IMG-LOGO

30 đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2022 có lời giải (Đề 4)

  • 15758 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

  1. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

GIAN LẬN THI CỬ - VẤN NẠN CỦA NHIỀU NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

      Đối với những người hiếu học và yêu ngành sư phạm, Hàn Quốc có thể gọi là đất nước lý tưởng. Ở Hàn Quốc, người có học được tôn trọng hơn người giàu có. Khi nói chuyện với một giáo sư, nhà triệu phú phải ngả mũ. Một người kiếm tiền bằng chính tài năng của mình được đánh giá cao hơn hàng trăm lần so với người trúng số độc đắc. Thành công bằng mọi giá không được coi trọng ở Hàn Quốc. Một công việc được trả lương cao và một công việc có uy tín không giống nhau ở đây. Uy tín xã hội được coi trọng hơn.

      Giáo dục trung học được bảo đảm cho mọi người Hàn Quốc tốt nghiệp trường phổ thông. Nhưng nếu định thi vào một trường Đại học, bạn phải vượt qua một kỳ thi chuyển câp. Kỳ thì này quyết định vị thế của bạn trên bậc thang xã hội.

      Đối với người Hàn Quốc việc thỉ cử rất thiêng liêng. Trong thời gian diễn ra các cuộc thi cả nước im lặng, người ta cấm làm ồn bên cạnh các trường phổ thông và đại học. Chính quyền địa phương chặn các con đường xung quanh trường để tiêng ồn của xe cộ không ảnh hưởng tới sự tập trung của thí sinh. Máy bay cũng bị cấm bay trên phạm vi trường học lúc học sinh đang thi.

      Người Hàn Quốc thậm chí không nghĩ đến việc gian lận thi cử (trong ngôn ngữ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc không có từ biểu thị hiện tượng này). Trong các kỳ thi, giáo viên từ trường khác đến coi thi. Phong bì đựng các câu hỏi và bài tập được mở theo hiệu lệnh cùng một lúc ở tất cả các trường phổ thông trên cả nước. Thí sinh được phép mang theo bút bi, bút chì, tay và chứng minh thư. Đồng hồ và thiết bị điện tử bị cấm.

(Kim Thanh Hằng, Chuyên mục Giáo dục bốn phương – Báo Giáo dục và Thời đại)

Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích?

Xem đáp án

Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích là phong cách báo chí.


Câu 2:

Sự tôn trọng việc học, người có học vấn ở Hàn Quốc được biểu hiện như thế nào?

Xem đáp án

Sự tôn trọng việc học, người có học vấn ở Hàn Quốc được biểu hiện như sau:

- Người có học được tôn trọng hơn người giàu có, người kiếm tiền bằng năng lực được đánh giá cao hơn người trúng số.

- Công việc có uy tín xã hội được đánh giá cao hơn công việc có thu nhập cao.

- Kỳ thi chuyển cấp lên Đại học quyết định vị thế của một con người trên bậc thang xã hội.

- Họ coi trọng việc thi cử và sự thành thật trong thi cử, tạo mọi điều kiện cho việc thi cử.


Câu 3:

Vì sao ở Hàn Quốc, việc thi cử trở thành điều rất thiêng liêng?

Xem đáp án

Việc thi cử ở Hàn Quốc rất thiêng liêng do:

- Văn hóa Hàn Quốc đánh giá cao học vấn và người có học. Vì vậy, gia đình nào cũng quan trọng việc con cái và người thân đi thi cử, họ chuẩn bị chu đáo và hệ trọng.

- Người có học vị có vị thế cao trong xã hội, trong khi thi cử lại quyết định bậc thang của mỗi người nên họ cảm thấy thi cử rất thiêng liêng.

- Chính quyền coi trọng việc thi cử nên người dân cũng sẽ cảm nhận được vai trò của các cuộc thi đối với sự phát triển xã hội.


Câu 4:

Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua việc viết, bàn luận về việc thi cử ở Hàn Quốc là gì?

Xem đáp án

Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được quan điểm cá nhân và bàn luận ngắn gọn về quan điểm đó.

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

      Qua bài báo về vai trò của học vấn và tình hình thi cử ở Hàn Quốc, tác giả đã trình bày quan điểm của mình về nguyên nhân vấn nạn gian lận thi cử trên thế giới. Chỉ khi cả dân tộc coi trong việc học tập chân chính, coi trọng người có thực lực thì việc thi cử không chỉ là cuộc đua của học vị và công việc nữa. Khi đó, chính quyền và người dân cũng hướng tới những cuộc thi chân thực. Từ đó, tình trạng gian lận mới có thể giảm đi. Thông điệp này cũng là một lời cảnh tỉnh đắt giá đối với nhiều nền giáo dục và văn hóa trên thế giới.


Câu 5:

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về quan điểm: Đại học không phải là con đường duy nhất để chạm tới thành công.

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chung:

- Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết;

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Ÿ Yêu cầu chung:

Hệ thống ý

Dẫn dắt

- Nêu từ khóa: đại học và thành công

Giải thích

- Đại học là cấp học đào tạo nghề chuyên nghiệp mà hầu hết học sinh hiện nay đều hướng tới sau khi tốt nghiệp trung học.

Phân tích

- Đại học có ý nghĩa như thế nào đối với thành công.

+ Học đại học cung cấp những kiến thức, kỹ năng quan trọng, giúp sinh viên có nền tảng thuận lợi khi bước vào cuộc đua dẫn tới thành công trong công việc và cuộc sống.

+ Học đại học giúp ta có bằng cấp, dễ dàng hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm.

- Vì sao đại học lại không phải con đường duy nhất chạm đến thành công?

+ Vì con người có khả năng tự học ở các môi trường phi học đường: trung tâm dạy nghề, cuộc sống thực tế,... cũng cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết.

+ Không phải công việc nào cũng cần bằng cấp ở bậc Đại học và không phải con người nào có bằng cấp mới thành công (dẫn chứng).

Phản biện

- Không lựa chọn đại học khác với không có ý chí và không đỗ đại học.

+ Tùy lựa chọn hướng đi tương lai mà quyết định có học đại học hay không?

+ Phải là lựa chọn chứ không phải sự lười nhác hay thất bại.

- Thời đại ngày nay thì thế nào?

Thời đại của tri thức và công nghệ, cơ hội thành công chia đều cho những người có ý chí, bản lĩnh và tinh thần ham học hỏi.

Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

Thanh niên cần định hướng tương lai cho mình một cách rõ ràng.

Bài làm tham khảo:

      Bao nhiêu bạn trẻ đang ước ao thi Đại học? Nhiều. Vậy bao nhiêu đang khao khát thành công? Có lẽ là tất cả. Sao lại có sự chênh lệch ấy. Có lẽ bởi đại học không phải con đường duy nhất chạm đến thành công. Đại học là cấp học đào tạo nghề chuyên nghiệp. Đó là con đường tốt đẹp hướng tới những sự nghiệp lớn, những cơ hội thay đổi cuộc sống. Học đại học cung cấp những kiến thức, kỹ năng quan trọng, giúp sinh viên có nền tảng thuận lợi khi bước vào cuộc đua dẫn tới thành công trong công việc và cuộc sống. Học đại học giúp ta có bằng cấp, dễ dàng hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhưng đại học lại không phải con đường duy nhất chạm đến thành công. Bởi lẽ, con người có khả năng tự học ở các môi trường phi học đường: trung tâm dạy nghề, cuộc sống thực tế,... cũng cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Và hơn nữa, không phải công việc nào cũng cần bằng cấp ở bậc Đại học và không phải con người nào có bằng cấp mới thành công. Như chúng ta đã từng biết đến Edison, Hồ Chí Minh,... những tấm gương vĩ đại của tự học. Tuy vậy, cần phân biệt lựa chọn với sự thất bại. Có nhiều bạn trẻ cũng trích dẫn câu nói này để ngụy biện cho sự lười nhác, thiếu ý chí và thất bại. Khi đó, bạn đâu có quyền lựa chọn? Xin hãy nhớ: Thời đại của tri thức và công nghệ, cơ hội thành công chia đều cho những người có ý chí và tinh thần ham học hỏi. Và với tôi, cụ thể hơn nữa, nó chỉ dành cho ai có định hướng tương lai cho mình một cách rõ ràng và đi theo con đường mình đã định một cách bản lĩnh và đam mê.


Câu 6:

Người lính là đề tài quen thuộc, thế nhưng mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết: 

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Trong thi phẩm Việt Bắc, Tố Hữu viết:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cũng mũ nan

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng người lính được khắc hoạ qua hai đoạn thơ trên.

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học đế tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.

- Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Ÿ Yêu cầu cụ thể:

ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

- Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Tây Tiến, Việt Bắc

- Dạng bài: So sánh, cảm nhận hai đoạn thơ

- Yêu cầu: Học sinh làm sáng rõ về nội dung, nghệ thuật của từng đoạn trích, so sánh được những tương đồng và khác biệt, lý giải được những tương đồng và khác biệt đó, đồng thời nêu được cảm nhận cá nhân. Đây là dạng đề khó, đòi hỏi người viết phải thực hiện nhiều thao tác, nhiều bước làm để có thể làm sáng tỏ đề.

TIẾN TRÌNH BÀI LÀM

KIẾN THỨC

HỆ THỐNG Ý

NỘI DUNG CẦN ĐẠT

ĐIỂM

CHUNG

Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Quang Dũng không chỉ được biết tới với tư cách là một nhà thơ, ông là người nghệ sĩ đa tài. Quang Dũng mang hồn thơ bay bổng, phóng khoáng, hào hoa đầy lãng mạn, tha thiết tình cảm dành cho bạn bè, cho quê hương xứ sở.

- Tây Tiến - một bài thơ nói về vùng đất phía tây tổ quốc hùng vĩ và tuyệt vời thơ mộng, cùng một đoàn binh có lắm nét khác thường từ thành phần tham gia đến nhiệm vụ được giao và những nếm trải suốt dọc hành trình. Viết Tây Tiến chính là viết về một đoạn đời của thi nhân. Hay nói cách khác, mảnh ký ức, kỉ niệm của Quang Dũng cũng là của đất nước, lịch sử - một giai đoạn gian khó hào hùng không thể nào quên.

- Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Về phong cách nghệ thuật: Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị thể hiện nồng nhiệt tự hào lý tưởng cách mạng, đời sống cách mạng của Nhân dân ta. Thơ Tố Hữu chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, màu sắc lịch sử được diễn tả bằng bút pháp lãng mạn, hình tượng thơ kì vĩ, tráng lệ.

- Thi phẩm Việt Bắc được viết nhân một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử. Tháng 10 – 1954 Trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc (thủ đô kháng chiến) về thủ đô Hà Nội. Sau bao nhiêu năm chung sống ở mảnh đất Việt Bắc, sống trong tình quân dân chan hòa nồng thắm ấy thế mà nay những người chiến sĩ đành phải cất bước ra đi. Cảm xúc cũng như nhưng ưu tư chính là xuất phát điểm để bài thơ được ra đời.         

0.5

TRỌNG TÂM

Phân tích đoạn thơ Tây Tiến

Các em lưu ý: Với dạng đề so sánh, học sinh có thể làm theo hai cách: cách một là thực hiện phân tích và so sánh song hành nhau, với cách này, bài viết được đánh giá cao hơn, nhưng khó hơn, nếu người viết không vững, sẽ dễ bị trùng lặp, hoặc sót ý. Cách dễ hơn là phân tích từng đổi tượng, sau đó sẽ đến bước so sánh và lý giải. Trong phần gợi ý giải này, tác giả chọn cách số 2 để các em dễ theo dõi.

                 “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

                 Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

- Hai câu thơ trần trụi như hiện thực chiến tranh những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh đoàn quân “không mọc tóc” vừa gợi nét bi hài vừa phản ánh cái khốc liệt của chiến tranh.

- Cái hình hài không lấy gì làm đẹp “không mọc tóc”, “xanh màu lá” tương phản với nét “dữ oai hùm”. Bằng bút pháp tài hoa, Quang Dũng làm bật chí khí hiên ngang, tinh thần quả cảm xung trận của các chiến binh Tây Tiến từng làm quân giặc khiếp sợ.

- “Dữ oai hùm” là hình ảnh ẩn dụ nói lên chí khí của người lính Tây Tiến, tuy các chiến sĩ có gầy, xanh nhưng không hề yếu, chí khí của người lính vẫn như con hổ nơi rừng xanh. Cái tài của Quang Dũng là khắc họa chân dung bên ngoài của chiến sĩ Tây Tiến tuy gầy, xanh xao nhưng vẫn toát lên được cái oai phong, khí phách.

                 “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

                 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

- Các chiến sĩ Tây Tiến mộng và mơ gửi về hai phía chân trời: biên giới và Hà Nội, biên giới là nơi còn đầy bóng giặc, Hà Nội là nơi còn đó những kỉ niệm, những người thân thương,...

- Chiến sĩ Tây Tiến vốn là những thanh niên Hà Nội “Xếp bút nghiên theo việc đao, cung”, họ là những chàng thanh niên trẻ hào hoa, lãng mạn và đa tình. Khi xa Hà Nội, tiến về Tây Bắc để thực hiện nhiệm vụ thì các chiến sĩ luôn “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Sống giữa chiến trường ác liệt nhưng tâm hồn các anh luôn hướng về Hà Nội, mơ về Hà Nội.

Hình ảnh “dáng kiều thơm” của Quang Dũng đem đến cho người đọc nhiều điều thú vị, đặc tả được chất lính trẻ trung, hào hoa, lãng mạn của binh đoàn Tây Tiến trong trận mạc.

1.5

Lý giải

- Quang Dũng khắc hoạ người lính qua bút pháp lãng mạn, đầy bay bổng, tạo nên chất riêng của người lính trẻ Hà thành.

- Với Tố Hữu, ông sử dụng bút pháp của sử thi, tạc dựng nên bức tượng đài kỳ vĩ, sức mạnh lớn lao, trong không gian rộng lớn của núi rừng. Nó phù hợp với không khí ra trận những ngày tháng hào hùng, chói lọi.

0.5

Phân tích đoạn thơ Việt Bắc

“Những đưòng Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.”

- Chỉ vài nét phác họa khung cảnh hùng tráng của cuộc kháng chiến ở Việt Bắc, Tố Hữu đã cho người đọc cảm nhận được khí thế hào hùng, mạnh mẽ của khối đoàn kết toàn dân toàn diện, sự hoà quyện gắn bó giữa thiên nhiên với con người – tất cả tạo thành hình ảnh đất nước đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc, tương lai của dân tộc.

- Đêm đêm, những bước chân hành quân “rầm rập”, làm rung chuyển cả đất trời, bước chân của những người khổng lồ đội trời đạp đất, làm nên những kì tích anh hùng.

- Khí thế bừng bừng của quân ta được miêu tả hết sức sinh động: các từ láy có giá trị tượng thanh, tượng hình: “rầm rập”, “điệp điệp”, “trùng trùng”, biện pháp so sánh “như là đất rung” diễn tả được không khí hồ hởi, sôi sục trong những ngày hành quân ra mặt trận làm nổi bật được sức mạnh cuộn như thác lũ của quân ta. Tưởng chừng như nơi đây đang diễn ra một cơn địa chấn làm long trời lở đất báo hiệu những đòn sấm sét sắp giáng xuống đầu kẻ thù.

- Ý thơ phô trương sức mạnh hùng hậu của quân đội ta:

“Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.”

- Chỉ hai câu mà tạo nên bức phù điêu điệp trùng, hùng vĩ của Việt Bắc kháng chiến. Không khí kháng chiến, không khí lịch sử được tái hiện qua màu sắc thần kì sử thi. Đoàn quân ra trận đông đảo, người người lớp lớp, như sóng cuộn “điệp điệp trùng trùng”. Có “ánh sao đầu súng” soi chiếu lý tưởng, đó là đội quân bất khả chiến bại.

1.5

SO SÁNH

Tương đồng – khác biệt

- Tương đồng: Họ đều hiện lên trong sức mạnh, đó là sức mạnh của ý chí phi thường, sức mạnh của niềm tin tưởng. Những người chiến sĩ đều bật lên vẻ đẹp của lý tưởng, về sự ý thức và trách nhiệm. Họ là những con người gánh vác đại nghiệp, là người tiên phong, là sức mạnh mũi nhọn chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.

- Khác biệt: Lính Tây Tiến được hiện lên trong cái nhìn cận cảnh, cụ thể, được hiện lên qua sự trần trụi đến tàn khốc của chiến tranh, nhưng ẩn sau vẻ bề ngoài thô ráp là tâm hồn lãng mạn và hết sức hào hoa. Còn trong Việt Bắc, nhà thơ không tả cận mà tả ở cấp độ khái quát, cho nên, hình ảnh đoàn quân hiện lên trùng điệp như núi non, thác lũ. Sức mạnh nơi họ là sức mạnh của khối đoàn kết to lớn, của lý tưởng mạnh mẽ, tầm vóc vũ trụ.

0.5

Bài làm mẫu

      Lịch sử dân tộc là lịch sử được vẽ bằng thanh gươm và giọt máu. Chính những cuộc trường chinh, vệ quốc đã khắc tạc trong ta những hình ảnh quen thuộc mà lẫm liệt về người lính. Đó là người lính với sức mạnh át cả ngưu đẩu trong Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, người lính với sức mạnh kỳ vĩ: “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông” trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Người lính nông dân “miệng cười buốt giá, chân không giày” trong Đồng chí của Chính Hữu. Và chắc chắn không thể thiếu hình tượng người lính dữ oai hùm trong Tây Tiến của Quang Dũng, đoàn quân điệp trùng ánh sao trong Việt Bắc của Tố Hữu.

      Quang Dũng và Tố Hữu đều là những nhà thơ lớn, cùng trải qua những đau thương và khốc liệt trong chiến tranh, cho nên, điểm giao thoa giữa họ là khắc tạc những hình tượng nghệ thuật về người lính, về nhà thơ Quang Dũng, ông không chỉ được biết tới với tư cách là một nhà thơ, mà còn là người nghệ sĩ đa tài. Gắn mình với cuộc kháng chiến chống Pháp và tự bản thân lớn lên trong cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt đó, Quang Dũng đã cho ra đời những tác phẩm hay nhất đời mình. Quang Dũng mang hồn thơ bay bổng, phóng khoáng, hào hoa đầy lãng mạn, tha thiết tình cảm dành cho bạn bè, cho quê hương xứ sở. Thơ Quang Dũng nằm giữa biên giới của thật và mơ, như khói như mây mờ mờ ảo ảo, như tiếng vọng từ chân trời nào xa vắng... Tây Tiến - một bài thơ nói về vùng đất phía tây tổ quốc hùng vĩ và tuyệt vời thơ mộng, cùng một đoàn binh có lắm nét khác thường từ thành phần tham gia đến nhiệm vụ được giao và những nếm trải suốt dọc hành trình. Viết Tây Tiến chính là viết về một đoạn đời của thi nhân. Hay nói cách khác, mảnh ký ức, kỉ niệm của Quang Dũng cũng là của đất nước, lịch sử - một giai đoạn gian khó hào hùng không thể nào quên.

      Còn nói đến Tố Hữu là nhắc đến nhà thơ lớn của dân tộc, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Về phong cách nghệ thuật: Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị thể hiện nồng nhiệt tự hào lý tưởng cách mạng, đời sống cách mạng của Nhân dân ta. Thơ Tố Hữu chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, màu sắc lịch sử được diễn tả bằng bút pháp lãng mạn, hình tượng thơ kì vĩ, tráng lệ. Nét đặc sắc trong thơ Tố Hữu là có giọng điệu riêng. Thơ liền mạch, nhất khí tự nhiên, giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết. Thi phẩm Việt Bắc được viết nhân một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử. Tháng 10 - 1954 Trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc (thủ đô kháng chiến) về thủ đô Hà Nội. Sau bao nhiêu năm chung sống ở mảnh đất Việt Bắc, sống trong tình quân dân chan hòa nồng thắm ấy thế mà nay những người chiến sĩ đành phải cất bước ra đi. Cảm xúc cũng như những ưu tư chính là xuất phát điểm để bài thơ được ra đời.

      Tây Tiến của Quang Dũng là dòng hồi ức vô cùng thương nhớ về những đồng đội, chính vì thế Quang Dũng đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh, hàng loạt những thủ pháp như tương phản, nhân hoá, tăng cấp ý nghĩa để tạo ấn tượng mạnh để khắc tạc một cách sâu sắc vào tâm trí người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, của dân tộc. Đó là bức tượng đài sừng sững giữa núi cao sông sâu, giữa một không gian hùng vĩ

                                                “Tây Tiến đoàn bỉnh không mọc tóc

                                                Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

      Hai câu thơ trần trụi như hiện thực chiến tranh những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh đoàn quân “không mọc tóc” vừa gợi nét bi hài vừa phản ánh cái khốc liệt của chiến tranh. Cái hình hài không lấy gì làm đẹp “không mọc tóc”, “xanh màu lá” tương phản với nét “dữ oai hùm”. Bằng bút pháp tài hoa, Quang Dũng làm bật chí khí hiên ngang, tinh thần quả cảm xung trận của các chiến binh Tây Tiến từng làm quân giặc khiếp sợ. “Dữ oai hùm” là hình ảnh ẩn dụ nói lên chí khí của người lính Tây Tiến, tuy các chiến sĩ có gầy, xanh nhưng không hề yếu, chí khí của người lính vẫn như con hổ nơi rừng xanh. Cái tài của Quang Dũng là khắc họa chân dung bên ngoài của chiến sĩ Tây Tiến tuy gầy, xanh nhưng vẫn toát lên được cái oai phong, khí phách. Nếu như ở những đoạn thơ trước đó người lính mới chỉ hiện ra trong đoàn quân mỏi trong câu: “Sài Khao sưong lấp đoàn quân mỏi”, nay trong khung cảnh hết sức lãng mạn trong đêm liên hoan, đêm lửa trại thắm tình cá nước thì ở đây là hình ảnh đoàn binh không mọc tóc da xanh như lá rừng. Cảm hứng chân thực của Quang Dũng đã không né tránh việc mô tả cuộc sống gian khổ mà người lính phải chịu đựng. Vẻ ngoài dường như rất tiều tụy, nhưng thế giới tinh thần của người lính lại cho thấy họ chính là những người chiến binh anh hùng, họ còn chứa đựng cả một sức mạnh áp đảo quân thù, họ dũng mãnh như hổ báo, hùm beo. Cái giỏi của Quang Dũng là mô tả người lính với những nét khắc khổ tiều tụy nhưng vẫn gợi ra âm hưởng rất hào hùng của cuộc sống. Bởi vì câu thơ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” với những thanh trắc rơi vào trọng âm đầu của câu thơ như “tiến”, “mọc tóc”. Nhờ những thanh trắc ấy mà âm hưởng của câu thơ vút lên. Chẳng những thế, họ còn là cả một đoàn binh. Hai chữ “đoàn binh” âm Hán Việt đã gợi ra một khí thế hết sức nghiêm trang, hùng dũng. Và đặc biệt hai chữ “Tây Tiến” mở đầu câu thơ không chỉ còn là tên gọi của đoàn binh nữa, nó gợi ra hình ảnh một đoàn binh dù đầu không mọc tóc vẫn đang quả cảm tiến bước về phía Tây. Thủ pháp tương phản mà Quang Dũng sử dụng ở câu thơ “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” không chỉ làm nổi bật lên sức mạnh tinh thần của người lính mà còn thấm sâu màu sắc văn hoá của dân tộc. Ở đây, nhà thơ không chỉ muốn nói rằng những người lính Tây Tiến như chúa sơn lâm, không phải muốn “động vật hoá” người lính Tây Tiến mà muốn nói tới sức mạnh bách chiến bách thắng bằng một hình ảnh quen thuộc trong thơ văn xưa. Phạm Ngũ Lão cũng ca ngợi người anh hùng vệ quốc trong câu thơ: 

                                                “Hoành sóc giang san cáp kỷ thu

                                                Tam quan kỳ hố khí thôn ngưu”

      Và ngay cả Hồ Chí Minh trong Đăng sơn cũng viết:

                                                “Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu

                                                Thệ diệt sài lang xâm lược quân”

      Có thế nói Quang Dũng đã sử dụng một mô típ mang đậm màu sắc phương Đông để câu thơ mang âm vang của lịch sử, hình tượng người lính cách mạng gắn liền với sức mạnh truyền thống của dân tộc. Đọc câu thơ: “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” ta như nghe thấy âm hưởng của hào khí ngút trời Đông A.

                                                “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

                                                Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

      Các chiến sĩ Tây Tiến mộng và mơ gửi về hai phía chân trời: biên giới và Hà Nội, biên giới là nơi còn đầy bóng giặc, Hà Nội là nơi còn đó những kỉ niệm, những người thân thương,... Chiến sĩ Tây Tiến vốn là những thanh niên Hà Nội “xếp bút nghiên theo việc đao, cung”, họ là những chàng thanh niên trẻ hào hoa, lãng mạn và đa tình. Khi xa Hà Nội, tiến về Tây Bắc đế thực hiện nhiệm vụ thì các chiến sĩ luôn “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Sống giữa chiến trường ác liệt nhưng tâm hồn các anh luôn hướng về Hà Nội, mơ về Hà Nội. Hình ảnh “dáng kiều thơm” của Quang Dũng đem đến cho người đọc nhiều điều thú vị, đặc tả được chất lính trẻ trung, hào hoa, lãng mạn của binh đoàn Tây Tiến trong trận mạc. Đã một thời, với cái nhìn ấu trĩ, người ta phê phán thói tiểu tư sản, thực ra nhờ vẻ đẹp ấy của tâm hồn mà người lính có sức mạnh vượt qua mọi gian khổ, người lính trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam. Quang Dũng đã tạo nên một tương phản hết sức đặc sắc – những con người chiến đấư kiên cường với ý chí sắt thép cũng chính là con người có một đời sống tâm hồn phong phú. Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động trong một nỗi nhớ về một dáng kiều thơm, nhớ về vẻ đẹp của Hà Nội – Thăng Long xưa.

      Nguyễn Đình Thi từng nói, đại ý, trọn đời, Tố Hữu là nhà thơ và làm thơ về cách mạng, và thơ Tố Hữu luôn thiết tha, dịu dàng với quê hương đất nước và con người của đất nước quê hương. Ngày Tố Hữu ra đi, Nguyễn Đình Thi từng nói vậy, và ta cảm thấy thật xúc động, tự hào vì điều đó. Ngay cả trong những vần thơ nói về khí thế ra trận, miêu tả cảnh hùng hồn, hào hùng của dân tộc, ta vẫn luôn cảm thấy chút dịu dàng rất Huế ông gửi gắm vào người Việt Nam mình. Và thật đặc biệt khi ta tìm ra điều đó được viết trong khổ thơ đặc tả khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc.

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

      Chỉ vài nét phác họa khung cảnh hùng tráng của cuộc kháng chiến ở Việt Bắc, Tố Hữu đã cho người đọc cảm nhận được khí thế hào hùng, mạnh mẽ của khối đoàn kết toàn dân toàn diện, sự hoà quyện gắn bó giữa thiên nhiên với con người – tất cả tạo thành hình ảnh đất nước đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc, tương lai của dân tộc. Đêm đêm, những bước chân hành quân “rầm rập”, làm rung chuyển cả đất trời, bước chân của những người khổng lồ đội trời đạp đất, làm nên những kì tích anh hùng. Khí thế bừng bừng của quân ta được miêu tả hết sức sinh động: Các từ láy có giá trị tượng thanh, tượng hình: “rầm rập”, “điệp điệp”, “trùng trùng”, biện pháp so sánh “như là đất rung” diễn tả được không khí hồ hởi, sôi sục trong những ngày hành quân ra mặt trận, làm nổi bật được sức mạnh cuộn như thác lũ của quân ta. Tưởng chừng như nơi đây đang diễn ra một cơn địa chấn làm long trời lở đất báo hiệu những đòn sấm sét sắp giáng xuống đầu kẻ thù. Khí thế càng được thể hiện rõ nét hơn, từ “điệp trùng” được tách ra thành “điệp điệp ” “trùng trùng” thể hiện một số lượng rất lớn đoàn dân công đang tiến quân ra trận. Có thể nói, chỉ hai câu mà tạo nên bức phù điêu điệp trùng, hùng vĩ của Việt Bắc kháng chiến. Không khí kháng chiến, không khí lịch sử được tái hiện qua màu sắc thần kì sử thi. Đoàn quân ra trận đông đảo, người người lớp lớp, như sóng cuộn “điệp điệp trùng trùng”. Có “ánh sao đầu súng” soi chiếu lý tưởng, đó là đội quân bất khả chiến bại. Hình ảnh hoán dụ “ánh sao đầu súng” thật giống với hình ảnh “đầu súng trăng treo” của Chính Hữu. Một hình ảnh lãng mạn, tráng lệ, tuyệt đẹp. Đó là những người chiến sĩ giải phóng quân đang ngày đêm ra trận, hình ảnh họ không chỉ kiêu hùng, mà còn thật lãng mạn. “Ánh sao đầu súng” sóng đôi cùng “bạn cùng mũ nan” có thể là mũ của những người dân công hỏa tuyến, họ đang sát cánh cùng nhau ra trận, những hình ảnh này đặt cạnh nhau đột nhiên ta thấy thật nên thơ. Càng tô điểm thêm khối sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc.

      Cùng nhìn lại hai hình tượng người lính được khắc tạc qua hai thi phẩm, có thể thấy họ có những điểm chung và riêng. Trước tiên họ đều hiện lên trong sức mạnh của ý chí phi thường, sức mạnh của niềm tin tưởng. Những người chiến sĩ đều bật lên vẻ đẹp của lý tưởng, về sự ý thức và trách nhiệm. Họ là những con người gánh vác đại nghiệp, là người tiên phong, là sức mạnh mũi nhọn chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên, lính Tây Tiến được hiện lên trong cái nhìn cận cảnh, cụ thể, được hiện lên qua sự trần trụi đến tàn khốc của chiến tranh, nhưng ẩn sau vẻ bề ngoài thô ráp là tâm hồn lãng mạn và hết sức hào hoa. Còn trong Việt Bắc, nhà thơ không tả cận mà tả ở cấp độ khái quát, cho nên, hình ảnh đoàn quân hiện lên trùng điệp như núi non, thác lũ. Sức mạnh nơi họ là sức mạnh của khối đoàn kết to lớn, của lý tưởng mạnh mẽ, tầm vóc vũ trụ. Với Quang Dũng, ông khắc hoạ người lính qua bút pháp lãng mạn, đầy bay bổng, tạo nên chất riêng của người lính trẻ Hà thành. Với Tố Hữu, ông sử dụng bút pháp của sử thi, tạc dựng nên bức tượng đài kỳ vĩ, sức mạnh lớn lao trong không gian rộng lớn của núi rừng. Nó phù hợp với không khí ra trận những ngày tháng hào hùng, chói lọi.

      Cùng biểu hiện hình ảnh những đoàn quân ra trận nhưng cảm hứng từ hai nhà thơ rất khác nhau. Chính vì vậy mà hình ảnh người lính thời chống Pháp hiện lên trong hai đoạn thơ vừa có điểm chung vừa có điểm riêng biệt mang đến cho người đọc những ấn tượng khó phai nhòa.


Bắt đầu thi ngay