tộc Việt Nam nêu cao quyền độc lập. + Phần thứ nhất đã làm nền cho phần thứ hai của bản Tuyên ngôn. Nếu trong phần thứ nhất Bác khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con nguời, của mỗi dân tộc là quyền được sống, được tự do, được độc lập và mưu cầu hạnh phúc thì trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn, Bác đã vạch rõ tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho đất nước ta, nhân dân ta. Hành động của chúng thật dã man, vô nhân đạo, đi ngược lại tinh thần của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp, vạch rõ bản chất gian xảo của bọn thực dân Pháp. Trong phần này Bác lại nêu rõ tinh thần nhân đạo, yêu độc lập lự do và tinh thần quyết tâm giành và bảo vệ độc lập của dân tộc ta. Đến phần thứ ba (phần cuối) Bác lại nói về kết quả của tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do của dân tộc ta và tuyên bố trịnh trọng với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập”. - Như vậy, ta thấy bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh có một kết cấu, bố cục khá chặt chẽ. Hơn nữa, lời lẽ của bản Tuyên ngôn hùng hồn, nhịp điệu câu văn khá dồn dập, sắc cạnh. Có những câu văn thật ngắn gọn nhưng lại diễn đạt một ý nghĩa vô cùng phong phú như câu “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Câu văn chỉ có chín từ thôi nhưng lại diễn đạt được bao biến động của thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. - Trong bản Tuyên ngôn Độc lập này Bác đã sử dụng rất thành công các biện pháp tu từ: điệp từ, điệp ngữ, phép liệt kê để nhấn mạnh, vạch rõ tội ác của kẻ thù đã gieo rắc cho nhân dân ta, đất nước ta trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến văn hóa, kinh tế... - Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác còn dùng phép tăng cấp: “...tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Với phép tăng cấp này, Bác đã thể hiện cao độ tinh thần độc lập tự chủ của cả dân tộc. - Qua những điều trình bày trên, ta thấy rõ Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh có một giá trị văn chương lớn. | 3.5 |
| Bàn luận | Người viết sau khi phân tích làm sáng tỏ các ý kiến, cần có phần đánh giá, bàn luận về các ý kiến – phần không thể thiếu trong các bước làm một bài văn bàn luận ý kiến. - Cả hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau tuởng như đối lập, mâu thuẫn nhưng thực chất là bổ sung cho nhau cùng khẳng định giá trị to lớn của bản tuyên ngôn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử chính trị và văn chương nghệ thuật. - Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, là áng văn chính luận mẫu mực; là văn bản pháp lý, văn hoá của muôn đời; là hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh cũng như của toàn dân tộc Việt Nam - Bản Tuyên ngôn xứng đáng là “áng thiên cổ hùng văn”. | 0.5 |
Bài làm mẫu:
Nhắc đến chủ tịch Hồ Chí Minh, ta liên tưởng ngay tới một chân dung giản dị mà vĩ đại, một lãnh tụ kiệt xuất mà gần gũi. Nhưng Người còn được nhắc đến với tư cách một nhà văn, một nhà thơ. Như Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, cuộc đời bảy mươi chín xuân của Người từ khi là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành bước đi trên bến Nhà Rồng (05/06/1911) cho đến khi xuôi tay nhắm mắt (02/09/1969), không lúc nào trái tim vĩ đại ấy dừng nghĩ cho đất nước, dân tộc. Về sự nghiệp sáng tác, Người để lại cho kho tàng văn học dân tộc nhiều tác phẩm giá trị, phong phú về thể loại. Trong đó, đặc sắc phải kể đến là những áng văn chính luận. Phong cách sáng tác trong văn chính luận: Ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ lí lẽ đanh thép. Là một văn kiện lịch sử quan trọng, Tuyên ngôn độc lập đã tổng kết một thời kỳ đau thương nhưng vô cùng anh dũng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do nhưng vẫn phải đứng trước những thách thức của cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi bọn đế quốc và thực dân lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh âm mưu cưóp nước ta một lần nữa. Chính trong thời điểm ấy, ngày 2 tháng 9 năm 1945 trên Quảng Trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh độc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đây là bản tuyên ngôn viết cho nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới và công luận Quốc tế. Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”.
Hai ý kiến đưa ra những cái nhìn và cách đánh giá khác nhau về Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, ý kiến thứ nhất làm nổi bật giá trị lịch sử, giá trị pháp lý mà Tuyên ngôn đã làm được. Tuyên ngôn Độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn”, kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới – quyền độc lập, tự do. Tuyên ngôn Độc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Bản Tuyên ngôn chính thức chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới, có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.
So với bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất (Nam quốc sơn hà - Lí Thường Kiệt) và bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) thì bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã vươn lên một tầm cao mới, vượt hơn ở tầm vóc hướng ra thế giới trên tinh thần dân chủ, tự do có kết hợp với truyền thống yêu nước và tư tưởng nhân đạo của dân tộc.
Ý kiến thứ hai, nhấn mạnh hơn vào giá trị nghệ thuật của tác phẩm, vào văn phong, cách thức lập luận, vào bản lĩnh, tư duy của một bậc thầy chính luận khi đặt bút. Toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập không quá dài mà rất súc tích, cô đọng, hàm ý sâu xa. Hồ Chí Minh dùng những lí lẽ đanh thép, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng không thể chối cãi được để viết nên áng văn chính luận mẫu mực. Không chỉ vậy, văn kiện này còn là tấm lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, sự khao khát độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam ở Người.
Bản Tuyên ngôn chia làm ba phần rõ rệt, mỗi phần một ý, liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong phần một, Hồ Chí Minh đã nêu lên những chân lí về nhân quyền và dân quyền để làm cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn. Việc dẫn hai bản tuyên ngôn này, Bác đã đặt bản Tuyên ngôn Độc lập của ta ngang hàng với các bản Tuyên ngôn của các nước lớn như Pháp và Mĩ. Từ đó khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người. Không những thế, Bác đã nâng lên thành quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc: “suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bằng phép so sánh tương đồng, hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đã là cơ sở pháp lý vô cùng chắc chắn để dân tộc Việt Nam nêu cao quyền độc lập.
Phần thứ nhất đã làm nền cho phần thứ hai của bản Tuyên ngôn. Nếu trong phần thứ nhất Bác khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người, của mỗi dân tộc là quyền được sống, được tự do, được độc lập và mưu cầu hạnh phúc thì trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn, Bác đã vạch rõ tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho đất nước ta, nhân dân ta. Hành động của chúng thật dã man, vô nhân đạo, đi ngược lại tinh thần của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp, vạch rõ bản chất gian xảo của bọn thực dân Pháp. Trong phần này Bác lại nêu rõ tinh thần nhân đạo, yêu độc lập lự do và tinh thần quyết tâm giành và bảo vệ độc lập của dân tộc ta. Đến phần thứ ba (phần cuối) Bác lại nói về kết quả của tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do của dân tộc ta và tuyên bố trịnh trọng với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.
Như vậy, ta thấy bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh có một kết cấu, bố cục khá chặt chẽ. Hơn nữa, lời lẽ của bản Tuyên ngôn hùng hồn, nhịp điệu câu văn khá dồn dập, sắc cạnh. Có những câu văn thật ngắn gọn nhưng lại diễn đạt một ý nghĩa vô cùng phong phú như câu “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Câu văn chỉ có chín từ thôi nhưng lại diễn đạt được bao biến động của thời điểm lịch sử lúc bấy giờ.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập này Bác đã sử dụng rất thành công các biện pháp tu từ: điệp từ, điệp ngữ, phép liệt kê để nhấn mạnh, vạch rõ tội ác của kẻ thù đã gieo rắc cho nhân dân ta, đất nước ta trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến văn hóa, kinh tế... Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác còn dùng phép tăng cấp: “...tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Với phép tăng cấp này, Bác đã thể hiện cao độ tinh thần độc lập tự chủ của cả dân tộc. Qua những điều trình bày trên, ta thấy rõ Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh có một giá trị văn chương lớn.
Tóm lại, có thể thấy, cả hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau tưởng như đối lập, mâu thuẫn nhưng thực chất là bổ sung cho nhau cùng khẳng định giá trị to lớn của bản tuyên ngôn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử chính trị và văn chương nghệ thuật. Tuyên ngân Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, là áng văn chính luận mẫu mực; là văn bản pháp lý, văn hoá của muôn đời; là hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh cũng như của toàn dân tộc Việt Nam – Bản Tuyên ngôn xứng đáng là “áng thiên cổ hùng văn”.
“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đối mới. ”
Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một thời đại mới, vẻ vang, cũng đồng thời kết tinh trong đó giá trị lịch sử, giá trị thời đại và chắc chắn sẽ trường tồn bất diệt!