30 đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2022 có lời giải (Đề 2)
-
15671 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
- ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.
Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao.
Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.
Nó có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.
Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp.
Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ.
Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình.
Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng.
Nó có thể mua được trò chơi, nhưng không mua được niềm vui.
Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành.
Nó có thể mua được cảnh hẩu, nhưng không mua được tình bạn.
Nó có thể mua được sự phục tùng, nhưng không mua được lòng kính trọng.
Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ.
Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu.
Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.
(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
Xác định thể thơ của văn bản trên.
Văn bản được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2:
Chỉ ra hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng và nêu tác dụng.
Học sinh chủ động lựa chọn hai biện pháp nghệ thuật, nên chọn các biện pháp đặc trưng và được sử dụng nhiều lần trong văn bản: liệt kê, điệp ngữ, lặp cú pháp, đối,...
Gợi ý:
Hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản trên là:
+ Điệp ngữ: lặp lại nhiều lần các cụm từ và cấu trúc: Nó có thể mua được..., nhưng không mua được...
+ Liệt kê: nêu ra những thứ mà theo tác giả, đồng tiền có thể mua được: chiếu giường, châu ngọc, giấy bút, nhà cửa, thức ăn, trò chơi, xu nịnh, cánh hẩu, sự phục tùng, quyền thế, thể xác, vũ khí; và những thứ tiền không mua được như: giấc ngủ, sắc đẹp,ý thơ, gia đình, sự ngon miệng, niềm vui, lòng trung thành, tình bạn, lòng kính trọng, trí tuệ, tình yêu, hòa bình.
+ Tác dụng:
Biện pháp liệt kê và điệp ngữ được sử dụng đan xen và kết hợp vừa tạo ra nhịp điệu, âm hưởng cho bài thơ, vừa thể hiện nội dung tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm: tiền mua được rất nhiều thứ “có sức mạnh lớn lao”, nhưng nó “không phải vạn năng”, cũng bất lực trước rất nhiều giá trị đáng quý trong xã hội này. Qua đó, tác giả đã rất thành công trong việc phản bác ý kiến đưa ra ban đầu: “Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.”
Câu 3:
Vì sao tác giả cho rằng: “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.”
- Lý giải lý do tác giả cho rằng “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/ Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng”:
* Muốn nhấn mạnh bản chất và sức mạnh của đồng tiền:
+ Tiền bạc có sức mạnh lớn lao vì nó mua được nhiều thứ giá trị trong cuộc sống.
+ Nhưng nó “không phải vạn năng” bởi không phải cái gì nó cũng có thể mua được. Đặc biệt là những giá trị quý giá trong cuộc sống như: tình cảm, sức khỏe, tri thức.
* Thể hiện quan điểm cá nhân về đồng tiền: cần có cái nhìn đúng đắn về giá trị đồng tiền.
Gợi ý:
Bằng quan điểm của một nhà thơ, một con người trải nghiệm trong xã hội, Thác-cơ-rê cho rằng “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/ Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng”. Một nhận định với hai vế. Tiền bạc có sức mạnh lớn lao là điều không ai bàn cãi, nhất là trong xã hội mà giá trị vật chất được đề cao như hiện tại. Tiền mua được quyền lực, vui thú,... Thậm chí, có người vì đồng tiền mà đánh đổi tự do, tình thân và thậm chí là mạng sống. Nhưng nhà thơ cũng nhận ra tiền bạc không phải chiếc chìa khóa vạn năng. Bởi lẽ, nó vẫn chỉ đứng ngoài rìa những giá trị chân thực và trân quý trong xã hội này. Đó là trí tuệ, sức khỏe, tình cảm,... Và qua đó, tác giả nhấn mạnh, cần có cái nhìn đúng đắn về đồng tiền, không coi thường nó, không cực đoan hóa nó.
Câu 4:
Thông qua việc đọc hiểu văn bản, anh/chị rút ra được điều gì trong cách ứng xử với tiền bạc?
Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
- Nội dung: trình bày được quan điểm cá nhân và bàn luận ngắn gọn về quan điếm đó.
Bài học: biết quý đồng tiền nhưng không tôn thờ nó; đừng quá coi trọng đồng tiền (cũng chính là chạy theo giá trị vật chất),...
- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.
Gợi ý:
Đồng tiền quả thực có sức hấp dẫn rất lớn. Trong xã hội hiện đại, nó cấu thành nên cảm giác hạnh phúc của con người. Nhưng ứng xử với đồng tiền là cả một nghệ thuật. Nếu phớt lờ nó, bạn dễ đi vào con đường thủ cựu, không hòa nhập với những giá trị hiện đại của cuộc sống. Nhưng tôn sùng nó, bạn sẽ bị nó mê hoặc và sa đà vào con đường thực dụng. Vậy nên, phải tỉnh táo để vừa đủ coi trọng, vừa đủ giới hạn cho sức mạnh của đồng tiền. Để đồng tiền không chi phối ta, mà nó phải phục vụ cho cuộc sống của ta.
Câu 5:
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Yêu cầu chung:
- Nội dung:
+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;
+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết.
+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
- Hình thức:
+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;
+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;
+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;
+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
Hệ thống ý | Dẫn dắt | - Nêu từ khóa: sự chi phối của đồng tiền |
Giải thích | - Tiền là một vật ngang giá chung được sử dụng từ lâu trong xã hội. Tiền có tính quy ước, chứ bản thân nó không phải là một vật mang giá trị sử dụng. | |
Phân tích | - Tiền có giá trị quan trọng như thế nào trong cuộc sống hiện đại? + Có tiền là có được những giá trị vật chất trong xã hội, từ những nhu cầu cuộc sống đến những dịch vụ đẳng cấp. + Tiền còn cho ta quyền lực và địa vị, người có tiền thường được xã hội tôn trọng và cuộc sống có tiền là cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người. - Vì sao xã hội hiện đại, đồng tiền lại chi phối được cuộc sống? + Vì xã hội hiện đại thiên về tính dịch vụ, đồng tiền mang đến giá trị vật chất và dịch vụ nên nó trở thành thước đo cho giá trị con người. + Một bộ phận không nhỏ người trong xã hội chạy theo lối sống thực dụng, quan điểm “có tiền là có hạnh phúc”, đẩy vị thế đồng tiền lên tối đa, khiến mọi suy nghĩ, hành vi của họ bị chi phối bởi đồng tiền. | |
Phản biện | - Tiều có giá trị nhưug nó không phải vạn năng + Tiền mua được nhiều thứ, rất đáng quý khi là kết quả của lao động, mang lại niềm vui cho cuộc sống. + Tiền không phải vạn năng, không được đánh đồng giá trị tiền bạc và hạnh phúc. | |
Liên hệ | - Bài học/Liên hệ + Từ khóa. Thanh niên cần có cái nhìn tích cực, coi đồng tiền là một giá trị của cuộc sống, nhưng không để nó chi phối cuộc sống cá nhân. |
Bài làm tham khảo:
Bạn có biết câu chuyện về chàng thanh niên vài ba năm truớc, để có tiền mua điện thoại Iphone đã bán một quả thận để có tiền? Điên rồ ư? Nhưng đó có thể là quyết định của không chỉ một người trong xã hội này. Bởi, từ lâu, tiền đã có sức mạnh chi phối con người. Trước tiên, cần hiểu rằng, tiền là vật ngang giá, được dùng để trao đổi hàng hóa trong xã hội. Bản thân đồng tiền giấy không có giá trị sử dụng. Nhưng nó lại là một tờ giấy rất mạnh. Có tiền là có được những giá trị vật chất trong xã hội, từ những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống đến những dịch vụ đẳng cấp. Tiền còn cho ta quyền lực và địa vị, người có tiền thường được xã hội tôn trọng và cuộc sống có tiền là cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người. Vì sao ư? Vì xã hội hiện đại thiên về tính dịch vụ, đồng tiền mang đến giá trị vật chất và dịch vụ nên nó trở thành thước đo cho vị thế con người. Một bộ phận không nhỏ người trong xã hội chạy theo lối sống thực dụng, quan điểm “có tiền là có hạnh phúc”, đẩy vị thế đồng tiền lên tối đa, khiến mọi suy nghĩ, hành vi của họ bị chi phối bởi đồng tiền. Những người này sẵn sàng đánh đổi nhân cách, liêm sỉ để có tiền, như ta thấy tràn lan những kẻ câu viu (view) bằng tin giả, ảnh nóng để có tiền. Bàn luận ra, đúng là tiền có thể mua được nhiều thứ, rất đáng quý, đặc biệt khi là kết quả của lao động, mang lại niềm vui cho cuộc sống. Nhưng tiền không phải vạn năng, ta không được đánh đồng giá trị tiền bạc và hạnh phúc. Tiền không mua được sức khỏe, không đổi được thời gian, không mang lại tri thức. Bởi vậy, ta cần có cái nhìn tích cực, coi đồng tiền là một phần giá trị của cuộc sống hiện đại, nhưng không để nó dẫn dắt suy nghĩ và cuộc sống cá nhân.
Câu 6:
Cảm nhận vẻ đẹp thi trung hữu hoạ trong đoạn thơ dưới đây:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha luông mưa xa khơi
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Yêu cầu chung:
Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.
Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ - Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Tây Tiến - Dạng bài: Cảm nhận, bàn luận - Yêu cầu: Học sinh làm sáng rõ về bút pháp thi trung hữu hoạ, phân tích, cảm nhận nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ để làm bật lên nét thi trung hữu hoạ. Xét về bản chất, đề ngắn nhưng lại yêu câu khá nhiều cả về kỹ năng và kiến thức của người viết. | |||
TIẾN TRÌNH BÀI LÀM | |||
KIẾN THỨC | HỆ THỐNG Ý | NỘI DUNG CẦN ĐẠT | ĐIỂM |
CHUNG | Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm | - Người viết không cần nêu quá nhiều về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả, nhưng cần nêu bật lên được vị trí, quan điểm hoặc phong cách sáng tác của tác giả: Quang Dũng nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, nhà thơ của những vần thơ lãng mạn, bay bổng, đậm nét hào hoa. Là gương mặt tiêu biểu trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. - Về tác phẩm, người viết cần nêu được hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của bài thơ: Tây Tiến vừa chỉ hướng hành quân, vừa là tên một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947. Tây Tiến có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào, đồng thời đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân khá rộng nhưng chủ yếu là ở biên giới Việt – Lào. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đơn vị Tây Tiến từ đầu năm 1947, rồi chuyển sang đơn vị khác. Rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là Tây Tiến. | 0.5 |
TRỌNG TÂM | Giải thích cụm từ Thi trung hữu họa | - Các em cần lưu ý: trong đề có từ, cụm từ khái niệm, hoặc thuật ngữ, người, viết cần có bước giải thích làm sáng rõ khái niệm, thuật ngữ ẩy, ở đây là cụm từ Thi trung hữu hoạ: Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm. Thi trung hữu họa: trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh). Tức là nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh, giàu tính chất tạo hình, đọc thơ mà tưởng thấy cả khung cảnh hiện ra ở trước mắt. | 0.5 |
Phân tích chứng minh, cảm nhận | Các em lưu ý: Đây là dạng đề cảm nhận, do đó, thiên về tính cảm nhận, cảm xúc, quan niệm riêng của người viết, tất nhiên trong khâu cảm nhận, rất cần khâu phân tích: - Tính hoạ được tạo nên trong nỗi nhớ chơi vơi, nỗi nhớ chông chênh giữa hai bờ thực ảo: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi” + Mở đầu bài thơ là lời gọi tha thiết, ngọt ngào. Tác giả gọi tên đơn vị Tây Tiến, gọi tên con sông vùng Tây Bắc: sông Mã mà thân thiết, dạt dào cảm tình như gọi tên những người thân thương trong cuộc đời mình. Phải chăng trung đoàn Tây Tiến, núi rừng Tây Bắc gần gũi, thân thương với tác giả và khi xa thì Tây Bắc, Tây Tiến trở thành một “mảnh tâm hồn” của tác giả. + Nhớ chơi vơi gợi lên dài rộng về không gian, gợi nên cái xa cách về thời gian. Tất cả đã lùi về quá khứ. Quang Dũng cất lên tiếng gọi như sự níu kéo mọi ký ức quay trở lại. Và trong xúc cảm đó, bao kỷ niệm, bao hình ảnh đã hiện vê. - Tính hoạ được gợi lên qua những địa danh và thời tiết khắc nghiệt xứ sở miền Tây: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi ” + Sài Khao, Mường Lát là hai địa danh tiếp theo được nhắc đến. Những cái tên như có sức tạo hình, nó gợi những nơi chốn hoang sơ, thưa vắng, heo hút. Những cái tên như những địa chỉ in hằn dấu chân người lính. Và cũng chính nơi hoang vu đó, ký ức đập về màn sương lạnh trắng phủ kín lối đi, che lấp cả đoàn quân mỏi mệt. Sương bồng bềnh, giá buốt làm trơn ướt những con đường, làm tê lạnh da người. - Một hình ảnh rất gợi là: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Đêm hơi là đêm đẫm hơi sương, là đêm lạnh. Tiếp tục gợi sự khắc nghiệt của khí hậu. Nhưng từ "hoa về", lại đem đến nhiều cách hiểu. Có thể hiểu hoa theo nghĩa thực, những bông hoa rừng nở, mùi hương quyện trong đêm hơi. Nhưng cũng có thể hiểu, khi chiến sĩ hành quân đêm, những bó đuốc họ mang, giống như những bông hoa lửa, phá đi giá lạnh và đêm tối. - Tính hoạ được thể hiện đặc sắc qua hình ảnh những con dốc Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. ” + Đất nước ta với đặc điểm địa hình 3/4 là núi đồi, nhưng qua những lời thơ đậm chất tạo hình của Quang Dũng, tưởng chừng như bao dãy đồi, ngọn núi đều đã “đổ bộ” hết lên vùng miền Tây này, phủ đặc trên những cung đường của binh đoàn Tây Tiến. Điệp từ dốc vừa gợi sự liên tiếp, chồng chất của những con dốc, dốc này chưa qua dốc khác đã phủ hiện trước mặt. + Hơn thế nữa những từ láy đi kèm còn gợi cả cái khốc liệt của những con dốc. “Khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” vẽ cho ta một hình dung về sự hoang sơ, kỳ vĩ, xa xôi, trúc trắc, mấp mô, hun hút rợn người. + Nhưng đặc biệt hơn, bằng thủ pháp đối lập, sự kinh hoàng, hiểm trở của những con dốc nơi đây mới hiện lên đầy đủ: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Đó là một sự gãy gập đột ngột, bất ngờ. Không hề thoai thoải dễ đi như những vùng miền khác, dốc nơi này dựng cao chót vót, nổi lên, vươn lên thẳng đứng chạm cả mây trời. Nhưng khi chạm đỉnh dốc rồi, sa chân bước hụt có thể rơi ngay xuống chân dốc sâu thăm thẳm. + Nếu câu thơ “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” có tới 5 thanh trắc trong 1 câu thơ đã tạo nên được những liên tưởng thật kỳ thú, rợn ngợp, kích thích, thì câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại lập lại thế cân bình, câu thơ được dệt bởi những thanh bằng liên tiếp, gợi tả sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Nhịp thơ cũng chậm lại, âm điệu nhẹ nhàng như phút nghỉ chân hiếm hoi của người lính. Trong màn mưa rừng, tất cả nhạt nhòa, bao mệt nhọc cũng tan biến, chỉ còn lại cảnh bồng bềnh, thi vị. | 3.0 | |
| Bình luận, đánh giá | - Quang Dũng không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà thơ, ông là một nghệ sĩ đa tài, có thể vẽ tranh và sáng tác nhạc. Cho nên, chính tài năng nhiều mặt đó đã bổ trợ tương hỗ nhau, để Quang Dũng dựng tạc nên những nét vẽ thật ấn tượng về thiên nhiên miền Tây. - Có nhà phê bình đã từng cho rằng, những vần thơ viết về dốc Tây Tiến là những vần thơ tuyệt bút, có lẽ bởi tính hoạ đậm nét đã làm nên điểm sáng cho cả bài thơ, làm nên ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc bao thế hệ. | 0.5 |
Bài làm mẫu:
Một nhà phê bình đã từng quả quyết rằng nếu xét muời tác giả tiêu biểu thời kháng chiến chống Pháp, sẽ không có Quang Dũng, nhưng nếu xét mười thi phẩm xuất sắc nhất của thời bom lửa ấy thì không thể không có Tây Tiến. Quả là như vậy, Tây Tiến như bức tượng đài sừng sững thách thức cả khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá của thời gian để ngày càng toả sáng trong kho tàng văn chương đất Việt. Đặc biệt không thể không nhắc đến bút pháp thi trung hữu hoạ - sức tạo hình, điêu khắc ngôn từ của người nghệ sĩ Quang Dũng, đặc biệt trong những vần thơ dưới đây:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thảm thắm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Quang Dũng nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, nhà thơ của những vần thơ lãng mạn, bay bổng, đậm nét hào hoa. Cuộc kháng chiến chống Pháp đi qua để lại những dấu ấn không thế phai mờ trong tâm hồn dân tộc. Đó là điểm hội tụ của muôn triệu tấm lòng yêu nước, môi trường thử thách tinh thần chiến đấu ngoan cường, bất khuất của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến còn làm nảy sinh biết bao hình ảnh đẹp mà đẹp nhất là hình ảnh người lính. Bên cạnh những bài thơ nổi tiếng một thời như Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên, Tây Tiến của Quang Dũng là một thi phẩm đặc sắc. Đoàn quân Tây Tiến quy tụ một lực lượng đông đảo đủ mọi tầng lóp thanh niên từ khắp phố phường Hà Nội. Có nhiều thanh niên học sinh thuộc tầng lóp trí thức tiểu tư sản vừa rời trang sách nhà trường để tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Tất cả những con người ấy ra đi với lí tưởng chung của dân tộc là chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ ra đi không hẹn ngày trở về chiến đấu với mục đích “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.” Tư tưởng ấy là hào khí của cả một thế hệ, đã từng được phản ánh trong một bài hát thời đó:
“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi,
Nào có xá chi đâu ngày trở về.”
Trong đoàn người nô nức lên đường đi chiến đấu, trong hàng ngũ những thanh niên trí thức ngày hôm qua có khi là những tự vệ chiến đấu trên phố phường, chiến lũy Hà Nội, mà hôm nay đã có mặt trong đoàn quân Tây Tiến, thấp thoáng xuất hiện một khuôn mặt: Quang Dũng, tác giả của bài thơ. Như bao thanh niên trí thức của Hà Nội ngày ấy, Quang Dũng cũng háo hức gia nhập đoàn quân Tây Tiến với một niềm say mê của tuổi trẻ và một chút lãng mạn của những người thanh niên “nho sĩ quý tộc” ảnh hưởng trong Chinh phụ ngâm:
“Dã nhà đeo bức chiến bào”
hay
“Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.”
Cũng chính vì thế mà những thanh niên như Quang Dũng sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hi sinh để chiến đấu đến ngày thắng lợi cuối cùng. Vào Tây Tiến, Quang Dũng cùng sống và chiến đấu một thời gian với đơn vị này và sau đó chuyển sang đơn vị khác. Một ngày ngồi ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ về những người đồng đội, nhớ về những tháng ngày chiến đấu gian nan nhưng hào hùng, nhớ đơn vị cũ, nhớ những con đường hành quân mà ông cùng đơn vị từng đi qua.
Quang Dũng không chỉ là nhà thơ, ông còn là hoạ sĩ, là nhạc sĩ, cho nên những vần thơ của ông đậm tính nhạc, tính hoạ. Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm. Thi trung hữu họa: trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh), tức là nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh, giàu tính chất tạo hình, đọc thơ mà tưởng thấy cả khung cảnh hiện ra ở trước mắt.
Tính hoạ được tạo nên trong nỗi nhớ chơi vơi, nỗi nhớ chông chênh giữa hai bờ thực ảo:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi ”
Mở đầu bài thơ là lời gọi tha thiết, ngọt ngào. Tác giả gọi tên đơn vị Tây Tiến, gọi tên con sông vùng Tây Bắc: sông Mã mà thân thiết, dạt dào cảm tình như gọi tên những người thân thương trong cuộc đời mình. Phải chăng trung đoàn Tây Tiến, núi rừng Tây Bắc gần gũi, thân thương với tác giả và khi xa thì Tây Bắc, Tây Tiến trở thành một “mảnh tâm hồn” của tác giả. “Nhớ chơi vơi gợi lên dài rộng về không gian, gợi nên cái xa cách về thời gian. Nhớ chơi vơi! Hai tiếng "chơi vơi" dùng ở đây thật là đắc địa, diễn tả một nỗi nhớ không có hình, không có lượng nhưng hình như rất nặng và mênh mang đầy ắp. Cái tâm trạng nhớ ấy ta đã bắt gặp không chỉ một lần trong ca dao:
“Ra về nhớ bạn chơi vơi”
hoặc:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than. ”
Quang Dũng lấy nỗi nhớ trong ca dao để tượng trưng thêm cho nỗi nhớ chơi vơi của mình, thật là chi tiết đắt giá! Nhưng tất cả đã lùi về quá khứ. Quang Dũng cất lên tiếng gọi như sự níu kéo mọi ký ức quay trở lại.
Tính hoạ được gợi lên qua những địa danh và thời tiết khắt nghiệt xứ sở miền Tây:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
“Sài Khao, Mường Lát” là hai địa danh được nhắc đến. Những cái tên như có sức tạo hình, nó gợi những nơi chốn hoang sơ, thưa vắng, heo hút. Những cái tên như những địa chỉ in hằn dấu chân người lính. Và cũng chính nơi hoang vu đó, ký ức đập về màn sương lạnh trắng phủ kín lối đi, che lấp cả đoàn quân mỏi mệt. Sương bồng bềnh, giá buốt làm trơn ướt những con đường, làm tê lạnh da người. Mỗi địa danh đều gợi lên trong người đọc về hình ảnh của một xứ lạ, phương xa; nếu ta chỉ thử thay Sài Khao bằng một tên gọi khác là lớp sương huyền ảo ấy tan biến ngay.
Một hình ảnh rất gợi là: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Đêm hơi là đêm đẫm hơi sương, là đêm lạnh. Tiếp tục gợi sự khắc nghiệt của khí hậu. Nhưng từ “hoa về”, lại đem đến nhiều cách hiểu. Có thể hiểu hoa theo nghĩa thực, những bông hoa rừng nở, mùi hương quyện trong đêm hơi. Nhưng cũng có thể hiểu, khi chiến sĩ hành quân đêm, những bó đuốc họ mang, giống như những bông hoa lửa, phá đi giá lạnh và đêm tối.
Tính hoạ được thể hiện đặc sắc qua hình ảnh những con dốc Tây Tiến:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Đất nước ta với đặc điểm địa hình 3/4 là núi đồi, nhưng qua những lời thơ đậm chất tạo hình của Quang Dũng, tưởng chừng như bao dãy đồi, ngọn núi đều đã “đổ bộ” hết lên vùng miền Tây này, phủ đặc trên những cung đường của binh đoàn Tây Tiến. Điệp từ "dốc" vừa gợi sự liên tiếp, chồng chất của những con dốc, dốc này chưa qua dốc khác đã phủ hiện trước mặt. Hơn thế nữa những từ láy đi kèm còn gợi cả cái khốc liệt của những con dốc. “Khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” vẽ cho ta một hình dung về sự hoang sơ, kỳ vĩ, xa xôi, trúc trắc, mấp mô, hun hút rợn người. Nhưng đặc biệt hơn, bằng thủ pháp đối lập, sự kinh hoàng, hiểm trở của những con dốc nơi đây mới hiện lên đầy đủ: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Đó là một sự gãy gập đột ngột, bất ngờ. Không hề thoai thoải dễ đi như những vùng miền khác, dốc nơi này dựng cao chót vót, nổi lên, vươn lên thẳng đứng chạm cả mây trời. Nhưng khi chạm đỉnh dốc rồi, sa chân bước hụt có thể rơi ngay xuống chân dốc sâu thăm thẳm. Con đường hành quân điệp trùng với bao cái khắc nghiệt, dữ dội của mỗi vùng rừng biên ải. Đọc đoạn thơ, chưa cần suy ngẫm nội dung bên trong, chúng ta đã có thể hình dung ra con đường mà Quang Dũng miêu tả. Kết cấu đoạn thơ cứ thanh bằng thanh trắc đan chéo nhau, trải dài ra miên man, vô tận như con đường xa thẳm khấp khểnh.
Nếu câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” tới 5 thanh trắc trong 1 câu thơ đã tạo nên được những liên tưởng thật kỳ thú, rợn ngợp, kích thích, thì câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại lập lại cân bình, câu thơ được dệt bởi những thanh bằng liên tiếp gợi tả sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Nhịp thơ cũng chậm lại, âm điệu nhẹ nhàng như phút nghỉ chân hiếm hoi của người lính. Trong màn mưa rừng, tất cả nhạt nhòa, bao mệt nhọc cũng tan biến, chỉ còn lại cảnh bồng bềnh, thi vị.
Quang Dũng không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà thơ, ông là một nghệ sĩ đa tài, có thể vẽ tranh và sáng tác nhạc. Cho nên, chính tài năng nhiều mặt đó đã bổ trợ tương hỗ nhau, để Quang Dũng dựng tạc nên những nét vẽ thật ấn tượng về thiên nhiên miền Tây. Có nhà phê bình đã từng cho rằng, những vần thơ viết về dốc Tây Tiến là những vần thơ tuyệt bút, có lẽ bởi tính hoạ đậm nét đã làm nên điểm sáng cho cả bài thơ, làm nên ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc.
Tây Tiến là bài thơ đặc sắc nhất góp phần đưa tên tuổi Quang Dũng lên một tầm cao mới của nghệ thuật. Với ngòi bút tài hoa, lãng mạn của mình Quang Dũng đã xây dựng thành công hình tượng người lính vừa bi tráng vừa tài hoa, hình tượng thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ dữ dội mà nên thơ nên hoạ. Những kết hợp tương khắc đó làm nên một Tây Tiến lạ và lệch, có sức sống lâu bền trong trái tim bạn đọc dù bao thế hệ đi nữa.