Đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2022 có lời giải (Đề 14)
-
15420 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích:
Gió gieo tung những hạt giống trên tay
Giọt nước mắt mau khô, tiếng gọi đò vọng mãi
Vầng trán với bể khơi chung gió ấy
Ở nơi đâu cũng tới được chân trời.
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão tìm nhau.
(…)
Dẫu đêm nay ngọn gió mùa hè
Còn bề bộn một vùng gạch ngói
Lịch sử quay những vòng xoáy gian nan
Đất nước tôi như một con thuyền
Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá.
Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời...
(Trích Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Lưu Quang Vũ, NXB Văn học, 2002)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Phương pháp: Vận dụng kiến thức về các thể thơ đã học
Cách giải:
Thể thơ: tự do.
Câu 2:
Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích diễn tả sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước.
Phương pháp: Đọc tìm ý.
Cách giải:
Hình ảnh diễn tả sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước: tiếng gọi ngàn đời không khuất phục, con thuyền xuyên gió mạnh, con thuyền lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá.
Câu 3:
Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về đất nước và con người Việt Nam?
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão tìm nhau.
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
- Thể hiện sức sống, sức vươn dậy mãnh liệt của đất nước; luôn sẵn sàng đương đầu và vượt qua những khó khăn thử thách.
- Trong những hoàn cảnh đất nước gian nan, tinh thần đoàn kết, tình người luôn hiện hữu.
Câu 4:
Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích.
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích:
- Khát vọng làm ngọn gió để ôm trọn đất nước, để chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với nhân dân.
- Tự hào, ngợi ca vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam.
- Niềm tin về một đất nước có sức vươn lên mạnh mẽ vượt qua bão giông.
- Tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết.
Câu 5:
I. LÀM VĂN
Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc trong hoàn cảnh đất nước khó khăn thử thách.
Phương pháp:
- Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận: sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc trong hoàn cảnh đất nước khó khăn thử thách.
- Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu:
- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Giải thích:
- Tinh thần đoàn kết dân tộc là sự liên kết bền chặt giữa các cá nhân trong một tập thể thành khối thống nhất cùng nhau hoạt động vì một mục đích chung.
2.Phân tích, chứng minh:
- Tinh thần đoàn kết là truyền thống quí báu của dân tộc, nhờ đó tạo nên sức mạnh to lớn, đưa đất nước vững bước vượt qua những hoàn cảnh khó khăn thử thách.
- Tinh thần đoàn kết dân tộc khiến con người biết sống bao dung, biết cách nhường nhịn và sẻ chia; giúp con người gắn kết với nhau để đem lại cuộc sống hòa bình, tốt đẹp.
(Chứng minh: Tinh thần đoàn kết dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, trong đại dịch Covid 19, trong bão lũ, thiên tai...)
- Biết cách nhường nhịn và sẻ chia; giúp con người gắn kết với nhau để đem lại cuộc sống hòa bình, tốt đẹp. (Chứng minh: Tinh thần đoàn kết dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, trong đại dịch Covid 19, trong bão lũ, thiên tai...)
3 Bài học:
Mỗi cá nhân cần nhận thức được vai trò và biết phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc.
Câu 6:
Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng loá xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà…”
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.30)
Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mới mẻ về người nông dân của nhà văn Kim Lân.
Phương pháp:
- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mới mẻ về người nông dân của nhà văn Kim Lân.
- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
- Mở bài
- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Kim Lân: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.
- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Vợ nhặt”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.
- Nêu vấn đề nghị luận: Khái quát hình ảnh nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mới mẻ về người nông dân của nhà văn Kim Lân.
- Thân bài
- Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng
- Hoàn cảnh:
- Tràng là dân ngụ cư nghèo khổ, ngoại hình xấu xí, tính tình ngờ nghệch.
- Trong nạn đói khủng khiếp của năm 1945, hắn bỗng dưng nhặt được vợ. Hắn đưa vợ về nhà giữa những lời xì xầm, ái ngại của những người dân trong xóm ngụ cư.
- Đoạn trích là tâm trạng và hành động của Tràng trong buổi sáng đầu tiên sau khi “nhặt vợ”.
- Tâm trạng nhân vật Tràng:
- Tràng cảm thấy vui mừng, hạnh phúc khi có vợ. Hạnh phúc đến quá đỗi bất ngờ nên việc có vợ vẫn chưa làm cho Tràng hết ngạc nhiên, hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
- Tràng ngạc nhiên trước sự đổi thay trong chính ngôi nhà của mình. Ngôi nhà sạch sẽ gọn gàng, đó là hình ảnh của sự sống, là cái sinh khí mới mẻ của một mái ấm gia đình mà lần đầu tiên Tràng được cảm nhận.
- Tràng thấm thía cảm động trước cảnh tượng gần gũi, quen thuộc; cảm thấy vui sướng phấn chấn, yêu thương gắn bó với gia đình. Niềm vui đem lại ánh sáng cho cuộc sống vốn đang tràn ngập sự chết chóc bởi cái đói. Hành động: xăm xăm chạy ra giữa sân, muốn làm việc gì để phần dự tu sửa lại căn nhà cho thấy Tràng đã trở thành người đàn ông trưởng thành trong suy nghĩ nhận thức, biết lo toan, sống có trách nhiệm với gia đình.
- Đánh giá chung:
- Tâm trạng, hành động của nhân vật được thể hiện bằng ngôn ngữ tự nhiên, giàu tính biểu cảm; nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, cách kể chuyện hấp dẫn, sinh động…
- Qua nhân vật Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ phản ánh số phận cùng khổ của người nông dân nghèo Việt Nam trước cách mạng tháng Tám mà còn phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp của tình người, của khát vọng hạnh phúc.
- Nhận xét cách nhìn mới mẻ về người nông dân
- Cái nhìn xót xa, thương cảm về người nông dân trong nạn đói khủng khiếp Ất Dậu 1945.
- Cái nhìn lạc quan tin tưởng về con người: nhìn thấy sức mạnh của tình yêu thương, khao khát sống mãnh liệt và niềm tin bất diệt vào tương lai trong thẳm sâu tâm hồn con người đang bên bờ vực mong manh giữa sự sống - cái chết.
- Kim Lân không để người nông dân chìm trong vòng luẩn quẩn bế tắc của bi kịch như Chí Phèo của Nam Cao, Tắt đèn của Ngô Tất Tố… mà mở ra cho họ tương lai hứa hẹn sự đổi đời, hướng đến ánh sáng cách mạng.
- Cách nhìn mới mẻ về người nông dân cho thấy sự am hiểu sâu sắc về đời sống làng quê, tình thương yêu con người và phong cách nghệ thuật truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân.
III. Kết bài:
- Khái quát lại hình tượng nhân vật Tràng và cái nhìn mới mẻ của Kim Lân về người nông dân.
- Nêu cảm nhận của bản thân.